Những cái bắt tay hàng nghìn tỷ đồng
Thị trường đang chứng kiến nhiều màn hợp tác, liên danh giữa các ông lớn bất động sản và nhà thầu xây dựng, trong bối cảnh nguồn vốn bị bó hẹp và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cuối tháng 6, lãnh đạo Coteccons, Central, An Phong từng gây bất ngờ khi xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Xây dựng Hòa Bình. Không lâu sau, những người từng được xem là đối thủ này lại cùng nhau sang Thái Lan gặp gỡ Công ty Power Line Engineering (PLE) - mảnh ghép "ngoại" trong Liên danh Hoa Lư.
Họ là những nhà thầu lớn đang bắt tay nhau để cùng tham gia gói thầu 5.10 xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.234 tỷ đồng của sân bay Long Thành. Liên danh do Coteccons đứng đầu và có sự tham gia của những nhà thầu tên tuổi gồm Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và PLE.
Những thương vụ hợp tác "khủng"
Không riêng gì Hoa Lư, gói thầu có giá trị lớn nhất ở dự án sân bay Long Thành cũng có 2 liên danh khác cạnh tranh. Trong đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như Ricons, Newtecons, Sol E&C tham gia Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu.
Còn Thuận Việt, CDC, Xuân Mai, Beijing Construction Engineering Group góp mặt trong Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, dưới sự dẫn dắt của China Harbour Engineering (Trung Quốc).
Trên thị trường bất động sản, hàng loạt thương vụ hợp tác cũng được công bố thời gian qua. Nổi bật nhất là Keppel với việc chi hơn 4.400 tỷ đồng để mua cổ phần tại loạt dự án bất động sản nhà ở và bán lẻ ở TP.HCM và Hà Nội chỉ trong vòng 2 tháng.
Theo đó, tập đoàn Singapore sẽ hợp tác với các doanh nghiệp trong nước như Khang Điền và Công ty CP Thương mại và Đầu tư Phát triển Bình Minh để cùng phát triển những dự án này.
Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Frasers Property Vietnam cũng bắt tay với Gelex Group để cùng triển khai các khu công nghiệp ở miền Bắc. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng.
Mùa đại hội cổ đông vừa qua của các chủ đầu tư bất động sản cũng "nóng" chuyện nhà đầu tư chiến lược.
Đơn cử, HĐQT Phát Đạt muốn chào bán 10% cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Trước lo ngại của các cổ đông hiện hữu, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt nhấn mạnh đây là những người do chính ông tìm kiếm suốt nhiều tháng qua và mời về để hỗ trợ công ty thoát khủng hoảng một cách bền vững.
Ông khẳng định đây là bước đi vừa giải quyết nhu cầu vốn trong bối cảnh thị trường hiện tại, vừa nâng tầm nội lực tài chính trong dài hạn cho Phát Đạt. Đến cuối cùng, phương án huy động vốn này đã được cổ đông thông qua.
Tại Xây dựng Hòa Bình, các cổ đông đã chấp thuận kế hoạch phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.
Tổng giám đốc Lê Văn Nam cho biết đã có 4 đối tác quan tâm và thảo luận để đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó có một đối tác từ Australia sẵn sàng mua cổ phiếu của Hòa Bình từ 60 đến 100 triệu USD.
Bắt tay vì "sống còn"
Lý giải về việc từ thế cạnh tranh chuyển sang hợp tác, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, nhấn mạnh "những dự án khó, đỉnh sẽ thu hút những người giỏi nhất".
"Chúng ta có thể nhìn vào bản chất ngành xây dựng. Đó không phải cạnh tranh mà là đồng sáng lập, đồng tái tạo, đồng sáng kiến, đồng chí hướng và đồng lòng. Chúng tôi nhìn vào sự quyết liệt, quyết tâm, khát khao hướng đến dự án hơn là ai hơn ai", ông Bolat nói.
Nếu tự làm, chúng tôi có thể xây dựng một dự án 7 điểm. Nhưng nếu bắt tay với các chủ đầu tư nước ngoài hoặc quỹ đầu tư mạnh, dự án có thể lên đến 9-10 điểm. Chỉ như vậy, chúng tôi mới cạnh tranh được trên thị trường khó khăn hiện nay.
Đại diện một chủ đầu tư bất động sản nhà ở tại TP.HCM
Ông Swake Srisuchart, Chủ tịch Ủy ban Điều hành PLE, cũng bổ sung rằng không một công ty hay nhà thầu nào có thể thực hiện riêng lẻ dự án khủng này bởi cần nhiều nguồn lực và tài lực. Do đó, dự án sẽ được phân chia thành nhiều hạng mục và mỗi thành viên đóng góp thế mạnh của mình.
Liên danh này đặt mục tiêu hoàn thành công trình trong vòng 36 tháng. Nguồn tiền cũng được loạt ngân hàng hỗ trợ gồm BIDV, VietinBank, MBBank, TP Bank.
Ông Bolat cũng khẳng định dự án này rất quý giá với mỗi thành viên, trong bối cảnh kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng đang đi xuống. Mặt khác, khi hoàn thành công trình này, đây cũng sẽ là bước ngoặt lớn cho nhà thầu nội, khẳng định vị thế và cơ hội vươn xa hơn.
Cũng sau màn hợp tác này, ông Swake Srisuchart cho biết PLE còn có nhiều dự án ở Ấn Độ, Arab Saudi, Dubai để tiếp tục làm việc với các nhà thầu Việt Nam.
"Những dự án lớn chúng tôi không thể đi một mình. Khi so sánh với các đối tác khác đến từ châu lục thì chi phí rất cao, trong khi giữa Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng", ông Swake nói.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện một chủ đầu tư bất động sản nhà ở khu vực TP.HCM cũng cho biết đang tích cực tìm kiếm đối tác để triển khai các dự án. Doanh nghiệp này đã có sẵn quỹ đất với pháp lý hoàn thiện, thứ còn thiếu là năng lực triển khai theo quy chuẩn quốc tế chứ không hoàn toàn là nguồn vốn.
"Nếu tự làm, chúng tôi có thể xây dựng một dự án 7 điểm. Nhưng nếu bắt tay với các chủ đầu tư nước ngoài hoặc quỹ đầu tư mạnh, dự án có thể lên đến 9-10 điểm. Chỉ như vậy, chúng tôi mới cạnh tranh được trên thị trường khó khăn hiện nay", người này lý giải.
Trong buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để phát triển các dự án nhà ở và khu đô thị bền vững tại TP.HCM với Keppel, Chủ tịch Tập đoàn Khang Điền - bà Mai Trần Thanh Trang - cũng cho rằng đây sẽ là sự kết hợp giữa năng lực, kinh nghiệm phát triển bất động sản chất lượng trên toàn thế giới của Keppel, cùng sự am hiểu thị trường của Khang Điền.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cai-bat-tay-hang-nghin-ty-dong-post1446234.html