Những cán bộ hưu trí chưa muốn nghỉ ngơi
'Không phải về hưu là chỉ ở nhà. Khi về hưu, người cao tuổi còn sức khỏe, còn nhiệt huyết vẫn cứ tiếp tục cống hiến'.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, 67 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thị xã Hòa Thành cho biết. Theo ông, với kinh nghiệm của mình, người cao tuổi có thể đóng vai trò định hướng cho những người trẻ trong công tác, để công việc hiệu quả hơn.
Ông Hùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng công tác tại Phòng Giáo dục huyện Hòa Thành (nay là thị xã), Ủy viên Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo- Liên đoàn Lao động tỉnh.
Về hưu năm 2017, ông Hùng có nhiều thời gian bên gia đình, đưa người thân đến những nơi chưa từng đến, chăm sóc cháu. Sau một khoảng thời gian vui điền viên, năm 2018, ông Hùng quyết định làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thị xã Hòa Thành.
“Là cán bộ hưu trí, việc tiếp tục làm việc là rất tốt. Vì khi làm việc sẽ giúp đầu óc hoạt động thường xuyên, tiếp cận những cái mới để mình không bị tụt hậu. Công việc cũng giúp mình xây dựng được những mối quan hệ mới, từ đó sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn”- ông Hùng nói.
Từng làm cán bộ quản lý, ông Hùng đã rèn luyện được tư duy xây dựng kế hoạch, xây dựng nề nếp hoạt động, công tác. Khi về công tác Hội, ông đã vận dụng tư duy, kinh nghiệm này để áp dụng vào công việc. Lúc đầu, ông Hùng không nhận được nhiều sự đồng thuận vì mọi người trước giờ chưa quen với những “rắc rối” trong thực hiện văn bản, giấy tờ. Nhưng rồi, mọi việc dần đi vào nề nếp. Và đến hiện tại, mọi thứ đã hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thị xã Hòa Thành do ông Hùng lãnh đạo luôn có thành tích thuộc top đầu toàn tỉnh. Đến nay, khoảng 90% cán bộ hội cơ sở là cán bộ hưu trí.
Ông Hùng đã tích cực đổi mới, củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong hoạt động, ông đặt ra chỉ tiêu, thi đua cho các hội cơ sở. Ông còn quan tâm xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương, mạnh thường quân, tạo nguồn ổn định chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam.
Với sự nhiệt tình, kinh nghiệm làm việc, ông Hùng còn được giao làm Trưởng Ban Chính sách của UBMTTQVN thị xã Hòa Thành. Thời gian qua, ông tích cực tham gia nghiên cứu, góp ý phản biện những văn bản như chương trình xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Hòa Thành, kế hoạch trồng cây, giám sát đầu tư xây dựng nhà ở cho người dân trên địa bàn... Đó là những vấn đề ông chưa từng được tiếp cận trước đây. Với ông, đây là những kiến thức mới mẻ nên phải chú tâm tìm hiểu. Ông bày tỏ: “Tôi rất vui vì những đóng góp của mình được các cấp chính quyền trân trọng, đón nhận. Tôi thấy hạnh phúc vì điều đó! Từ niềm vui này tôi có thêm động lực để làm việc tốt hơn”.
Với phương châm “làm việc phải tới nơi tới chốn”, ông Hùng luôn nỗ lực để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuổi gần 70, mỗi tháng được nhận thêm khoản tiền phụ cấp cho công việc khiến ông Hùng thấy rất hạnh phúc. Ông nói cảm giác được nhận “lương” khi đã nghỉ hưu khác lắm so với nhận lương khi còn làm việc. Bởi khoản “lương” này đặc biệt có ý nghĩa, động viên cán bộ hưu trí như ông nỗ lực làm việc, cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội.
Một cán bộ hưu trí khác là ông Lê Trung Cang (ngụ khu phố Hiệp Hòa, phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành) cũng đã nhiều năm công tác tại phường.
