Những ca đỡ đẻ nhớ đời trên đường rừng Sác

Sau những ca đỡ đẻ nghẹt thở bên bờ sông, trên phà Bình Khánh, chúng tôi quay về trên chuyến xe chở đầy tiếng cười, niềm hạnh phúc...

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cần Giờ (TP HCM). Thuở nhỏ nhà nghèo, cha mẹ làm rừng, chặt củi, kéo lưới bắt cá ngày đêm vẫn nuôi không đủ 7 miệng ăn. Bắt đầu hè năm học lớp 4, tôi phải theo ba và chị vào rừng phụ làm củi và lưới cá.

Nể cô mụ vườn

Lúc đó, mẹ tôi ở nhà dưỡng bệnh vì ra huyết kéo dài mà không biết mình bị bệnh ung thư cổ tử cung. Gia đình tôi không có tiền nên không đưa mẹ đi bệnh viện khám, sức khỏe yếu dần do mất máu. Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, mẹ tôi được mổ kịp thời khi bệnh ở giai đoạn I. Ra viện thời điểm đó khoảng năm 1982, bác sĩ bảo mẹ tôi sống được 5 năm nữa, may thay mẹ tôi vẫn sống tới bây giờ.

Tác giả thời còn công tác ở Bệnh viện miễn phí Cần Giờ

Tác giả thời còn công tác ở Bệnh viện miễn phí Cần Giờ

Nhớ một hôm, vừa xong mẻ lưới cuối cùng, thủy triều bắt đầu lên, tôi neo thuyền bên bìa rừng để chuẩn bị buổi cơm trưa thì nghe nhiều tiếng bước chân xào xạc trên lá khô, kèm theo tiếng rên rỉ liên hồi. Tôi hỏi ba thì biết có một sản phụ vợ người tài công đang chuyển dạ sanh, họ trở về khi chuyến tàu chở nhiều người vượt biên trái phép không thành. May mắn cho sản phụ vì tại nơi cánh rừng heo hút có một cô mụ vườn đang trông giữ cái đập của gia đình. Đập là cái bờ đất chặn nước lại để giữ và nuôi cá tôm ở nhánh sông nhỏ. Cô mụ đỡ đẻ thành công, mẹ tròn con vuông. Nghe em bé khóc oe oe mọi người ai cũng vui mừng.

Tâm trạng tôi lúc đó rất khó diễn tả, hồi hộp, vui mừng và hâm mộ cô mụ vườn ấy vô cùng. Cái cách mà cô gọi người hỗ trợ nấu nước sôi sát trùng dao kéo, cái cách cô móc nhớt trong miệng em bé, vỗ lưng, vỗ chân để kích thích hô hấp tuần hoàn... khiến tôi nể phục. Và có lẽ từ cơ duyên đó, lớn lên tôi chọn nghề nữ hộ sinh.

Phút sinh tử bên bờ sông

Năm 1993, tôi tốt nghiệp từ Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM và được phân công về Bệnh viện miễn phí Cần Giờ (bây giờ là Bệnh viện điều trị Covid-19 ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ). Nhà tôi ở xã Bình Khánh, bệnh viện cách nhà 40 km, đi làm phải băng qua con đường rừng Sác nắng, đầy bụi đất đỏ, mưa dầm lầy lội, đất quến vào xe. Hôm nào gặp lúc thủy triều xuống thì không qua phà sang bờ bên kia để đến cơ quan được, phải chờ hơn 1 giờ vì cây cầu Dần Xây xây dần dần chưa xong. Được cái cung đường bạt ngàn rừng cây đước, tiếng chim hót mỗi sớm mai, không khí trong lành, tĩnh lặng.

Bệnh viện miễn phí Cần Giờ thời điểm đó không có bác sĩ sản khoa, mọi trường hợp liên quan đến việc sinh nở các bác sĩ đều phải xử trí. Những ca khó, thai kỳ nguy cơ cao nếu phát hiện kịp thời thì chuyển lên tuyến trên. Nhưng thường thì sản phụ đến bệnh viện trong tình trạng đau nhiều, diễn biến chuyển dạ nhanh (vì nhà xa) nên không kịp chuyển lên tuyến trên mặc dù biết sẽ đe dọa đến sự an nguy cho mẹ và bé. Nhiều lần xe phải dừng lại giữa đường để đỡ sinh trong điều kiện thiếu phương tiện cấp cứu và may thay tất cả mẹ tròn con vuông.

Có một lần, sản phụ thai còn non tháng, nửa đêm đột ngột đau bụng ra nước ối, ngôi ngược, sa dây rốn đến bệnh viện. Tôi cấp tốc chuyển sản phụ lên tuyến trên vì bệnh viện không có phòng mổ, để lại thì nguy cơ bé bị chèn ép dây rốn và tử vong.

Xe chạy nhanh đến bờ sông (nơi có cây cầu Dần Xây bây giờ), tài xế bấm kèn liên hồi gọi phà cập bến để đưa chúng tôi sang sông (vì ban đêm phà phải neo đậu giữa dòng sông). Tuy nhiên, mấy anh lái phà ngủ say quá, chúng tôi gọi mãi không được. Em bé trong bụng mẹ đến lúc phải chào đời, ở trong xe, ngồi sau băng ca, tôi xử lý theo kỹ thuật sanh ngôi ngược, nhưng em bé còn kẹt đầu không thể ra, bà mẹ đã gắng hết sức rặn nhưng vô ích.

