Những bước tiến của kinh tế tư nhân - Bài 2: Tiếp tục trợ lực cho kinh tế tư nhân
Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 ra đời đặt dấu ấn đầu tiên, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Đặc biệt, tiếp sau đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 – được coi như vết son trong chặng đường Đổi mới của Việt Nam đã tạo ra đột phá về mặt tư duy, mở rộng quyền tự do kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương – người trực tiếp tham gia soạn thảo những Luật nói trên về chặng đường xây dựng Luật cũng như ý nghĩa đặc biệt của nó tới khu vực kinh tế tư nhân cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Là người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và đặc biệt sau đó là Luật Doanh nghiệp năm 1999, hẳn ông có nhiều ký ức đáng nhớ ?
Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đề ra đường lối Đổi mới, với chủ trương đa dạng hóa các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần từ mô hình kinh tế đơn thành phần là nhà nước thì năm 1987 chúng ta có ngay Luật đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hình thành nên khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa có luật điều chỉnh nhưng Nghị quyết số 16 của Bộ chính trị về phát triển hộ sản xuất cá thể là những mầm mống đầu tiên của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân ngày nay.
Tại thời điểm này, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5.4.1988 (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời như một điều kỳ diệu giúp chuyển đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp – yếu tố rất quan trọng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Suốt thời kỳ từ 1986 đến 1990, Đảng thấy rõ khu vực đầu tư nước ngoài đã có luật, doanh nghiệp Nhà nước đang là một thành phần chủ yếu quyết định. Thành phần tư nhân trong nước nếu như không có luật điều chỉnh thì rõ ràng không khuyến khích phát triển. Thêm vào đó, không có luật điều chỉnh sẽ tạo nên sự không công bằng trong đối xử.
Chính vì vậy, Trung ương Đảng đã quyết định chủ trương phải xây dựng luật về khuyến khích phát triển kinh tư nhân. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng luật, tôi là một người tham gia xây dựng luật. Tại thời điểm đó, chúng tôi chưa hình dung ra được cụ thể thế nào, lúc đầu rất loay hoay. Bởi lẽ, nếu nói Luật để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân sẽ liên quan đến nhiều thứ như phải có Luật Dân sự, Luật Hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại mà lúc đó mình chưa có gì cả.
Vậy phải làm gì, một luật không thể có ngay tất cả mọi thứ được. Năm 1988, được giao nhiệm vụ, tôi bắt đầu nghiên cứu, kiến nghị xây dựng một luật về những nguyên tắc cơ bản khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.
Sau quá trình trăn trở, tìm lại luật thời kỳ trước, đặc biệt là trao đổi với nhóm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi nhận thấy rằng Luật về hình thức tổ chức doanh nghiệp là quan trọng hàng đầu. Từ đấy, nhóm soạn thảo bắt đầu xây dựng, thảo luận đưa ra Hội đồng Nhà nước tách thành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.
Những người tham gia soạn thảo hai luật này đều đi học ở Liên Xô về nên đều chưa có trải nghiệm về khái niệm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, trái phiếu, cổ phiếu… Chúng tôi chỉ cố gắng hiểu những luật mà mình tham khảo để chuyển tải thành uật của mình nên còn rất sơ sài.
Nhưng Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 được một điểm, đó là đã đặt dấu ấn, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và hình thành nên những loại hình doanh nghiệp hiện đại theo kinh tế thị trường.
Hai luật này được xây dựng trên nguyên tắc doanh nghiệp chỉ làm được những gì mà pháp luật và cơ quan nhà nước cho phép. Thậm chí, Luật nặng về thủ tục xin phép thành lập, còn chưa có gì hoặc rất đơn sơ về quản trị doanh nghiệp. Mọi thứ doanh nghiệp làm đều phải xin phép, hình thức này được gọi giấy phép không tên hoặc có tên nhưng phần lớn giấy phép là không tên.
Số doanh nghiệp được thành lập vào thời điểm này rất ít. Sau 10 năm thực hiện, hai Luật có khoảng 45.000 doanh nghiệp được thành lập, khi kiểm kê lại vào năm 1999 có hơn 32.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ hội kinh doanh của những doanh nghiệp thành lập vào thời điểm này cũng rất ít.
Vào thời điểm đó, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Trong quá trình đó, Đảng nhận thức được rằng thủ tục hành chính quá rườm rà. Vì thế, vào năm 1994, có một nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính và sau đấy Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chỉ đạo cải cách rất mạnh mẽ, thủ tục hành chính phải đơn giản hóa mà một trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
Nhu cầu đó mạnh mẽ thêm bởi tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ 1997-1999. Lúc đó, đầu tư nước ngoài giảm, mình phải hấp thu nhanh được nguồn lực trong nước. Điều đó đặt ra vấn đề cấp thiết để có thể khởi sự nhanh, cải cách thủ tục hành chính mà trọng tâm là ở khâu xin phép thành lập và đăng ký thành lập doanh nghiệp để làm sao có nhiều doanh nghiệp tư nhân hơn.
