Những cặp bố con cùng đánh Mỹ
Để có Đại thắng mùa xuân 1975, có những cặp bố con cùng tham gia chiến dịch, cùng đánh Mỹ.

Ông Mẫn (bên trái) cùng cha là cụ Nguyễn Phúc Cường đã từng có cuộc hội ngộ bất ngờ và xúc động dưới tán rừng Trường Sơn thời chống Mỹ (ảnh tư liệu)
Cha gặp con giữa chiến hào đánh Mỹ
Ông Mẫn đã không giữ lời hứa là sẽ cùng tôi pha một ấm trà ngon, hút một điếu thuốc thơm để cùng ngồi xem lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì cách đây chưa lâu, ông đã đi theo cha và những người đồng đội của mình.
Ông Nguyễn Minh Mẫn và cha ông - cụ Nguyễn Phúc Cường, quê ở làng Cao Duệ, xã Nhật Tân (nay là xã Nhật Quang, Gia Lộc) là một trong số ít các cặp cha con ở Hải Dương cùng vào chiến trường đánh Mỹ.
Cụ Nguyễn Phúc Cường sinh năm 1927, từng bước qua 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, trở về quê nhà với tỷ lệ thương tật 2/4.
Gần 10 năm ở Chiến khu Việt Bắc, thuộc Trung đoàn Cận vệ 246 anh hùng, căn cứ tình hình trên chiến trường lúc đó, cụ Cường được điều động tham gia trực tiếp chiến đấu trong Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Thời gian ở Việt Bắc, trong các lần về phép, những người con của cụ lần lượt ra đời, có người trong số đó tiếp bước cha lên đường đánh giặc, một lòng dốc sức cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Khi còn sống, cụ Cường đã kể với tôi, qua những lá thư ít ỏi của gia đình, cụ chỉ biết người con trai lớn của mình là ông Mẫn đã vào chiến trường, sẽ "đi B dài", chứ không thể ngờ sẽ có ngày gặp con dưới tán rừng Trường Sơn đậm đặc mùi khói súng.
Ngày đó, ngầm Ta Lê - cửa lửa trên đường 20 Quyết thắng là cửa khẩu tiền tiêu quan trọng nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nằm giữa Quảng Bình và đất bạn Lào. Là Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 32, cụ Cường thường xuyên hỏi thông tin về bộ đội Hải Dương. Một lần áp Tết Mậu Thân 1968, chính trị viên lên báo cáo:
- Thưa Phó Chính ủy, có Mẫn là người Hải Hưng mới vào.
Cụ Cường buột miệng:
- Mẫn, quê làng Cao Duệ à?
Ngẩng đầu lên, trước mặt cụ Cường là một chàng lính mới trắng trẻo và gầy, mảnh khảnh. Anh lính ấp úng:
- Chào thủ trưởng!
Cha con họ đã gặp nhau ở đại ngàn Trường Sơn như thế.
Hồi còn sống, ông Mẫn có kể với tôi: Được binh trạm ưu tiên, mỗi tuần cha con ông được ngủ chung một lần để tâm sự về quê hương, làng xóm, về gia đình, về chiến trận...
Từ Binh trạm 32, năm 1969, cụ Cường được điều động vào Binh trạm 35, còn ông Mẫn đi học quân y ở Bộ Tư lệnh 559. Cha con họ chia tay nhau từ đó.
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ sắp đi vào hồi kết, người lính già Nguyễn Phúc Cường quay về miền Bắc, công tác ở Quân khu 3. Những năm 1978 - 1979, cụ lại cùng đồng đội thuộc một trung đoàn pháo binh đánh quân Trung Quốc, suốt rẻo Tiên Yên, Ba Chẽ (Quảng Ninh). Biên giới phía Bắc bình yên, cụ Cường chuyển sang ngành tòa án thuộc Đặc khu Quảng Ninh cho đến lúc nghỉ hưu.
Và cho đến mãi đến năm 1982, khi cụ Cường nghỉ hưu, con trai cụ xuất ngũ, họ mới gặp lại nhau.
Sau này trở về, ông Mẫn vẫn đọc những câu thơ: "Xưa cha đi đánh Pháp/ Con còn nhỏ chạy nhìn theo/ Nay mái tóc hoa râm dưới vành mũ tai bèo/ Cha gặp con giữa chiến hào đánh Mỹ/ Nghĩa nặng tình sâu, cha gọi con là đồng chí/ Rồi mỉm cười nghe kể chuyện quê hương... Hai cha con cùng cười khi bóng tên giặc Mỹ/ Phải gục đầu vì hai thế hệ cha con".
