Hút thuốc lá là một thói quen xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hút thuốc làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn,... đồng thời làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau
Ung thư phổi: Một trong những tác hại nguy hiểm nhất của thuốc lá là làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nguy cơ này cao gấp 25 lần đối với nam và 25,7 lần đối với phụ nữ
Không chỉ nicotin, các hóa chất trong khói thuốc lá như: Hắc ín, benzen, khí oxy hóa,... có thể gây tổn thương tế bào trong phổi. Những tế bào bị thương tổn này có thể trở thành tế bào ung thư
Bên cạnh đó, hút thuốc còn là tác nhân gây ra những loại ung thư khác như: Ung thư miệng, môi, yết hầu, bàng quang, thận, dạ dày, gan, vú và cổ tử cung
Lão hóa: Hút thuốc lá có nguy cơ đẩy nhanh tiến trình lão hóa của da, là "thủ phạm" gây nên nếp nhăn và nhiều vấn đề về da khác. Đó là lý do chúng ta thường thấy những người hút thuốc trông có vẻ già hơn những người không hút thuốc
Nguyên nhân là do, chất nicotin trong thuốc lá khiến các mạch máu ở lớp ngoài cùng của da bị hẹp lại, cản trở sự lưu thông máu đến da. Khi đó, làn da không được nhận đủ oxy cùng các dưỡng chất thiết yếu khác. Ngoài ra, việc tiếp xúc với hơi nóng khi cháy cùng với những biểu lộ khuôn mặt khi hút thuốc như: Mím môi, nheo mắt,... tưởng chừng vô hại nhưng cũng là lý do khiến làn da trở nên nhăn nheo, lão hóa
Hút thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh sản của phụ nữ và đàn ông. Phụ nữ hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động đều có nguy cơ cao bị vô sinh. Các chất độc trong thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non
Ở nam giới, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương, ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, làm giảm khả năng sinh sản. Theo báo cáo từ một công trình nghiên cứu trên 2.000 người đàn ông ở Mỹ, những người hút thuốc lá hầu như đều bị rối loạn cường dương
Ngoài việc ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, gây ung thư phổi, hút thuốc lá còn có thể làm hỏng tim, mạch máu và tế bào máu, tăng nguy cơ đột quỵ
Lý giải cho điều này, một vài chất có trong thuốc lá giúp cho cholesterol "xấu" ở trong máu bám vào thành mạch, dẫn đến sự hình thành mảng xơ vữa, làm hẹp và gây tắc nghẽn mạch máu. Hẹp lòng mạch máu đưa đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của bản thân người hút, mà còn gián tiếp "đầu độc" những người xung quanh, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Một đứa trẻ tiếp xúc liên tục với khói thuốc ở độ tuổi rất nhỏ có thể gây điếc sớm
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xấu khi tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Khói thuốc phụ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mẹ mang thai, gây ra các biến chứng bên trong và do đó dẫn đến tử vong sớm
Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu. Tuy nhiên, từ giảm hút thuốc dần đến cai được thuốc là một quá trình không hề dễ dàng. Dưới đây là một số mẹo vặt giúp ích rất nhiều cho quá trình nỗ lực giảm thuốc lá của bạn
Những ngày đầu cai thuốc, bạn nên cung cấp thật nhiều nước cho cơ thể. Nước sẽ giúp cơ thể thải loại nicotin nhanh và hiệu quả hơn. Khoảng thời gian này bạn không nên dùng trà đen hay cà phê
Một ly nước cam cũng giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình bỏ thuốc. Theo chuyên gia, những người thường xuyên hút thuốc lá thường mất nhiều vitamin C do cơ thể họ phải sử dụng nhiều vitamin C để chuyển hóa một số chất có trong nicotin. Vì vậy, để bỏ thuốc lá nhanh hơn, chúng ta nên cung cấp lượng vitamin C dồi dào cho cơ thể
Mỗi khi trở nên khó chịu hay bị "giằng xé" do cơn thèm thuốc lá, bạn nên đi đánh răng. Đây là cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả bởi cảm giác sạch sẽ trong khoang miệng sẽ giúp bạn bớt cảm giác thèm thuốc
Bên cạnh đó, việc để cho cơ miệng hoạt động bằng cách nhai kẹo cao su hay cắn một số loại hạt như hạt hướng dương, hạt dưa,... sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khiến bạn quên đi cơn thèm thuốc lá
Tập thể dục thể thao: Đây là cách giúp giảm thiểu tối đa việc nạp nicotin vào cơ thể, đồng thời sẽ giúp tiết serotonin và dopamine tốt cho não bộ. Bên cạnh việc "đánh lạc hướng" tâm trí bạn khỏi thói quen hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên còn giúp chúng ta có một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh
Ngoài chạy bộ, đạp xe hay tham gia những môn thể thao tốn sức, ngồi thiền hoặc luyện tập Yoga cũng là cách giúp người hút thuốc giảm bớt cơn thèm thuốc và giảm stress một cách hiệu quả
Tìm nguồn động viên từ người thân: Thay vì lặng lẽ cai thuốc một mình, bạn nên nói với bạn bè, đồng nghiệp và người thân rằng bạn đang cố gắng bỏ thuốc. Sự khích lệ, động viên từ những người xung quanh sẽ trở thành nguồn động lực lớn cho bạn
Rượu, bia là "mồi châm" phổ biến, khiến cho nỗ lực từ bỏ thuốc lá của bạn thất bại. Chất kích thích trong rượu bia có thể khiến bạn tăng cảm giác thèm thuốc
Do đó, bạn không nên uống rượu, bia trong một vài tuần đầu tiên sau khi ngừng hút thuốc
Ăn trái cây và rau xanh: Những người đang trong quá trình cai thuốc nên tập trung ăn nhiều trái cây như: Bưởi, cam, nho,... và rau xanh có màu xanh đậm như rau bina, bông cải xanh,...
Một nghiên cứu của ĐH Duke (Mỹ) cho thấy, những thực phẩm này khiến mùi vị của thuốc lá trở nên kinh khủng, giúp làm giảm sự thèm nicotin. Ngoài ra, rau xanh và trái cây mọng nước còn chứa nhiều vitamin và vi chất thiết yếu, giúp làm sạch lá phổi của con người
Kiều Phương (Tổng hợp)