Những cái bắt tay chào đón Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập
Mỗi cái bắt tay đều đáng chú ý, và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có rất nhiều cái bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập hôm thứ Sáu cùng những người mà Damascus từng coi là đối thủ.
Khi bước vào địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi vào chiều 19/5, ông Assad rạng rỡ dang rộng vòng tay với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Thái tử cũng nắm lấy cả hai tay ông Assad và thơm lên má.
Đó là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng, đánh dấu sự tái hòa nhập của ông Assad với Ả Rập sau khi bị đình chỉ khỏi liên đoàn và bị gần như toàn bộ khu vực cô lập trong hơn một thập kỷ qua.
Ả Rập Saudi đã mạnh mẽ phản đối ông Assad ngay sau khi cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra vào năm 2011, nhưng gần đây đã thay đổi thái độ, bất chấp sự phản đối của phương Tây.
Khi ông Assad xếp hàng để chụp ảnh tập thể cùng các thành viên Liên đoàn, ông đã bắt tay với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Hai nhà lãnh đạo mỉm cười, và nghiêng đầu khi trò chuyện.
Ông Assad sau đó quay sang nói chuyện với Tổng thống Tunisia Kais al-Saeid. Nhà lãnh đạo Syria đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với ông Kais al-Saeid và Phó Tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed vào thứ Sáu.
Lần lượt các nhà lãnh đạo Ả Rập hoan nghênh việc Syria trở lại liên minh, và trong bài phát biểu của chính mình, ông Assad đã nhiều lần nói rằng Syria thuộc về thế giới Ả Rập.
Nhưng có một nhà lãnh đạo đã không nghe bài phát biểu của ông Assad, là Tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar.
Hãng thông tấn nhà nước của Syria đưa tin lãnh đạo Qatar và ông Assad đã bắt tay và nói chuyện ngắn bên lề trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, nhưng không có tuyên bố nào trên truyền thông Qatar.
Một quan chức Ả Rập nói với Reuters rằng Tiểu vương không tổ chức bất kỳ cuộc gặp song phương nào và rời hội nghị thượng đỉnh trước khi ông Assad phát biểu.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy những nỗ lực gấp đôi của Ả Rập Saudi nhằm thể hiện ảnh hưởng trên trường quốc tế. Cường quốc dầu mỏ đã dẫn đầu về mặt ngoại giao trong thế giới Ả Rập trong năm qua, thiết lập lại quan hệ với Iran, hoan nghênh Syria trở lại nhóm và làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Sudan.