Không nhận ra bố mình

Ông Nguyễn Minh Nhung thắp hương lên bàn thờ bố, cũng là người đồng đội ông từng gặp ở miền Tây trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ
Ngày cha là cụ Nguyễn Văn Nhường vào bộ đội, ông Nguyễn Minh Nhung còn nhỏ.
Ngày ấy, thông tin về chiến trận bay về làng Đích Sơn, Hiệp Hòa (Kinh Môn) còn thưa thớt. Cha vào lính, thông tin về nhà thưa dần rồi im bặt, ai cũng nghĩ cụ Nhường đã hy sinh, vì thế, ông Nhung 5 lần 7 lượt không được xã cho đi bộ đội.
Trong hình dung của mình, ông Nhung luôn nghĩ cha là một người lính trận xông pha, khoác vải dù, vác súng dưới làn mưa mờ mịt lao vào chiến trận rồi mới mỉm cười nằm xuống cỏ. Vì thế, trong câu chuyện dưới gốc đa đầu làng, cậu bé Nhung cũng như chúng bạn của mình đều quả quyết sẽ có một ngày đi bộ đội.
Mãi đến năm 1974, lúc 17 tuổi ông Nhung mới thực hiện được ước nguyện của mình. Và khi đó, ông Nhung chỉ biết cha mình vào bộ đội chứ không biết ở chiến trường nào và còn sống hay đã hy sinh. Sau 3 tháng huấn luyện ở Bến Tắm (Chí Linh), ông Nhung được về nhà ăn Tết, đến ngày mùng 7 tháng giêng thì quay lại đơn vị rồi đi bộ lên ga tàu hỏa Tiền Trung. Đoàn đi một mạch vào Thanh Hóa thì chuyển sang ô tô đi qua Tây Trường Sơn của nước bạn Lào rồi vào miền Tây chiến đấu, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207, Sư đoàn 8, Quân khu 8.
Ông Nhung kể, thời gian ở chiến trường, đơn vị đóng ở giáp Sài Gòn nên quân ngụy tấn công quyết liệt. Có những trận địch đánh nhiều giờ liền không di chuyển được, chỉ nằm rạp dưới tầm pháo bắn ràn rạt trên đầu. Những lúc ấy, ông luôn mong đến ngày giải phóng, dù sống hay chết, còn việc gặp lại cha thì chưa từng nghĩ đến.
Ngày 30/4/1975, dù sát Sài Gòn nhưng ông cùng đồng đội chưa biết đã giải phóng, tất cả vẫn nhận lệnh đi chốt chặn dọc trên lộ 4. Chỉ đến khi thấy bà con kéo ra đường hò reo thì mới biết đã giải phóng Sài Gòn. Khi đó tất cả ôm nhau vui sướng, vì biết rằng ngày về với mẹ đã rất gần.
Một buổi trưa tại Lấp Vò (Đồng Tháp), liên lạc của đơn vị đi cùng một người trung tuổi, gọi ông Nhung đến gặp. Người liên lạc hỏi ông Nhung: Có biết ai đây không?
"Lúc bố đi bộ đội tôi còn nhỏ nên trí nhớ khá lờ mờ. Quả thực không nghĩ đấy là bố, chỉ nghĩ là đồng hương", ông Nhung kể.
Khi người liên lạc nói đây là cha, ông Nhung đứng khựng lại không thốt lên lời, phần vì nghĩ cha đã mất, phần vì cho rằng nếu cha còn sống cũng không có tình huống gặp nhau ở vùng đất vừa là chiến trường này.
Cuộc gặp giữa ông Nhung và cha diễn ra ngắn ngủi, đến chiều thì chia tay. Sau đó, ông Nhung còn một vài lần đến Long An thăm cụ Nhường. Sau này, cụ Nhường làm ở trại cải huấn cho đến lúc giải ngũ rồi mới về quê.
Còn ông Nhung, giải phóng xong ông tiếp tục đi bảo vệ biên giới Tây Nam, tiến sang Campuchia đánh Polpot giải phóng nước bạn rồi phục viên năm 1981.
Đến giờ, người cha, cũng là đồng đội của mình đã mất, ông Nhung trở thành một người nông dân thực thụ. Cuộc sống dù vất vả, nhưng ông Nhung luôn tâm niệm mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội, đã hơn nửa thế kỷ mà không thể trở về.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-cap-bo-con-cung-danh-my-409743.html