Những cánh đồng số hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở lòng chảo Mường Thanh
Trên mảnh đất từng nhuốm khói lửa, những người nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh – phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú – đang chủ động nắm bắt khoa học kỹ thuật để làm nên những 'cánh đồng vàng' giữa đại ngàn Tây Bắc.
Mường Thanh hay Mường Then là vùng đồng bằng được tạo nên bởi phù sa của sông Nậm Rốm, nằm xen giữa TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có chiều dài 25 km và rộng 5 - 6 km, xung quanh có nhiều núi cao, tạo thành một thung lũng giống như một lòng chảo.
Người Mông, người Thái làm nông nghiệp thông minh
Nằm giữa cánh đồng lúa bạt ngàn xã Thanh Hưng, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao bản Mé là một điển hình cho bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Mường Thanh.
Với 50 thành viên, phần lớn là người dân tộc Thái, HTX đã tiên phong ứng dụng kỹ thuật "hiệu ứng hàng biên", giúp tăng năng suất và giảm công lao động trong sản xuất lúa gạo Séng Cù và Hương Việt – hai loại đặc sản gạo nổi tiếng của Điện Biên.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở lòng chảo Mường Thanh nâng cao hiệu quả nhờ sản xuất thông minh hơn.
Ông Hoàng Giang – Chủ tịch HĐQT HTX – cho biết, ngoài kỹ thuật canh tác tiên tiến, HTX còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
"Chúng tôi đã triển khai nhật ký điện tử để giám sát quy trình trồng trọt, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Các đơn hàng, hợp đồng với đối tác đều được thực hiện trực tuyến thông qua các nền tảng số như Zalo, Facebook, các sàn thương mại điện tử. Nhiều thành viên trẻ trong HTX chính là người dân tộc, họ rất nhanh nhạy với công nghệ", ông Giang chia sẻ.
Đáng chú ý, HTX bản Mé còn đầu tư khu nhà kính 3.500m2 trồng dưa leo baby Đà Lạt, cà chua Nhật Bản, với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, giám sát nhiệt độ – độ ẩm qua smartphone.
Kết hợp với công cụ quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, các sản phẩm của HTX không chỉ phục vụ thị trường địa phương mà còn được chuyển tới các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.
Không chỉ HTX bản Mé, hàng loạt HTX khác trong vùng lòng chảo Mường Thanh cũng đang từng bước “chuyển mình số hóa”. Tại cánh đồng bí xanh rộng hơn 3ha ở xã Thanh Luông, mô hình của HTX Phú Mỹ Xanh do ông Trần Quốc Cường – người dân tộc Mông – làm giám đốc là một ví dụ sống động.
Ông Cường chia sẻ: “Chúng tôi dùng phần mềm để lên lịch gieo trồng, theo dõi thời tiết, sâu bệnh. Sau thu hoạch, mọi số liệu về năng suất, chất lượng đều được cập nhật trên hệ thống. Nhờ đó, đối tác yên tâm đặt hàng. Chỉ riêng năm vừa qua, doanh thu từ bí xanh đạt gần 2 tỷ đồng”.
“Nông dân số” giữa vùng lòng chảo
Hay như tại xã Noong Luống, HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống với các thành viên đa phần là người Mông, người Thái, đã xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ đỗ leo theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc kết hợp QR code trên bao bì, giúp sản phẩm chinh phục các hệ thống siêu thị trong nước. Sản phẩm đỗ leo đã đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang hướng tới 4 sao trong năm tới.
"Trước đây bà con người dân tộc thiểu số quen làm theo tập quán cũ. Nhưng từ khi HTX tổ chức các lớp tập huấn công nghệ thông tin, ai cũng dần biết tra cứu thông tin, học kỹ thuật trên YouTube, mở tài khoản mạng xã hội để bán nông sản. Có những cụ già người Mông, người Thái ngoài 70 tuổi vẫn học dùng smartphone để vào nhóm Zalo của HTX", đại diện HTX Noong Luống cho hay.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Điện Biên, toàn huyện hiện có hơn 2.100ha rau màu, trong đó vùng lòng chảo chiếm hơn 1.700ha. Từ cải bắp, su hào, cà chua đến cây ăn quả như bưởi da xanh, mít, nhãn, ổi… đang được trồng theo các dự án liên kết sản xuất – tiêu thụ, với quy trình giám sát bằng công nghệ số.

Nhờ sản xuất hiện đại, diện mạo kinh tế nông nghiệp vùng lòng chảo Mường Thanh ngày càng khởi sắc.
Chị Lò Thị Hoa – người dân tộc Thái ở bản Noong Hẹt – từng chỉ trồng lúa tự cấp, nay đã là thành viên HTX trồng bưởi da xanh theo dự án liên kết.
“Tôi được tập huấn cách nhập dữ liệu sản xuất vào máy tính bảng. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn dùng điện thoại để kiểm tra độ ẩm đất, lịch tưới cây, cả cách quảng bá sản phẩm qua mạng. Hồi đầu sợ lắm, nhưng giờ thì quen rồi. Con gái tôi còn làm video đưa sản phẩm lên TikTok”, chị Hoa vui vẻ kể.
Điểm đáng chú ý là các xã vùng lòng chảo như Pom Lót, Thanh Xương, Thanh Hưng... đã bước đầu hình thành “vùng trồng cây ăn quả số hóa”, nhiều khu vườn bắt đầu có nhật ký điện tử, giám sát canh tác bằng công nghệ và tham gia các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm như dứa Pu Lau, bơ Núa Ngam… cũng đang từng bước được số hóa thông tin truy xuất nguồn gốc.
Gìn giữ bản sắc, vươn lên từ công nghệ
Quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hàng hóa khu vực lòng chảo Mường Thanh rõ ràng đang có những thành công đầy tích cực. Những thành công này không thể không nhắc đến các chương trình hỗ trợ và đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên.
Với lợi thế cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, màu mỡ, thuận lợi phát triển cây lúa, rau màu và cây ăn quả, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ đăng ký OCOP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Nhờ đó, nhiều HTX nông nghiệp tại TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (khu vực lòng chảo Mường Thanh) đã vươn lên sản xuất theo hướng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao như Séng Cù, Hương Việt, kết hợp công nghệ "hiệu ứng hàng biên", giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Hay như HTX Phú Mỹ Xanh thành công với mô hình trồng bí xanh trái vụ, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, đang được Liên minh HTX các cấp hỗ trợ xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh sản xuất lúa và rau màu, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ phát triển các mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, nhãn, dứa, bơ… tại các xã Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót. Nhiều HTX đã được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, mà còn góp phần thay đổi tư duy làm nông – từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất hàng hóa, có kế hoạch, có thị trường.
Giữa bạt ngàn ruộng đồng và hương lúa chín, dễ thấy hình ảnh những nông dân dân tộc thiểu số tay cầm smartphone, điều hành sản xuất như những doanh nhân thực thụ. Đó chính là hình ảnh đẹp nhất về một Mường Thanh đổi mới – nơi những cánh đồng vàng đang được “số hóa”, đưa lịch sử hào hùng bước vào thời đại 4.0, bằng chính bàn tay và khối óc của những người con nơi lòng chảo huyền thoại.