Căng thẳng hay stress là những áp lực phải chịu đựng về mặt tâm lý và sinh học. Tình trạng stress nặng nề và kéo dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, làm tăng cholesterol trong máu. Nó cũng làm tăng tiết catecholamin mà chủ yếu là adrenalin, gây co mạch máu dẫn đến thiếu oxy ở tim và thành mạch, thiếu oxy ở các tổ chức. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, ở mức độ nhẹ stress lại giúp bạn nhìn nhận lại cuộc sống đang có. Nếu biết cách khống chế nó, bạn còn có thể dễ dàng cân bằng cuộc sống của mình.
Tận dụng căng thẳng giúp có thêm năng lượng xử lý khủng hoảng. Thực tế, căng thẳng là một phản ứng sinh học bình thường khi cơ thể nhận thức được mối nguy hiểm đang rình rập. Nó là mạng lưới an toàn tự nhiên thôi thúc bạn sớm tìm ra cách để khắc phục sự cố. Có thể bạn không tin nhưng hãy suy nghĩ điều gì khiến bạn thức trắng đêm để ôn tập cho bài thi cuối kỳ. Căng thẳng khiến cơ thể thắt chặt các cơ lại, làm tăng đường huyết khiến bạn có thể tập trung cao độ vào công việc.
Chịu áp lực từ nhiều phía, bạn hãy quyết định nhanh chóng. Khi ở trong trạng thái căng thẳng, bạn không có thời gian để quan tâm đến những vấn đề gây nhiễu như liệu mọi người nhìn nhận bạn thế nào, lo lắng vì không có đủ thời gian hay không đủ năng lực… Đối diện với căng thẳng, bạn nên đào sâu suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết cho vấn đề đang diễn ra. Nó khiến bạn ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, vượt qua chính mình để tồn tại.
Trong lúc căng thẳng, tìm cách phát hiện điều bất ổn. Stress đôi khi là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy cuộc sống của bạn đang có vấn đề. Cụ thể, nếu cảm thấy căng thẳng trong công việc cũng như các mối quan hệ, bạn hãy dừng lại và suy nghĩ xem điều gì khiến bạn trở nên nặng nề như vậy. Phải chăng bạn đang kỳ vọng quá nhiều vào những điều phi thực tế hoặc bất kỳ lý do nào khác. Hãy thay đổi bản thân và tìm cách khắc phục chúng.
Quyết định hành động sớm khi stress. Ở trong trạng thái này, hãy làm việc dứt khoát hơn. Chính tâm lý phải chiến đấu khiến bạn tranh thủ quỹ thời gian mình có. Điều này lý giải tại sao người ta muốn vận động vào những lúc stress.
Lắng nghe cơ thể mình lúc căng thẳng. Thực tế, căng thẳng chỉ là một phản ứng sinh lý về cảm xúc hoặc ý nghĩ. Nó có mối quan hệ mật thiết với cơ thể bạn. Chẳng hạn, khi dạ dày co thắt liên hồi cho thấy bạn đang mất kiểm soát hoặc sợ tranh giành, mất quyền lực. Đau nhức vai là dấu hiệu của sự quá tải của cơ thể khi bạn tham gia quá nhiều hoạt độn; Cổ cứng nhắc cho thấy bạn không được nhanh nhẹn hoặc đủ linh hoạt để thích ứng với cuộc sống bộn bề bên ngoài.
Những phân tích trên cho thấy stress không phải lúc nào cũng tồi tệ. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy dũng cảm đối mặt với căng thẳng bởi nó có thể hiện diện bất cứ lúc nào. Thay vì tự nhốt mình trong vỏ ốc để than thân trách phận, bạn hãy tận dụng nó để khiến cuộc sống thêm màu sắc, giúp mình hạnh phúc hơn.
Lê Nguyệt