Những cái bẫy giết người mang vỏ bọc ngọt ngào (bài 1)

Những hộp sữa dán nhãn mác ngoại 'cao cấp', những viên thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, những lọ thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng 'thần kỳ' trong chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Nhưng tất cả sản phẩm giả này hóa ra chỉ là những cái bẫy chết người được tẩm ướp bằng hóa chất, nguyên liệu không rõ ràng và lòng tham vô độ, tàn nhẫn của các đối tượng trong các đường dây sản xuất, mua bán.

Các chuyên án vừa được Bộ Công an triệt phá phơi bày một thực trạng rùng mình: hàng giả trong lĩnh vực y tế không chỉ hoành hành trắng trợn mà còn tinh vi đến mức người tiêu dùng khó lòng phát hiện, trong khi đó, những lỗ hổng quản lý vẫn còn quá rộng, tiếp tay cho tội ác ngấm ngầm sinh sôi.

Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả với quy mô lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả với quy mô lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Tội ác mang khuôn mặt “niềm tin”

Vào tháng 4/2025, hàng loạt đường dây sản xuất và buôn bán sữa giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã bị Bộ Công an triệt phá, rọi ánh sáng vào bóng tối thực trạng kinh hoàng nhiều năm nay về sự tinh vi, lạnh lùng, tàn ác của tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, mua bán sản phẩm liên quan đến y tế. Từ những hộp sữa bột giả dành cho trẻ em, người già, những viên thuốc điều trị đủ thứ bệnh, đến các loại thực phẩm chức năng "cải lão hoàn đồng" được quảng cáo rầm rộ, tất cả đều được nhào nặn từ những nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng đang bào mòn niềm tin, tiền bạc, sức khỏe người dân.

Những sản phẩm này không chỉ làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng mà còn được bày bán ra thị trường đến tay người tiêu dùng với giá cao ngất ngưởng, gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá thành thực tế để sản xuất ra sản phẩm đó. Trong khi đó, người tiêu dùng, với niềm tin vào thương hiệu và những lời quảng cáo đầy hứa hẹn, vô tình rơi vào bẫy chết người mà không hề hay biết. Sự thật đằng sau những hộp sữa, những viên thuốc và những lọ thực phẩm chức năng "thần kỳ" ấy không phải là lời hứa về sức khỏe và sự sống, mà là hiểm họa, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em, người già và bệnh nhân nặng.

Một trong những chuyên án điển hình trong cuộc đấu tranh chống lại tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả là vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn, với gần 600 chủng loại sữa giả được đưa ra thị trường tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước do các đối tượng Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu. Những sản phẩm này đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm chức năng và thậm chí là bệnh viện, nhà thuốc, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Những hộp sữa giả này được chế tạo từ nhiều loại thành phần, pha trộn với hương liệu hóa học có vẻ ngoài không khác gì sữa thật, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ chết người đối với người già và trẻ em, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chỉ với chiêu thức đơn giản nhưng cực kỳ tinh vi, những kẻ sản xuất hàng giả đã khiến hàng triệu gia đình tưởng rằng họ đang cho con mình uống sữa bổ dưỡng, trong khi thực tế là những sản phẩm đó đang tiếp tay cho nguy cơ bệnh tật. Chỉ trong vài năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Không kém phần nguy hiểm, các đường dây sản xuất thuốc giả cũng bị vạch trần. Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện đường dây sản xuất thuốc giả với quy mô khủng. Cơ quan Công an đã thu giữ 21 loại tân dược và thuốc chữa bệnh xương khớp giả. Tổng khối lượng tân dược giả cùng nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc giả lên tới gần 10 tấn. Hàng trăm nghìn hộp thuốc giả bao gồm những loại thuốc điều trị ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch đã được các đối tượng tung ra thị trường.

Những đối tượng tội phạm không từ bất cứ thủ đoạn nào, sản phẩm sau đó được đóng gói lại tinh vi, gắn tem mác để qua mặt cơ quan chức năng. Các đối tượng, đường dây này không chỉ gây thiệt hại tài chính hàng trăm tỷ đồng mà còn tiếp tay cho những cái chết không đáng có, khi những người bệnh tin rằng mình đang dùng thuốc cứu mạng, nhưng thực chất lại là những liều thuốc độc hại.

Không chỉ dừng lại ở thuốc và sữa, những lỗ hổng quản lý trong lĩnh vực thực phẩm chức năng đã để lại những hậu quả khôn lường, gây ra những tổn hại khó có thể khắc phục. Trong khi thị trường thực phẩm chức năng đang ngày càng phát triển, nhu cầu bảo vệ sức khỏe ngày một gia tăng thì sự xuất hiện của các sản phẩm giả ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Những sản phẩm giả được làm từ phẩm màu rẻ tiền và hương liệu thập cẩm không chỉ là mối nguy hiểm trực tiếp với sức khỏe người tiêu dùng, mà còn là một minh chứng rõ nét cho sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm của các cơ quan chức năng có liên quan. Vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt xóa đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả siêu lớn do đối tượng Nguyễn Năng Mạnh ở Phúc Thọ, Hà Nội cầm đầu là ví dụ.

Lập công ty, nhà máy sản xuất từ năm 2016, những sản phẩm này dù được sản xuất với nguyên liệu cực kỳ kém chất lượng lại được "hợp thức hóa" nhờ vào chứng nhận giả mà những kẻ buôn bán gian dối sử dụng để lừa đảo người tiêu dùng. Những sản phẩm giả này tung hoành ở thị trường không hề qua bất kỳ cuộc kiểm nghiệm an toàn nào sau đó, nhưng lại được quảng cáo như những giải pháp nâng cao sức khỏe “thần kỳ” cho đủ mọi đối tượng từ người già yếu, bệnh nhân mãn tính đến những người đang ốm thập tử nhất sinh để tăng cường sức đề kháng.

