Những bước tiến vượt bậc trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc sau 32 năm
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991, quan hệ ASEAN - Trung Quốc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu ở mọi lĩnh vực và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Các cột mốc ghi dấu quan hệ song phương
Tháng 7/1991, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 24 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đánh dấu việc hai bên bắt đầu xúc tiến quá trình đối thoại.
5 năm sau, Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Tháng 12 cùng năm, cuộc họp không chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo hai bên diễn ra tại Malaysia, thống nhất thiết lập quan hệ láng giềng hữu nghị và tin cậy lẫn nhau hướng tới thế kỷ 21.
Tháng 10/2003, quan hệ ASEAN - Trung Quốc bước lên tầm cao mới với việc hai bên ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng, đưa Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của khối. Cùng năm, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố gia nhập Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, trở thành đối tác đầu tiên của ASEAN tham gia hiệp ước này.
Trung Quốc cũng là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Hiệp ước về Khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, đồng thời là nước đối tác đầu tiên thiết lập thương mại tự do với ASEAN.
Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt tháng 11/2021 ghi dấu cột mốc mới trong lịch sử quan hệ hai bên khi các nhà lãnh đạo chính thức công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí rằng, sau 30 năm, quan hệ hai bên đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đây là một trong những mối quan hệ đối tác năng động nhất của khối.
Thực tế cho thấy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc suốt hơn 3 thập niên qua đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội đến giáo dục, y tế, công nghệ... Cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp đã được thiết lập nhằm giúp hai bên vượt qua các khác biệt, đặt nền tảng vững chắc cho sự tin tưởng về chiến lược của nhau.
Trung Quốc cũng ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực do ASEAN khởi xướng như Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Những thành tựu ấn tượng về hợp tác kinh tế - thương mại
Một điểm sáng và cũng là động lực quan trọng cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc là hợp tác kinh tế và thương mại. Năm 1991, thời điểm hai bên mới thiết lập quan hệ đối thoại, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 7,96 tỷ USD.
Đến tháng 1/2010, khi hai bên xây dựng xong Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), kim ngạch thương mại song phương đã tăng 37 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20% và đạt 292,78 tỷ USD.
Năm 2019, hai bên đã nâng cấp ACFTA. Dữ liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, vào thời điểm đó, mức thuế bằng 0 đã bao trùm hơn 90% các mặt hàng chịu thuế của cả hai bên.
Theo Tân Hoa xã, năm 2022, thương mại song phương đạt 975,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước đó và tăng đáng kể so với mức 443,6 tỷ USD cách đây một thập niên. Tính đến tháng 7 năm nay, đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã vượt 380 tỷ USD, với hơn 6.500 công ty của đại lục có vốn đầu tư trực tiếp vào ASEAN.
Hiện nay, những sản phẩm mang tính nhận diện của các nước ASEAN như cà phê trắng của Malaysia, xoài sấy của Thái Lan, thanh long của Việt Nam… đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có gần 1.500 nông sản và thực phẩm từ 10 nước ASEAN có thể xuất khẩu sang nước này.
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cho biết thêm, 3 năm gần đây, Trung Quốc và ASEAN liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Trao đổi thương mại với ASEAN đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu ngoại thương của Trung Quốc và đang chiếm khoảng 15,4% tổng giá trị ngoại thương của nước này.
Giới phân tích nhận định, thành tựu ấn tượng trên có được nhờ lợi thế về vị trí địa lý và các thỏa thuận thương mại hiện có như ACFTA, RCEP. Hai bên hiện đã khởi động tiến trình đàm phán nhằm nâng cấp ACFTA lên phiên bản 3.0, mở ra triển vọng nâng cao mức độ mở cửa khu vực thương mại và đầu tư song phương, thúc đẩy hợp tác có lợi trong các lĩnh vực mới nổi như nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế xanh và kết nối chuỗi cung ứng.
Năm 2023 đánh dấu 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN - Trung Quốc chung vận mệnh tương lai. Tại những cuộc gặp cấp cao gần đây, các lãnh đạo của hai bên đều bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa và đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc lên tầm cao mới, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.