Những bước nhảy 'xóa tan' mọi khoảng cách

Không nhìn thấy bạn nhảy, không nhìn thấy thầy giáo, càng không nhìn thấy bất cứ một động tác nào. Thế nhưng, lớp học vẫn diễn ra đều đặn vào thứ 4 và thứ 6 trong tuần với sự hào hứng, đầy niềm vui của các thành viên... nhờ sự cảm nhận từ những âm thanh.

Âm thanh dẫn đường

Đều đặn thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, chị Dương Thanh Hiền lại đặt xe ôm từ Ba Đình để di chuyển đến tầng 3 của trụ sở Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội). Suốt quãng đường di chuyển, chị vẫn lẩm nhẩm các giai điệu của bài nhảy để nhớ lại những động tác mà thầy đã dạy.

Trong căn phòng chưa đầy 20m2, cơ sở vật chất cũng khá sơ sài, thiếu thốn, một lớp học “đặc biệt” khi thầy giáo dạy nhảy miễn phí, các học viên đều là những người khiếm thị, đủ mọi lứa tuổi với những xuất phát điểm rất khác biệt. Có người đang còn là học sinh, có người đã từng là doanh nhân thành đạt…

Thế nhưng khi âm nhạc trong căn phòng vang lên, tiếng thầy giáo hô “1,2,3,4, tay trái đưa lên, 5,6,7,8 chân phải sang ngang…”, cũng là lúc họ bắt đầu di chuyển cơ thể, đan tay vào nhau, hòa mình vào giai điệu.

Người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng hơn khi tham gia lớp học.

Với chị Hiền và các thành viên câu lạc bộ Solar Club - Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội, được học khiêu vũ là một điều mà trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới.

“Tôi đã từng chán nản, tự ti, không muốn ra ngoài giao tiếp cùng ai do bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh, khả năng nhìn gần như không còn. Nhưng từ khi tham gia câu lạc bộ, âm nhạc giúp tôi có tinh thần vui vẻ, lạc quan, các động tác nhảy giúp cơ thể tôi được vận động, lưu thông khí huyết, ăn ngon ngủ tốt hơn”, chị Hiền chia sẻ.

Cũng là một thành viên trong lớp, anh Trần Văn Hoan (Thanh Xuân) cho biết do phải tập bằng trí nhớ nên anh phải tập nhiều để quen động tác và nhạc. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, câu lạc bộ phải tạm dừng tập trực tiếp nhưng thầy giáo luôn động viên mọi người và hướng dẫn học viên tập thể online tại nhà.

Trong đợt giãn cách xã hội, lớp học khiêu vũ chuyển sang hình thức online. (Ảnh: NVCC)

Em An Như, đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho hay lớp học mang lại rất nhiều động lực cho em, giúp em giảm đi mặc cảm về hình thể và trở nên tự tin hơn. Mỗi khi có buổi tập, em rất háo hức để được giao lưu với mọi người và được học thêm các bài tập mới.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo cộng thêm sự say mê, nhiệt huyết tập luyện của các học viên, qua từng ngày những điệu nhảy tango, chachacha hay zumba đã được các họ thể hiện một cách thuần thục hơn.

Đồng cảm từ trái tim

Gắn bó với các học viên “đặc biệt” từ những bước nhảy chập chững đầu tiên, anh Tô Văn Hòa (huấn luyện viên khiêu vũ thể thao quốc gia) chia sẻ: "Nếu như người bình thường khi nhảy sẽ sử dụng tay chân và ngôn ngữ hình thể rất nhiều thì với người khiếm thị, họ bị giới hạn bước đi, hạn chế hành động. Ban đầu, mình chưa biết cách kết nối với học viên nên họ đã tự ti lại càng ngại ngùng hơn, khiến cả thầy cả trò đều căng thẳng”.

X

Để lớp học hiệu quả, anh Hòa đã phải thiết kế một “giáo án” riêng để phù hợp với thể trạng và đặc thù khuyết tật của những người khiếm thị. Có lẽ bởi vậy mà những động tác không chỉ miêu tả bằng lời nói mà việc cầm tay, cầm cả… chân học viên để hướng dẫn các bước nhảy là chuyện diễn ra thường xuyên.

“Khiếm khuyết về đôi mắt nhưng những người khiếm thị lại có khả năng cảm nhận thanh âm, giai điệu rất tinh tế. Đôi mắt không còn lành lặn thì âm nhạc sẽ giúp họ chỉ đường”, anh Hòa chia sẻ.

Không chỉ tập cho "vui", vào tháng 4, các học viên của Solar Club đã tham dự cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Đây là cuộc thi khiêu vũ dành riêng cho người khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Tại đây, các học viên của thầy đều tham gia thi và được biểu diễn hết mình trên sân khấu lớn với hàng trăm khán giả.

“Nhảy trên sân khấu đối với người bình thường vui một thì đối với người khiếm thị vui mười. Những cuộc thi như vậy khiến chúng tôi luyện tập có động lực hơn, cố gắng hơn", chị Dương Thanh Hiền chia sẻ.

Nguyễn Thúy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-buoc-nhay-xoa-tan-moi-khoang-cach-post174173.html