Những cánh đồng liên kết
Sau thời gian dài phải 'tự lực cánh sinh' thì giờ đây nông dân Hải Dương không còn 'cô đơn' trên đồng ruộng khi những cánh đồng liên kết được hình thành, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản của tỉnh.
Xu thế tất yếu
Vụ cà rốt năm 2020-2021 mang đến cho ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng) nhiều trăn trở và suy tư. Trăn trở không phải vì lo đầu ra sản phẩm mà là đắn đo lựa chọn doanh nghiệp nào thu mua để người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Trước khi bà con xuống giống gieo trồng đã có nhiều đơn vị tới ngỏ ý bao tiêu cà rốt, thậm chí họ còn phải đưa ra những điều kiện đãi ngộ để có được cái gật đầu của người đứng đầu HTX. Bởi hiện cà rốt Đức Chính không chỉ có "số má" trong nước mà còn được bạn hàng nước ngoài tìm đến tận vùng sản xuất để đặt mua.
Thấm thía cảnh được mùa mất giá nhiều năm nên nông dân Đức Chính coi liên kết là hướng đi sống còn giúp loại nông sản chủ lực của địa phương tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thời gian qua, được HTX kết nối, cái bắt tay của người dân với doanh nghiệp đã chặt hơn. "Cánh đồng cà rốt của xã được sản xuất theo đơn đặt hàng. Có vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản, có vùng xuất sang Hàn Quốc. Nhờ liên kết mà nông dân làm ăn bài bản, có trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Dù chưa thật sự bền chặt nhưng HTX sẽ quyết tâm theo đuổi cách làm này", ông Thuật khẳng định.
"Chúng tôi giờ đã hết cảnh phải thấp thỏm chờ đợi thương lái", câu nói chắc nịch cùng gương mặt rạng ngời của ông Nguyễn Hữu Cường ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) là minh chứng chân thật nhất về cái được của liên kết. Là vùng trồng su lơ có tiếng trong tỉnh song trước đây bà con Tân Kỳ vẫn mạnh ai nấy làm, giá bán bấp bênh, lúc được lúc mất. Hơn 3 năm nay, được chính quyền định hướng, đơn vị chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, doanh nghiệp cam kết thu mua, cánh đồng su lơ của địa phương vì thế trở nên đắt giá. Su lơ Tân Kỳ đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... chứ không còn quanh quẩn tại các chợ dân sinh như trước.
Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 580 ha rau màu theo tiêu chuẩn quốc tế trong năm 2021. Nông sản Hải Dương đang đứng trước thời cơ lớn khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì thế phải có bước chuẩn bị để đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, có tận dụng được lợi thế hay không còn phụ thuộc vào sự chủ động của "4 nhà" trong xây dựng chuỗi liên kết. Từ nền tảng những vùng chuyên canh như rau màu ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, hành tỏi ở huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn; củ đậu ở huyện Kim Thành... việc xây dựng cánh đồng liên kết cũng thuận lợi hơn. Liên kết cũng sẽ củng cố hơn nữa sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là hướng phát triển tất yếu và cũng là giải pháp phù hợp nhất thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.
Tạo dựng
Rất khó để có thể mua được cải bắp của HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc) với số lượng lớn vì thường các cánh đồng do HTX sản xuất đều có người thu mua từ sớm. Nhiều năm nay, do tạo dựng được uy tín với đối tác về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nên chưa khi nào HTX bị doanh nghiệp từ chối nhận hàng. Đến vụ, đều đặn mỗi ngày HTX cung cấp từ 10-15 tấn cải bắp cho doanh nghiệp để tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích theo giá cố định. Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX chia sẻ: "Chính kiểu làm ăn chộp giật mà nông sản cứ mãi không thoát ra vòng luẩn quẩn, phụ thuộc vào tư thương. Bởi vậy, chúng tôi luôn tôn trọng liên kết, không vì bất cứ lý do gì mà phá vỡ mối quan hệ đã gây dựng bao năm. Và cũng có lẽ vì thế mà HTX mới sống khỏe đến hôm nay".
Không phải cá nhân, đơn vị nào cũng làm được như HTX Tân Minh Đức. Khi người dân vẫn còn dè chừng, doanh nghiệp còn thận trọng thì liên kết sẽ khó bền vững. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) cho rằng có lẽ tình trạng được mùa mất giá đã ám ảnh nông dân trong thời gian dài nên họ mất niềm tin vào những cam kết, thỏa thuận. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nhiều lần lao đao do người dân không thực hiện đúng các điều kiện bao tiêu nên dần ngại liên kết. Để giải quyết tình trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cơ quan chuyên môn với vai trò là chất kết dính, đồng thời phải có cơ chế tạo động lực cho các chủ thể quan tâm nhiều hơn nữa tới liên kết.
Chỉ có xây dựng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mới giúp nông sản của tỉnh chiếm lĩnh được phân khúc thị trường tầm cao và xuất khẩu thuận lợi. Xác định đây là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Hải Dương đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các chuỗi liên kết với mức tối đa 12 tỷ đồng/dự án. Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây chính là tiền đề để thời gian tới ngành nông nghiệp Hải Dương có những bứt phá trong liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững, ổn định.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/nhung-canh-dong-lien-ket-157761