Cùng với yêu cầu của thực tiễn về cải cách trong thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, tốc độ xây dựng Luật Doanh nghiệp được đẩy nhanh lên. Luật Doanh nghiệp bắt đầu soạn thảo vào cuối năm 1995 để đến năm 1999 được thông qua với nhiều tư tưởng đổi mới.
Vậy ý nghĩa lớn nhất mà Luật Doanh nghiệp năm 1999 đem lại là gì, thưa ông?
Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã có những thay đổi mang tính chất đột phá về mặt tư duy, từ đó quyền tự do kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam được mở rộng.
Điểm đầu tiên là Luật Doanh nghiệp đã hợp nhất Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty quy định đầy đủ hơn chi tiết về các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Điều quan trọng thứ hai là Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng theo lối chọn bỏ, nghĩa là doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Từ chỗ doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì pháp luật và cơ quan nhà nước cho phép sang doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.
Tư tưởng đó thực sự là một cuộc cách mạng, đột phá về cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh. Khâu xin phép, thành lập doanh nghiệp được bỏ hẳn bởi kinh doanh là quyền của người dân chứ không phải là quyền cơ quan nhà nước. Người dân muốn kinh doanh chỉ cần đăng ký. Quản trị doanh nghiệp cũng được tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt.
Về mặt tư tưởng mà nói, kinh doanh là quyền của người dân. Doanh nghiệp và người dân được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật pháp luật cho phép, quản lý nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đó chính là những thay đổi mang tính chất đột phá về mặt tư duy.
Theo ông, Luật Doanh nghiệp ra đời tác động thế nào tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng như nền kinh tế vào thời điểm đó và giai đoạn sau này?
Sau năm 2000, Luật Doanh nghiệp tạo ra sự bùng nổ trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều người đánh giá Luật Doanh nghiệp như một trong những cải cách kinh tế thành công nhất của Việt Nam. Không ít người đã so sánh tác động của Luật Doanh nghiệp tương tự như tác động của Khoán 10 năm 1988. Hồi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải nói "Luật Doanh nghiệp đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh".
Với những thay đổi đột phá như thế, năm 2000 - năm đầu tiên sau khi Luật có hiệu lực, có 14.000 doanh nghiệp mới được đăng ký thành lập. Năm 2001 có gần 30.000 doanh nghiệp được thành lập, sau đó lên đến 36.000 - 40.000 doanh nghiệp những năm sau đó rồi liên tục tăng đến năm ngoái có 138.000 doanh nghiệp đăng ký mới, đưa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên con số hơn 800.000 doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đang tạo ra công ăn việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, với gần 10 triệu người. Trong khi đó, khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra việc làm cho khoảng 4,5 đến 5 triệu người. Khu vực hộ kinh doanh cá thể tạo ra khoảng 7,5 triệu đến 8 triệu công ăn việc làm.
Khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 55 đến 60% tổng giá trị tài sản của khối doanh nghiệp nói chung, khu vực doanh nghiệp tư nhân nộp thuế doanh nghiệp chiếm khoảng 1/3 tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đóng cho ngân sách và ngày càng gia tăng thêm. Khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng lớn mạnh.
Theo ông, cần tiếp tục trợ lực thế nào cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân?
Khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ được thừa nhận một cách hợp pháp vào năm 1990, sang năm 2000 được thừa nhận một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế dần dần phát triển lên là một bộ phận cấu thành không thể thiếu và giờ là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Quá trình này tiếp tục thay đổi quan điểm nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân và sắp tới đây chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn và được thừa nhận nhiều hơn về vai trò với thúc đẩy phát triển kinh tế.
Luật lệ luôn có sự thay đổi. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đặt doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào một khung pháp lý chung. Đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp cũng được sửa đổi một lần nữa nhưng nền tảng tư duy và tinh thần vẫn là của Luật Doanh nghiệp năm 1999. Cho đến nay, Luật Doanh nghiệp vẫn đặt một nền tảng vững chắc về tư duy, không thấy có một sự thay đổi nào mà chỉ tiếp tục củng cố phát triển thêm.
Song, mỗi một đạo luật có một giới hạn của nó. Vai trò của Luật Doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, còn để trợ lực, tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân tại thời điểm hiện nay có lẽ phải nhìn vào những luật khác. Nhiều người kỳ vọng sửa đổi Luật Doanh nghiệp vừa rồi sẽ tạo ra một cú huých nhưng tôi nghĩ không có được mà nó phải đổi mới đồng bộ cùng với các luật chuyên ngành khác.
Các luật chuyên ngành cứ “vênh” với những đổi mới của Luật Doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp sẽ bị mai một đi và đụng trần của nó. Cho nên các luật khác cùng với luật chuyên ngành cũng cần có sự tiếp cận tư duy tương tự như Luật Doanh nghiệp mới được. Đó là tư duy chọn bỏ, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm, chứ không phải là chọn cho, theo lối là doanh nghiệp chỉ được làm theo quy định.
Chính vì thế, theo tôi, bây giờ muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung thì các luật lệ chuyên ngành phải thay đổi. Đó phải là trọng tâm của đột phá về thể chế của nhiệm kỳ tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài 3: Tạo môi trường kinh doanh minh bạch