Những cách ngăn chặn nhiễm giun đường ruột

Theo Health Shots, nhiễm giun đường ruột có thể gây khó chịu dạ dày, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Do đó, người dân cần rửa tay thường xuyên để phòng tránh bệnh này.

 Rửa tay là cách phòng tránh nhiễm giun đường ruột hiệu quả. Ảnh: Childrens Colorado.

Rửa tay là cách phòng tránh nhiễm giun đường ruột hiệu quả. Ảnh: Childrens Colorado.

Nhiễm giun xảy ra khi giun lây nhiễm vào ruột và các bộ phận khác của cơ thể. Mọi người có thể gặp những triệu chứng tiêu hóa như khó chịu ở dạ dày, thậm chí tiêu chảy nếu bị ký sinh trùng đường ruột. Không những vậy, giun còn ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị.

Một trong những dạng phổ biến nhất của ký sinh trùng đường ruột ở người là giun ký sinh. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng này thường chỉ lây lan nhẹ và có thể chữa khỏi bằng thuốc.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm giun đường ruột

Trang Health Shots thông tin giun nằm trong đường tiêu hóa của con người và được loại bỏ qua phân. Ngay cả khi một người không có bất kỳ triệu chứng nào, giun vẫn có thể được tìm thấy trong phân của họ. Giun trong phân người có nhiều dạng khác nhau.

Chẳng hạn như nếu bị nhiễm giun tròn, mọi người có thể tìm thấy những mẩu giun hoặc những con giun lớn, sống trong phân của mình.

Giun kim lại được xác định là những con giun mỏng, màu trắng giống như sợi chỉ. Chúng có kích thước nhỏ và được nhìn thấy xung quanh khu vực hậu môn vào ban đêm, khi con cái đẻ trứng trên vùng da xung quanh.

Những triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm giun bao gồm khó chịu, sụt cân, đau bụng, đái dầm và có máu trong phân. Ngoài ra, mỗi loại giun cũng sẽ có từng biểu hiện khác nhau.

Ví dụ, nhiễm sán dây sẽ gây vàng da, buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn quá nhiều, thậm chí suy dinh dưỡng. Trong khi đó, giun đũa làm cho con người bị tiêu chảy, đi ngoài ra giun, ho khan và sốt. Nhiễm giun kim lại gây ngứa quanh hậu môn, khó ngủ, tiểu tiện không thoải mái. Còn giun móc lại khiến mọi người bị ho, thở khò khè và thiếu máu.

 Giun kim có thể gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Giun kim có thể gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Phương pháp điều trị và cách phòng ngừa

Theo trang Health Shots, thuốc tẩy giun được xem là phương pháp hiệu quả nhất để chữa nhiễm giun đường ruột. Ngay cả khi không có triệu chứng, cả gia đình vẫn nên sử dụng thuốc để điều trị nếu phát hiện nhiễm giun kim. Ngoài ra, mọi người cũng cần duy trì các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt trong khi dùng thuốc để tránh tái nhiễm.

Trang Health Shots đề xuất các loại thuốc điều trị nhiễm giun đường ruột tiêu biểu là albendazole, mebendazole, ivermectin và praziquantel. Chúng giúp tiêu diệt ký sinh trùng mà không ảnh hưởng đến vật chủ. Nếu muốn an tâm hơn, mọi người có thể gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn cho loại thuốc và liều lượng phù hợp.

Người dân cũng nên lưu ý về bệnh sán dây - tình trạng nguy hiểm và đôi khi dẫn đến chết người. U nang có thể hình thành ở gan, phổi, lá lách, thận và rất hiếm khi ở não. Trong những trường hợp như vậy, u nang phải được loại bỏ.

Nhiễm giun đường ruột thường xuất hiện phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh giun đường ruột là thực hành vệ sinh tay sạch sẽ và cắt móng tay.

Cụ thể, mọi người nên rửa tay bằng xà phòng trước khi nấu ăn cũng như trước khi ăn, thay tã cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và xử lý phân động vật; không tiêu thụ thịt, cá, gia cầm sống hoặc nấu chưa chín; rửa rau, củ, quả bằng nước sạch; đun sôi nước trước uống; khử trùng đồ chơi, quần áo cho trẻ; thường xuyên giặt và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời; tránh đi chân đất; khử trùng khu vực nhà ở và dọn dẹp phân động vật; giữ thú cưng luôn sạch sẽ.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cach-ngan-chan-nhiem-giun-duong-ruot-post1413651.html