Những cánh tay nối dài

Được ví như 'cánh tay nối dài' của ngành Y tế, thời gian qua, mạng lưới y tế thôn, bản tỉnh ta đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, góp phần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế - dân số, phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn.

Chị Giàng Thị Quang, nhân viên y tế thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cùng các đồng nghiệp những ngày này tất bật đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp để lập danh sách tiêm các mũi vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Cùng với đó chị cùng các tổ chức đoàn thể trong thôn thường xuyên phối hợp tuyên truyền người dân về phòng chống các dịch bệnh trong năm. Đặc biệt trong thời gian này dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều địa phương nên công tác tuyên truyền cho người dân cũng được chú trọng và đẩy mạnh.

Chị Phạm Thị Thập, nhân viên y tế thôn Chanh 1, xã Thái Bình (Yên Sơn) tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh.

Chị Phạm Thị Thập, nhân viên y tế thôn Chanh 1, xã Thái Bình (Yên Sơn) tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh.

Hơn 10 năm làm nhân viên y tế thôn, chị không nhớ đã bao nhiêu lần mình đi đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho bà con... Với chị, một trong những kỷ niệm khó quên là một lần có sản phụ sinh tại nhà, ngay khi nhận được thông tin, chị đã tức tốc đi bộ gần 3km giữa núi rừng trong đêm, kịp thời đến nhà sản phụ cấp cứu, may mắn sau đó, cả 2 mẹ con đều vượt cạn an toàn.

Nhiều ngày nay, chị Đoàn Thu Hà, nhân viên y tế tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) thường xuyên đi sớm về muộn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phòng chống dịch sốt xuất huyết. Chị Hà cho biết, mấy ngày vừa qua, địa bàn của tổ đã bắt đầu ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết. Chị cùng với các đoàn thể của tổ, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ y tế phường, thành phố đến tận hộ dân vừa tuyên truyền, hướng dẫn vừa phun hóa chất diệt muỗi. Vì vậy mà trong tổ không gia tăng số ca mắc mới.

Được đào tạo trong ngành y, chị Phạm Thị Thập, thôn Chanh 1, xã Thái Bình (Yên Sơn) đã mở cửa hàng thuốc tại nhà và có thời gian tham gia công tác y tế thôn bản tại địa phương. Với chức năng nhiệm vụ của mình, chị chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin đời sống người dân, từ đó có hình thức tuyên truyền phù hợp về phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho trẻ em, vệ sinh nhà, chuồng trại chăn nuôi, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hướng dẫn bà con khi ngủ phải mắc màn, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay thôn Chanh 1 là một trong những thôn đạt tỷ lệ tiêm các mũi vắc xin cao nhất xã. Khi dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thành phố Tuyên Quang, là thôn giáp ranh với thành phố nhưng đến nay thôn cũng chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào.

Đội ngũ y tế tại các thôn, bản được xác định là nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh tại chỗ tốt nhất. Theo thống kê của ngành y tế hiện toàn tỉnh có trên 2.200 nhân viên y tế thôn bản, được đào tạo về kiến thức nhân viên y tế bản từ 6 tháng trở lên; trong đó có người đã theo học Trung cấp dược sỹ, y sỹ. Hàng ngày, ngoài lao động sản xuất, chăm lo cho gia đình, các y sỹ còn đến các gia đình trong bản để thăm hỏi, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về môi trường sống, dịch bệnh của bản... để tư vấn và trao đổi thông tin với những người đứng đầu bản, chính quyền xã có hướng giải quyết thiết thực, hiệu quả.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nhung-canh-tay-noi-dai-164736.html