Những cặp vợ chồng trên tuyến đầu chống dịch
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 lần này có những cặp vợ chồng cùng trực chiến nơi tuyến đầu, với quyết tâm khi nào hết dịch mới trở về nhà.
Trong trận chiến chống dịch Covid-19 lần thứ ba này, có nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng ở nơi tuyến đầu. Mỗi người một địa bàn, một đơn vị, một nhiệm vụ nhưng họ luôn có chung một khao khát là sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Cùng vào tâm dịch
Đêm 2.2, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị để triển khai biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch vì tình hình tại TP Chí Linh khi ấy đang diễn biến hết sức phức tạp. Một trong những nội dung của cuộc họp là khẩn trương tăng cường lực lượng hỗ trợ TP Chí Linh phòng chống dịch. Rạng sáng hôm sau, hơn 20 lá đơn viết tay của cán bộ, chiến sĩ được gửi tới Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh tình nguyện tham gia phòng chống dịch. Một trong số đó là lá đơn của thiếu tá Nguyễn Văn Cương (quê ở Kinh Môn), Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị. Trong đơn, anh Cương viết: “... Là cán bộ đang công tác tại Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Mặc dù biết sẽ rất nguy hiểm, có thể bị lây nhiễm nhưng là bộ đội Cụ Hồ, là thế hệ trẻ, tôi phải có trách nhiệm chung tay bảo vệ cộng đồng”.
Thời điểm thiếu tá Cương xung phong vào tâm dịch thì cũng là lúc vợ anh - chị Đào Thị Lan, nhân viên Phòng Tài chính - Kế hoạch - Điều dưỡng, Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn cũng đang căng mình cùng các đồng nghiệp ngày đêm chống dịch ở thị xã trẻ. Hai vợ chồng ở hai tâm dịch khác nhau nhưng họ cùng có chung một khát khao là sớm đẩy lùi dịch bệnh để được về nhà, sum họp cùng gia đình.
Thiếu tá Cương kể, ngay sau khi được Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh phê duyệt kế hoạch tăng cường lực lượng chống dịch cho TP Chí Linh, anh em chỉ có 30 phút để chuẩn bị hành trang lên đường. Đến Ban CHQS TP Chí Linh khi trời đã nhá nhem tối, không kịp ăn cơm chiều, mọi người ngay lập tức được điều động hỗ trợ cho khu cách ly Trường THCS Lê Lợi. Để kịp đón bà con vào cách ly tập trung trong đêm, gần 20 cán bộ, chiến sĩ chỉ kịp bỏ ba lô xuống là xắn tay vào cùng các lực lượng dọn dẹp, lau chùi, vệ sinh phòng học, bố trí gọn gàng nơi ăn nghỉ để bà con đến là có thể ở luôn. Gần 12 giờ đêm xe chở bà con, công nhân khu công nghiệp Cộng Hòa tới cách ly, anh em lại tiếp tục triển khai đón tiếp, phân phòng, hướng dẫn bà con nội quy, quy định trong khu cách ly. Nhiều anh em mệt quá, lả đi nhưng vẫn cố hết sức để kịp có chỗ cho bà con nghỉ. Gần 3 giờ sáng 4.2 mọi việc mới tạm ổn, lúc này anh em mới được nghỉ để ăn cơm.
Với chị Lan, từ khi thị xã Kinh Môn xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên chị cũng không được về nhà. Vì vậy, nỗi lo đầu tiên của chị là hai cậu con trai đang học tiểu học. Khi nhận được lệnh tăng cường phòng chống dịch của cấp trên, chị Lan chỉ kịp gọi điện thoại về nhà nhờ ông bà nội chăm sóc con giúp và dặn dò các con giữ gìn sức khỏe, nghe lời ông bà, không được ra ngoài... Công việc của chị Lan mặc dù không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhưng khối lượng hồ sơ, bệnh án, kết quả xét nghiệm, công tác hậu cần tại bệnh viện rất lớn. Suốt gần 1 tháng qua, chị phải ở lại Trung tâm Y tế hỗ trợ các đồng nghiệp. Dù cơ quan chỉ cách nhà hơn 1 km nhưng chị cũng không được gặp gia đình và các con. Tết vừa rồi, gia đình chị đón Tết ở 3nơi. Ở 3 “đầu nỗi nhớ” nhưng mọi thành viên trong gia đình đều thấu hiểu, chia sẻ với công việc của nhau, động viên nhau và mong chờ ngày hết dịch. “Ở Trung tâm Y tế, mỗi lúc rảnh vợ tôi đều gọi điện thoại động viên, nhắc nhở tôi giữ gìn sức khỏe, thực hiện tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Nhiều lúc tôi trêu, hai vợ chồng cùng đang ở tâm dịch phải tự biết cách bảo vệ chứ. Mình an toàn, bà con mới an toàn được. Em không phải nhắc nhở anh nhiều đâu!”, thiếu tá Cương kể.
