Những cánh thư ấm lòng người thầy thuốc
Sau khi vượt qua biến cố cuộc đời, nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ đã gửi thư về Bệnh viện Đa khoa tỉnh... để bày tỏ cảm xúc. Có những lá thư cảm ơn được đánh máy cẩn thận, có những lá thư viết tay nắn nót, cũng có nhiều lá thư được viết vội... Mỗi lá thư với lời lẽ mộc mạc, chân tình như món quà quý giá, là lời động viên sâu sắc để các thầy thuốc vững tin tiếp bước trên hành trình cứu người.
Bệnh nhân Minh Trang dần hồi phục nhờ sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ.
Niềm vui nhỏ sáng đầu tuần
Giao ban sáng thứ 2 tuần này vui vẻ hơn mọi lần, mọi người sôi nổi trò chuyện về ca bệnh đặc biệt phải truyền 28 đơn vị máu. Sở dĩ, ca cấp cứu giúp bệnh nhân từ cõi chết trở về, tưởng đã trôi đi với bao nhiêu bệnh nhân khác cần phải cứu chữa, nhưng một lần nữa, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhớ lại niềm vui đó khi nhận được bức thư tay của người nhà bệnh nhân Đỗ Thị Minh Trang, 26 tuổi, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc). Bức thư được đọc lên, ai cũng cười, nụ cười làm ấm cả một ngày đầu thu se lạnh. Trong thư có đoạn: “Đứng ngoài phòng cấp cứu, tôi chỉ biết cầu nguyện cho cháu được bình an. Theo dõi từng giây, từng phút các bác sĩ giành giật lại sự sống cho bệnh nhân, tôi thấu hiểu được những gì mà cả ê kíp phẫu thuật, hồi sức cấp cứu đêm hôm đó đã trải qua. Cái cảm giác kinh hoàng đến vô cùng khi nghe tiên lượng xấu về cháu. Nhưng, niềm vui vỡ òa khi cháu được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Mặc dù sau đêm đó, sức khỏe của cháu tôi còn rất nặng nhưng chúng tôi đặt trọn niềm tin vào các y, bác sĩ của bệnh viện! Thực lòng mà nói, nhiều y, bác sĩ đã cứu sống cháu tôi nhưng gia đình chỉ nghe giọng nói, biết tên chứ chưa một lần gặp mặt! Rất mong các y, bác sĩ thông cảm vì sự không phải này”.
Nhắc lại ca cấp cứu trên, bác sĩ Hoàng Mạnh Hồng, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, trưởng kíp gây mê phẫu thuật, điều trị và hồi sức tích cực sau mổ, cho biết: Các bác sĩ khi đó gần như không có một chút hy vọng nào để có thể cứu sống được bệnh nhân Trang, bởi diễn biến bệnh quá nhanh và trầm trọng. Nhưng khi bệnh nhân còn dấu hiệu của sự sống thì chúng tôi còn cứu cho đến tận cùng khả năng của mình và cuối cùng thì phép nhiệm màu cũng đã đến, bệnh nhân đã bước sâu từ cái chết về với sự sống.
Những cánh thư cảm ơn của bệnh nhân gửi tới các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày.
Theo bác sĩ Hồng, bệnh nhân Trang được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng khó thở, chảy máu âm đạo liên tục, ồ ạt với khối lượng nhiều (khoảng 3.000ml máu đỏ tươi)... sau mổ lấy thai lần 2. Vào Khoa Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Cấp cứu, tình trạng bệnh nhân đã rất nguy kịch: hôn mê, có các biểu hiện của sốc giảm thể tích, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, bụng chướng căng, vết mổ máu thấm băng, vận mạch dùng liều rất cao, thở bóp bóng qua nội khí quản. Nhận định, đây là một tai biến sản khoa nguy hiểm, bệnh nhân diễn biến nhanh, phức tạp và có thể tử vong ngay lập tức nếu không được phẫu thuật cầm máu và truyền bổ sung máu kịp thời. Ngay lập tức, ê kíp phẫu thuật được khởi động gồm các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, Ngoại ổ bụng, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu... vừa tiến hành cắt toàn bộ tử cung, khâu cầm máu, đồng thời thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, truyền máu và các chế phẩm máu cho bệnh nhân để nhanh chóng bù lại khối lượng máu đã mất. Trong vòng 12 giờ trước, trong và sau ca mổ, bệnh nhân được truyền tổng cộng 28 đơn vị máu (gần 7 lít) gồm máu và các chế phẩm máu. Được biết, đây là một trong số những ca bệnh truyền số lượng máu cấp cứu nhiều nhất tại bệnh viện đến thời điểm hiện tại.
Khi lòng biết ơn trở nên sâu nặng
Đọc thư của bệnh nhân và người nhà dường như đã trở thành thói quen của nhiều bác sĩ, là hoạt động thường xuyên của bệnh viện, sau sinh hoạt chuyên môn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều buổi giao ban giống như lễ tri ân khi những bức thư cảm ơn của người bệnh được đọc lên. Với những cán bộ y tế ở bệnh viện, mỗi lá thư với lời lẽ mộc mạc, chân tình là một câu chuyện, một kỷ niệm mà mỗi khi đọc lại chỉ biết nhớ, khóc và cười. Có thư viết gửi chung tập thể bệnh viện, khoa, có thư lại được bệnh nhân dành riêng cho một bác sĩ, một điều dưỡng nào đó.
