Tại Ecuador, lễ hội đốt hình nộm khổng lồ sẽ diễn ra vào đúng đêm giao thừa. Từ chính trị gia cho tới ngôi sao truyền hình, tất cả đều được dựng thành hình nộm khổng lồ sau đó bốc cháy giữa đêm giao thừa.
Scotland có phong tục đón năm mới rất giống người Á châu - đó là phong tục xông đất. Theo quan niệm ở Scotland, người đầu tiên bước chân vào nhà mình trong năm mới, sẽ là người mang lại may mắn cho gia đình trong cả năm tiếp theo.
Ở bang Idaho, Mỹ, những củ khoai tây khổng lồ sẽ xuất hiện khắp thành phố. Hình ảnh củ khoai tây được người dân ở đây coi là biểu hiện của điềm lành, no đủ và hạnh phúc.
Người Tây Ban Nha lại nổi tiếng với rượu vang và trong lễ hội mừng năm mới, mỗi người sẽ dành cho mình 12 trái nho, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và được coi là thứ có thể mang lại may mắn.
Ở New York, người dân sẽ đổ ra đường và đón năm mới tại Quảng Trường Thời Đại. Tại đây, lễ hội đếm ngược sẽ kèm theo hình ảnh quả cầu pha-lê rơi dần, sau đó, đám đông sẽ cùng hát vang bài hát truyền thống "Auld Lang Syne".
Người dân Paris lại có cách đón năm mới cực kỳ độc đáo với những bữa tiệc kéo dài tới ngày 3/1 mới kết thúc, và tất nhiên, rượu vang là thứ không thể thiếu trong những bữa tiệc dài xuyên năm mới của người Pháp.
Cũng giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, Brazil đón giao thừa với những màn pháo hoa cực kỳ hoành tráng khắp cả nước. Người dân Brazil sẽ mặc đồ trắng trong dịp năm mới với mong muốn sẽ có được may mắn cho một năm đầy hứa hẹn phía trước.
Với người Thụy Sĩ, năm mới sẽ là những nụ hôn, người dân Thụy Sĩ sẽ đổ ra đường, hôn người thân, thậm chí cả người lạ để chào mừng năm mới.
Người Nga lại đón năm mới với cây thông trong nhà, trang hoàng cây thông Tết là công việc được nhiều người thích thú. Ngoài ra, dịp năm mới ở Nga cũng là lúc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà trẻ em.
Tết ở Ấn Độ kéo dài 5 ngày và theo truyền thống của quốc gia này, không ai được phép nóng giận vào 5 ngày đầu năm mới. Một số nơi tại Ấn Độ, người dân lại có tụ nhịn ăn một ngày hoặc một đêm để đón mừng năm mới.
Trần Trân