Đường dây sản xuất, mua bán thực phẩm giả do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu hoạt động suốt gần 10 năm mới bị phát hiện.

Đường dây sản xuất, mua bán thực phẩm giả do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu hoạt động suốt gần 10 năm mới bị phát hiện.

Tội ác được che giấu trong vỏ bọc tinh vi

Thông tin với PV, đại diện lãnh đạo Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, những sản phẩm này càng dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Các cửa hàng trực tuyến, với những quảng cáo đầy hứa hẹn về việc chữa trị các bệnh lý phức tạp đã lôi kéo hàng nghìn người tiêu dùng vào bẫy thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả.

Những viên thuốc, sữa, viên thực phẩm chức năng này được đóng gói rất bắt mắt, với những hình ảnh đẹp đẽ, được trang trí với lời quảng cáo đầy mơ mộng khiến người mua dễ dàng bị lôi cuốn, tin tưởng mà không chút nghi ngờ. Người tiêu dùng không biết rằng, sau lớp vỏ bọc đẹp đẽ đó là những tác hại vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra những biến chứng nặng nề về sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Câu chuyện càng đau lòng hơn, dư luận càng thêm phẫn nộ hơn khi những sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi trong các cộng đồng và nhiều cơ sở y tế, nơi người dân và bệnh nhân tin tưởng vào những sản phẩm được bày bán tại đây như một cứu cánh cho sức khỏe của mình. Những người có bệnh lý mãn tính cần phải được điều trị bằng các loại thuốc, sản phẩm đúng tiêu chuẩn, đã tin tưởng những sản phẩm giả mạo, không biết rằng những sản phẩm đó không có tác dụng chữa bệnh mà lại gây thêm tổn thương, làm bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, bào mòn túi tiền khiến họ càng thêm khánh kiệt vì bệnh tật.

Hậu quả là sức khỏe của hàng triệu người bị đe dọa, hàng nghìn bệnh nhân đã bỏ qua những liệu pháp điều trị đúng đắn để theo đuổi các sản phẩm “thần kỳ” này, khi thật sự chỉ là những liều thuốc độc hại. Mức độ thiệt hại không chỉ về mặt sức khỏe mà còn là tổn thất về tài chính cho người tiêu dùng khi phải bỏ ra hàng triệu đồng cho những sản phẩm không có giá trị thực tế.

Thực tế, nhiều người chỉ nhận ra sự nguy hiểm khi những dấu hiệu bất thường xuất hiện trên cơ thể họ, những biến chứng nguy hiểm, phản ứng phụ không thể lường trước, gây ra những tổn hại lâu dài về thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, cơ quan chức năng và các tổ chức quản lý cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để chặn đứng sự tràn lan của các sản phẩm này, đồng thời thắt chặt kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trong khi các cơ quan chức năng đang phải vật lộn để kiểm soát hàng giả thì nhiều sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, người nổi tiếng lại trở thành kênh phân phối chính cho những sản phẩm giả mạo, một hình thức kinh doanh tinh vi và tàn nhẫn. Những chiêu trò quảng cáo “có cánh” đánh vào tâm lý lo lắng về sức khỏe của người tiêu dùng đã khiến cho không ít người bị mắc bẫy. Những người già, bệnh nhân tiểu đường, ung thư, và thậm chí trẻ em, tất cả đều là những nạn nhân vô tội của các bẫy hàng giả này, bị lợi dụng khi họ đang trong hoàn cảnh yếu đuối, dễ bị tổn thương.

Dư luận biểu dương Bộ Công an trong cuộc chiến chống lại những đường dây buôn bán hàng giả, đồng thời đặt ra câu hỏi quan trọng hơn chính là ai sẽ chịu trách nhiệm trong công tác cấp phép, kiểm soát chất lượng các sản phẩm y tế và thực phẩm? Những sản phẩm này không thể tồn tại trên thị trường nếu như có sự kiểm soát nghiêm ngặt và công tác quản lý chặt chẽ hơn. Nếu không có sự đột phá trong quản lý thì những sản phẩm giả này sẽ tiếp tục hoành hành, đe dọa tính mạng và sức khỏe người dân một cách vô hình nhưng vô cùng thực tế.

Câu chuyện về các cơ quan chức năng không thể phát hiện kịp thời những sản phẩm giả tràn lan trong thị trường chính là một minh chứng cho sự buông lỏng và thiếu sát sao trong công tác quản lý. Những lỗ hổng này đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng sản xuất hàng giả tự do hoành hành. Dư luận cho rằng, chính sự thiếu kiểm tra và lười biếng trong hành động đã đẩy hàng triệu người tiêu dùng vào nguy hiểm rình rập, khi họ không thể nhận diện đâu là sản phẩm thật, đâu là hàng giả.

Đằng sau mỗi hộp sữa giả, mỗi viên thuốc giả, mỗi lọ thực phẩm chức năng giả là những nỗi đau thầm lặng, là những sức khỏe bị tàn phá, những sinh mạng bị đe dọa. Những sản phẩm giả mạo này không chỉ lừa đảo tài chính mà thực sự là tội ác giết người vô hình. Đó là tội ác không thể thấy bằng mắt thường nhưng lại tác động sâu rộng, nghiêm trọng đến tính mạng của con người. Những nạn nhân của hàng giả, không phân biệt tuổi tác hay giới tính, đều đang phải chịu đựng những hậu quả tàn khốc mà họ không hề biết để lường trước được.

(Còn nữa)

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhung-cai-bay-giet-nguoi-mang-vo-boc-ngot-ngao-bai-1--i767197/