Ông Cang trước khi về hưu là Chánh văn phòng, Trưởng Phòng Người có công- Sở LĐ-TB&XH. Năm 2015, ông Cang về hưu. Nhưng ông không để mình nghỉ ngơi vì cảm thấy vẫn còn sức làm việc. Ông ký hợp đồng làm công tác nhập dữ liệu với Sở LĐ-TB&XH thêm một năm. Ngoài ra, ông còn là Bí thư Chi bộ khu phố Hiệp Hòa, cộng tác viên y tế, nhận nhập dữ liệu theo yêu cầu. Không những vậy, ông đã có 2 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường.
Ông Cang nói: “Tôi cảm thấy mình vẫn chưa hết tâm huyết, vẫn muốn tiếp tục được cống hiến cho xã hội nên tham gia nhiều hoạt động ở địa phương. Đây cũng là một cách để tôi tìm niềm vui cho mình”.
Đến giờ, ở tuổi cổ lai hi, ông Cang vẫn miệt mài làm việc, có hôm nhập dữ liệu đến gần khuya mới nghỉ ngơi. Nhưng với ông, càng làm việc trí não càng minh mẫn. Ông Cang chia sẻ: “Lúc còn làm việc chính thức, tôi không làm nhiều việc như bây giờ đâu. Giờ trực tiếp làm, tôi học được nhiều thứ hơn, biết thêm những cái mình chưa biết”.
Ông Cang làm việc nhiều nên gần như đã trở thành thói quen. Có lúc thứ bảy, chủ nhật, ông vẫn đến cơ quan tìm việc gì đó để làm. Xong việc Hội, ông lại hỗ trợ các hội, đoàn thể khác. Là một người nhiệt huyết với công việc, ông Cang luôn cố gắng hoàn thành tốt những gì được giao. Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, ông không ngại tuổi cao vẫn ngày đêm làm việc, trực tại các khu cách ly, chốt canh, giao thực phẩm. Ông Cang làm nhiệm vụ nhập dữ liệu khi triển khai công tác tiêm chủng. Bên cạnh đó, ông còn tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng khi triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ở địa phương.
Nhiều năm làm việc, ông Cang sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, người trẻ hơn mình. Và, dù làm nhiều việc nhưng dường như ông không thấy mệt. Ông cho biết thêm, chỉ cần còn sức khỏe thì sẽ còn tiếp tục làm để đáp lại sự tin tưởng của Đảng ủy, chính quyền địa phương và người dân.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nga, 66 tuổi, ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành cũng chọn tiếp tục làm việc sau hơn 30 năm cống hiến công sức, trí tuệ cho nghề giáo.
11 năm nghỉ hưu, bà Nga gần đây lại muốn thử thách mình trong công việc mới với mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho cộng đồng. Hơn 2 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Trường Tây, bà Nga có những trải nghiệm mới.
Bà chia sẻ: “Để có nguồn giúp đỡ các nạn nhân, tôi thường xuyên đi vận động mạnh thường quân. Từ đó, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc- vui có mà buồn cũng có. Nhiều lần tôi đã “gồng mình” với những chuyến xe chở đầy hàng hóa đi hỗ trợ cho người cần. Đó đều là những việc trước đây tôi chưa từng làm. Tuy cực nhưng vui lắm. Cũng nhờ tham gia các hoạt động này mà tôi có thêm nhiều mối quan hệ xã hội mới. Với tôi hiện tại, mỗi ngày trôi qua đều là một ngày mới mẻ, vui vẻ”.
Bà Nga luôn thấy vui vì mình đã chọn tiếp tục làm việc chứ không chọn nghỉ ngơi khi về hưu. Bởi có đi làm việc bà Nga mới được học thêm nhiều điều hay, cũng như có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho những người trẻ.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-can-bo-huu-tri-chua-muon-nghi-ngoi-a179623.html