Những cách làm hay kiến tạo môi trường học đường lành mạnh

Học sinh được trang bị kiến thức và tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ góp phần kiến tạo môi trường học đường lành mạnh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) chơi nhảy dây giờ giải lao tại sân trường. Ảnh: TG

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) chơi nhảy dây giờ giải lao tại sân trường. Ảnh: TG

Bền bỉ, lâu dài

Thầy Nguyễn Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) khẳng định, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là xã hội thu nhỏ. Nơi đây, học sinh được thầy cô rèn luyện nhiều kỹ năng sống, chuẩn bị hành trang tốt nhất sẵn sàng bước vào cuộc sống. Để môi trường học đường thực sự trở thành “ngôi nhà chung” lành mạnh, việc trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về pháp luật là cần thiết.

Giải pháp được nhà trường áp dụng là tổ chức các chuyên đề ngoại khóa lồng ghép nhiều nội dung giáo dục gắn với phổ biến kiến thức pháp luật. Phát huy vai trò phối hợp giữa các đoàn thể trong nhà trường, câu lạc bộ với cơ quan pháp luật để tuyên truyền những quy định liên quan đến học đường mà học sinh hay mắc phải.

“Nhà trường đã mời chuyên gia tuyên truyền về phòng chống ma túy, thuốc lá, bạo lực học đường và quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Các em tiếp thu được kiến thức hữu ích, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng, ứng xử văn minh trên môi trường mạng, biết bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực, tránh xa các tệ nạn xã hội”, thầy Nam thông tin.

Học sinh lứa tuổi THCS bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý và luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân, dễ có hành vi bột phát theo cảm xúc mà không suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động. Do đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng để lôi kéo các em vào những tệ nạn xã hội.

Vì thế trước mỗi năm học, Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đều xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa, chuyên đề theo chủ đề từng tháng; trong đó có chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh như phòng chống bạo lực học đường, thuốc lá điện tử, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng chống cháy nổ... Mỗi hoạt động này nhà trường mời chuyên gia đến từ Công an TP Nam Định tới tuyên truyền.

Chia sẻ thông tin, cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh đồng thời cho hay: Ở lứa tuổi học sinh, nhiều em đã vi phạm các quy định như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường quy định dẫn tới va chạm giao thông.

Do vậy, cán bộ Công an tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, cách nhận biết, xử lý các tình huống và những hành vi bị cấm khi tham gia giao thông; hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tuyên truyền các hình thức xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

 Đại diện Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) và công an phường, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành quy định về An toàn giao thông năm học 2024 - 2025. Ảnh: TG

Đại diện Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) và công an phường, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành quy định về An toàn giao thông năm học 2024 - 2025. Ảnh: TG

Lắng nghe tâm tư học trò

NGƯT Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh cần làm bền bỉ, lâu dài chứ không đơn thuần tổ chức nói chuyện trong một hai buổi. Sự tham gia của bộ phận tư vấn tâm lý học đường cũng quan trọng nhằm lắng nghe tâm tư và hỗ trợ học sinh khi cần thiết.

Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, nhà trường đều lồng ghép và trao đổi với học sinh các quy định mới của pháp luật. Những thông tin về an ninh trật tự tại địa phương được cập nhật sẽ giúp học sinh dễ hiểu hơn về các hành vi vi phạm pháp luật mà người trẻ dễ mắc phải như sử dụng ma túy, hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường để chủ động phòng tránh.

Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi thông tin, ngoài mời chuyên gia về tuyên truyền dưới sân trường các nội dung pháp luật, nhà trường cũng tích cực phối hợp cùng phụ huynh nhắc nhở, giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nhất là về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường, thuốc lá điện tử…

Ngoài ra, trong mỗi bài giảng của thầy cô bộ môn trên lớp, những nội dung này tiếp tục được lồng ghép, tích hợp để tăng hiệu ứng lan tỏa, giúp học trò khắc sâu hơn ý nghĩa việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh. Ban giám hiệu cũng như Đoàn Thanh niên tích cực tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích để các em có thể tham gia chơi thể thao, văn hóa văn nghệ thay vì game online và được phụ huynh ủng hộ, đồng hành.

“Nhờ phối hợp tốt giữa các bên liên quan, nhà trường đã và đang triển khai tích cực nhiều giải pháp để giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh. Từ đó, các em biết tránh xa những thói hư tật xấu, ứng xử chan hòa với mọi người và tăng cường ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội khác”, thầy Nguyễn Minh Phi chia sẻ thêm.

Thiếu tá Sái Văn Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho hơn 28.000 học sinh của 29 trường THCS, THPT trên địa bàn. Điều này góp phần phòng ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ở độ tuổi trung học, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành quy định của Nhà nước; trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ đó, giúp các em hiểu biết sâu hơn những vật dụng nguy hiểm cần tránh xa để giữ an toàn cho bản thân, kiến tạo môi trường học đường lành mạnh.

Muốn xây dựng môi trường học đường lành mạnh và không có bạo lực học đường, mỗi nhà trường cần có các giải pháp để tạo ra những sân chơi thú vị, bổ ích cho học sinh. Ngoài tuyên truyền pháp luật, trong năm học nhà trường tổ chức nhiều giải thể thao như bóng đá, bóng rổ; khuyến khích các em chơi trò chơi dân gian vào giờ ra chơi như nhảy dây, ô ăn quan, cờ cá ngựa, bịt mắt đánh trống để rèn sự bền bỉ, tăng cường đoàn kết. - Cô Hoàng Thanh Thủy (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội)

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-cach-lam-hay-kien-tao-moi-truong-hoc-duong-lanh-manh-post706083.html