Những câu cha mẹ nói dễ gây ám ảnh cả đời với con trẻ
Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.
Mẹ ước chưa từng sinh ra con
Rất nhiều bậc phụ huynh từng vô tình mắng con như vậy trong một lần giận dữ tột đỉnh. Bố/mẹ nói ra câu này có thể sau đó chỉ một vài giây sẽ quên ngay lập tức, tuy nhiên với trẻ thì không. Bé sẽ tin rằng, mẹ không muốn làm bố mẹ của mình hay thực sự bố mẹ đang chán ghét và không yêu quý mình nữa.
Hay khi trẻ nghe thấy mẹ nói rằng ""Giá như bé… là con của mẹ", bé sẽ bị tổn thương bởi suy nghĩ: "Mẹ ghét mình, mẹ chỉ yêu bạn…thôi". Từ đó, bé sẽ trở nên mặc cảm, tự tin, so bì, ghen tỵ với bạn đó.
Cháu được bố mẹ nhặt ở chỗ khác về đấy
Không ít đứa trẻ bị đùa rằng mình chỉ là con nuôi bố mẹ nhặt được ngoài thùng rác mang về, là con ông ba bị, con bà ăn xin. Câu nói đó khiến những đứa trẻ với tâm hồn thật thà hoang mang, tổn thương vì nghĩ mình là con nuôi thì không được yêu thương, nhiều trẻ bị mặc cảm vì nghe quá nhiều những câu nói thế này.
Mày không phải con tao, con tao không có đứa nào ngu dốt như mày!!!"
Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thế tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con.
Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được.
Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.
"Mày không làm thì ai vào đây nữa, tất cả là lỗi của mày, đừng có mà chối"
Rất nhiều bố mẹ mọi việc chưa rõ ràng, đã quy hết mọi tỗi lỗi cho con. Cũng có trường hợp đứa con đó là anh chị trong nhà, và bố mẹ mặc định rằng làm anh chị thì phải nhường em. Hoặc nhà có một đứa con trai nên đứa con gái thường phải lãnh hết phần tội lỗi gây ra trong nhà. Những đứa con như vậy rất đáng thương, không có ai hiểu, không ai thông cảm, không thể tâm sự hay trút nỗi niềm với ai.
Nhìn con nhà người ta đi, rồi xem lại mình xem
Nhiều cha mẹ thường dùng phép so sánh, với mục đích tốt là muốn động viên con nỗ lực học hỏi người khác. Ví dụ, khi điểm số của con không bằng một bạn nào đó ở lớp, bố mẹ sẽ nói: "Nhìn bạn ấy mà xem, tại sao con lại không được điểm như thế?". Trong mắt cha mẹ, thành tích của đứa bé học giỏi có thể là một mục tiêu cho con mình tiến bộ. Nhưng khi bạn nói ra câu này lại lợi bất cập hại.
Mỗi đứa trẻ đều có ưu, nhược điểm riêng. Việc so sánh con có thể khiến bé cảm giác như bố mẹ châm biếm điểm yếu của mình, chê cười sự thiếu sót của bé, và thông thường thành tích của con không được cải thiện sau những lời này. Ngược lại, chỉ những bậc cha mẹ thấy được điểm mạnh của trẻ và đánh giá cao những mặt mạnh đó, con họ mới có thể đạt được thành tích ngày một tốt hơn.
"Cha mẹ đang rất bận, con hãy tránh xa một chút."
Con trẻ luôn coi cha mẹ là cả thế giới đối với chúng. Ấy vậy mà người lớn lại thường dùng lý do này để đẩy chúng ra xa, khiến đứa trẻ có cảm giác cha mẹ không còn yêu quý mình nữa. Vì thế, khi trẻ lớn lên, các bậc cha mẹ sẽ rất khó gần gũi để hiểu được nội tâm của con cái, khó cùng chúng tâm sự, thậm chí còn không thể nói chuyện cùng nhau. Vậy nên hãy dành thời gian cho con trẻ để hiểu suy nghĩ của chúng và có thể tâm sự với trẻ như một người bạn.
Khi cần toàn tâm làm một việc nào đó, bậc cha mẹ cần chuẩn bị trước tâm lý cho trẻ. Ví dụ như: "Mẹ cần tập trung hoàn thành bài viết, chờ mẹ khoảng 1 giờ, sau đó mẹ con mình có thể ra bên ngoài chơi được không?" Đa số những đứa trẻ sẽ vui vẻ gật đầu đồng ý.
Phương Nghi (t/h)