Thấy chúng tôi hì hục, anh tài xế cũng hốt hoảng hỏi có cần hỗ trợ gì không? Tôi nói: "Anh rồ máy cho xe chạy lên dốc rồi thắng, anh làm vài lần như vậy". Và may mắn, nhờ lực dội khi xe lên dốc tôi đã kéo được em bé ra. Nhưng lúc ấy bé trắng bệt, không do dự, tôi lau miệng bé và trực tiếp thổi ngạt, xoa bóp tim một hồi. Và bé cất tiếng rên yếu ớt, da hồng lên trong niềm vui mừng của chúng tôi. Chiếc phà đáng ghét kia vẫn im lìm giữa sông mà không biết rằng bên bờ, chúng tôi trải qua cuộc chiến đấu sinh tử.

Chúng tôi quay xe về bệnh viện trong tâm trạng nhẹ nhàng, vui mừng khó tả. Con đường rừng Sác đêm thanh vắng, xa xa phản chiếu dưới ánh đèn xe những chú chim ăn đêm trên đường, ánh mắt sáng hồng lấp lánh. Không gian cung đường yên bình, đẹp làm sao!

Đỡ đẻ ngay bên cánh phà Bình Khánh

Một lần khác, lại một ca ngôi ngược, con so đã vào chuyển dạ. Tôi tức tốc chuyển lên tuyến trên bằng "xe bồ rô" ngày xưa, vì xe cấp cứu chỉ có 1 chiếc và đã chuyển bệnh khác đi rồi.

Lần này đi được xa hơn, đến phà Bình Khánh, xe chúng tôi xuống phà ở khoảng giữa, các xe sau lần lượt lên đầy phà. Hỡi ơi, đột nhiên sản phụ bị vỡ ối sau một cơn đau bụng, chân em bé thò ra ngoài. Bây giờ không thể nào quay lại được để đến trạm y tế gần đó vì xe chúng tôi bị kẹp giữa hàng chục xe khác. Làm sao bây giờ? Trên xe trống trải, không hề kín đáo, trong khi chủ xe đại kỵ việc sản phụ đẻ trên xe. Tôi và thân nhân sản phụ khiêng băng ca xuống bên cánh phà, lấy chăn làm bình phong che tạm và bắt đầu đỡ đẻ.

Hoàng hôn trên phà Bình Khánh - chiếc phà sẽ bị phá thế độc tôn khi cầu Cần Giờ hoàn thành. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hoàng hôn trên phà Bình Khánh - chiếc phà sẽ bị phá thế độc tôn khi cầu Cần Giờ hoàn thành. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Bên ngoài tấm bình phong, tiếng xe nổ máy ì ầm, mọi người xôn xao, rôm rả nói cười, một số người đứng gần tò mò, quan sát nghe ngóng… Tôi không còn để ý gì tới xung quanh, hướng dẫn sản phụ rặn, dùng một số kỹ thuật đỡ đẻ ngôi ngược và thành công. Em bé khỏe mạnh cất tiếng khóc oe oe, thân nhân rạng ngời hạnh phúc, mọi người vui mừng không tả xiết. Tấm bình phong bằng chăn kia từ từ hạ xuống cũng là lúc chuyến phà cập bờ bên kia. Không có nước rửa nên mặt mày, quần áo tôi đầy máu, thu mọi ánh nhìn, nhưng không phải kỳ thị mà đầy sự cảm thông, chia sẻ. Chuyến xe chuyển viện đi chưa tới nơi nhưng thành công mỹ mãn, mẹ tròn con vuông. Người người, xe xe lần lượt di chuyển lên bờ, chỉ còn lại xe chúng tôi đậu chơi vơi giữa phà để chờ quay về nơi xuất phát - chuyến xe chở đầy tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc...

Bây giờ tôi đã chuyển công tác về Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP HCM) được 15 năm. Cây cầu Dần Xây cũng đã hoàn thành từ lâu, người dân đi lại giao thương, công tác thuận tiện, nhất là bệnh nhân đến Bệnh viện huyện Cần Giờ hoặc bệnh cấp cứu chuyển lên tuyến trên bớt lo lắng khi mất quá nhiều thời gian chờ nước lên.

Mỗi ngày đi - về trên chuyến phà Bình Khánh, ký ức năm xưa lại quay về, ký ức từ những chuyến chuyển viện. Thương nhiều cho người dân Cần Giờ, cách trung tâm TP không quá xa mà phải mất nhiều thời gian do cách trở bởi con sông Soài Rạp. Là lá phổi xanh của TP nhưng ai đến hoặc có ý định về an cư đều ngại "qua sông phải lụy đò", sợ nhất nửa đêm bệnh nặng hoặc chuyển dạ sanh khó lại không đến kịp bệnh viện tuyến trên với đầy đủ phương tiện cấp cứu…

Cầu Cần Giờ nối 2 bờ mong đợi

Nghe nói dự án cầu Cần Giờ được Chính phủ phê duyệt khởi công vào năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Không phải riêng tôi mà tất cả người dân Cần Giờ ai cũng thật vui mừng. Rồi đây chúng tôi sẽ không còn nỗi lo lắng khi bệnh tật, không còn cảnh xe cộ xếp hàng dài ngao ngán chờ được qua bên kia sông. Với định hướng phát triển của TP, tập trung chiến lược khai thác những thế mạnh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, việc xây dựng cầu Cần Giờ sẽ phá vỡ thế độc tôn của phà Bình Khánh. Cầu Cần Giờ hoàn thành sẽ mở ra một vận hội mới cho quê hương tôi và nối hai đầu... mong đợi!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

HUỲNH THỊ THANH TRUYỀN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-ca-do-de-nho-doi-tren-duong-rung-sac-20201017212037915.htm