Sau hơn 20 ngày trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch, anh Cương đang được nghỉ ngơi tại khu cách ly để sớm được trở về thăm gia đình. “Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ít ngày theo quy định rồi sau đó sẽ trở lại cùng đồng đội, đồng nghiệp tiếp tục với trận chiến chống Covid-19. Khi nào chưa hết dịch, chúng tôi sẽ chưa ngừng nghỉ”, thiếu tá Cương nói.
Hết dịch mới ăn Tết
Đó là tâm sự của thiếu tá Phạm Hữu Hiếu ở xã Hùng Thắng (Bình Giang), Trợ lý Tham mưu Ban CHQS huyện Cẩm Giàng. Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, anh Hiếu đã mua 1 con lợn 20 kg, dự định nuôi đến khi được 25 kg sẽ thịt để ăn Tết. Nhưng đến nay sau gần 2 tháng, cả hai vợ chồng anh đều ở tuyến đầu chống dịch, nhà 4 người đón Tết ở 3 nơi, con lợn đã nặng khoảng 30kg nhưng vợ chồng anh vẫn chưa ai được về nhà. Từ trước khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng, anh Hiếu cùng các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cẩm Giàng đã trực 100% quân số. Đầu tháng 2, huyện Cẩm Giàng xuất hiện ca bệnh Covid-19, từ ngày 5.2 chấp hành sự phân công của đơn vị, anh phụ trách tại điểm cách ly tập trung Trường THPT Tuệ Tĩnh, xã Cẩm Vũ. Thời điểm đông nhất, ở đây có 97 người cách ly. Trong khi trường chỉ có 1 bể nước 2 m3. Việc bơm nước cho người cách ly sử dụng thường rất mất thời gian vì 2 máy bơm của trường thường xuyên trục trặc, nhiều lần anh Hiếu mất cả ngày để sửa. Chưa kể, trong khu cách ly có 75 người làm việc trong các quán karaoke tại huyện Cẩm Giàng, đa số từ 15-20 tuổi, ý thức chấp hành các quy định chưa cao, thường xuyên thức đêm, trêu đùa nhau. Nhiều người mang theo loa, đài vào điểm cách ly, bật loa to đến đêm khuya làm người khác khó chịu, nhất là trong những ngày Tết. Anh Hiếu cùng các cán bộ, chiến sĩ ở đây đã luôn nêu cao ý thức cảnh giác, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, nhắc nhở những người này tuân thủ quy định, không tụ tập, không ra khỏi phòng nếu không cần thiết, chú ý đeo khẩu trang, chỉ bật loa, đài với âm lượng vừa phải và đến 22 giờ… Đến ngày 24.2 tại đây hết người cách ly nên anh Hiếu đã được điều về cơ quan trực tác chiến, đến nay vẫn chưa biết khi nào được về nhà.
Là điều dưỡng viên Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Phạm Thị Vân, vợ anh Hiếu còn vắng nhà trước cả anh. Từ tháng 1 đến nay chị mới về nhà được 2 lần, mỗi lần chưa tròn 1 ngày. Được phân công việc tại tổ sàng lọc Covid-19 của bệnh viện, chị có nhiệm vụ phân loại người nhà, bệnh nhân vào khám có biểu hiện ho, sốt đưa vào khu cách ly. Mỗi ca chị trực 12 tiếng đồng hồ, ngày đêm luân phiên. Do dịch Covid-19 nên nhiều người chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã trở nặng, nhiều người đến vào nửa đêm nên công việc của chị Vân rất vất vả. Chị và các điều dưỡng viên khác thường phải tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại ghế để lấy lại sức. Trong những ngày vợ chồng chị vắng nhà, hai con trai 9 và 5 tuổi phải gửi nhiều chỗ. Trước Tết, chị Vân gửi con sang nhà cậu mợ của anh Hiếu, ngày 23tháng chạp chị gái anh Hiếu xuống trông các cháu đến mùng 3 Tết, từ đó đến nay các cháu ở với bà ngoại. Con lớn nhà chị Vân mắc bệnh tan máu bẩm sinh, 3 tháng phải đi kiểm tra tại bệnh viện trung ương một lần nhưng do dịch bệnh nên chưa đi được, chị phải thường xuyên gọi điện nhắc nhở con uống thuốc. “Những ngày Tết tôi không dám gọi điện về cho con vì con khóc rất nhiều, nhìn qua điện thoại chỉ muốn khóc theo. 2 tháng nay tôi về 2 lần, từ sáng đến tối lại phải đi, lúc đi con ôm chân khóc bảo mẹ ngủ với con 1 tối mà không được, thương con đứt ruột. Nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên các con, động viên nhau, hết dịch bố mẹ về, cả nhà cùng ăn Tết”, chị Vân chia sẻ.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước, những cặp vợ chồng như thiếu tá Cương - chị Lan, anh Hiếu - chị Vân, những người lính áo xanh, chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch đều mang một lòng quyết tâm khi nào hết dịch mới trở về nhà.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nhung-cap-vo-chong-tren-tuyen-dau-chong-dich-160800