Bức thư chị Nguyễn Thị Hoài viết để cảm ơn tập thể y, bác sĩ tại bệnh viện đã tận tình chăm sóc, điều trị cho bố chị là ông Nguyễn Văn Thiệu, có đoạn: “Trong quá trình điều trị, bố tôi luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các bác sĩ, y tá. Từ việc nằm thở thoi thóp dần hồi phục, tự ăn được qua ống xông, viết được chữ, thậm chí có những lúc tưởng chừng như ngồi dậy, tự thở được. Các y tá ở đây rất để ý, chăm sóc bệnh nhân, thay đổi tư thế nằm thường xuyên ngăn ngừa chống loét do tỳ đè... Vào những lúc huyết áp trong đêm của bố không ổn định, bố khó thở từng cơn, nghe những tiếng tít... tít... tít mà tim tôi nhói đau. Để theo dõi sát hơn, tôi thấy các bác sĩ còn đứng cạnh giường hay ở phòng bệnh nhiều giờ và sáng ra thì đầu bù, tóc rối lại tiếp tục các ca cấp cứu đầy bận rộn. Trong những ngày này, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của các bác sĩ, y tá. Thức đêm, mất ngủ, chưa nói còn căng thẳng, cực nhọc. Tôi vô cùng cảm động trước những cử chỉ cao đẹp của các bác sĩ, y tá đối với bệnh nhân là bố tôi...”.
Những cánh thư cảm ơn của bệnh nhân gửi tới các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày.
Bố chị Hoài bị ung thư, đã điều trị ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương. Sau lần điều trị hóa chất đầu tiên, ông bị suy hô hấp cấp, phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuổi đã cao, bệnh khá nặng: Suy hô hấp, K trung thất, viêm phổi cấp, huyết khối, hoại tử khối u..., bố chị Hoài luôn trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Nhưng trong suốt những ngày nằm viện, bố chị luôn được các bác sĩ theo dõi sát sao, chăm sóc tận tình như con cái trong nhà.
Có lẽ, khi có người thân bị bệnh cần nhập viện, tâm trạng của ai cũng khó mà giữ được sự bình tĩnh. Lá thư cảm ơn của mẹ bệnh nhân Lê Khánh Ngân điều trị bỏng ở bệnh viện tâm sự, trong những ngày con chiến đấu cùng bệnh tật, đôi lúc chị cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng trước tình trạng của con và không ít lần làm phiền các bác sĩ bằng nước mắt và bằng những suy đoán, những câu hỏi đầy lo lắng... Nhưng rồi, hằng ngày chứng kiến việc nhân viên y tế chăm sóc con mình, chị đã vỡ òa cảm xúc: "Trước tiên, tôi xin lỗi các bác, các cô thật nhiều và xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành đến tập thể các cô, các bác vì đã tận tình điều trị, quan tâm chăm sóc và dùng mọi cách tốt nhất để điều trị cho con. Những ngày, tháng con tôi trong phòng hồi sức đặc biệt là khi tôi được vào chăm con, nhìn cách mọi người chăm sóc, vỗ về hỏi han, lo lắng cho các con, tôi biết các cô yêu con bằng cả tấm lòng, bằng tình thương của một người mẹ chứ không đơn thuần là trách nhiệm công việc. Những lúc tôi tuyệt vọng suy sụp, các cô, các bác đã động viên an ủi rất nhiều...".
Ngắn gọn hơn, một bệnh nhân giấu tên ghi như thế này: “Tôi về đây, tạm biệt các anh, các chị, các bác sĩ... Thương và nhớ mọi người” bằng nét chữ run run, lấm lem mực. “Trong cơn bạo bệnh, lại thấy ấm lòng, tự tin “chiến đấu” hơn khi được cán bộ, nhân viên bệnh viện chăm sóc, ân cần. Tôi yêu mến các chị, các anh...”, một bệnh nhân tên Văn nhắn lại trên mảnh giấy A4 kẻ dòng...
Mỗi con chữ, mỗi nội dung trong thư có thể khác nhau nhưng những người viết đều chung một chân tình với các y, bác sĩ, điều dưỡng... Chỉ tay vào đĩa trái cây mát lành trên bàn, bác sĩ Hoàng Mạnh Hồng cho biết, đó đều là do người thân bệnh nhân mang đến tặng các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa. “Công việc đã cuốn mình đi theo những ca bệnh, chúng tôi chưa thể đọc hết những lá thư, những tâm tư, tình cảm mà bệnh nhân sẻ chia nhưng chắc chắn, tất cả đều được đón nhận. Bởi, đối với đội ngũ y, bác sĩ, bao giờ cũng vậy, tâm tư, nụ cười cùng sức khỏe của người bệnh luôn là món quà quý giá nhất... ”, bác sĩ Hồng nói.