Những câu chuyện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 14-15/4, Tân Hoa xã đã có bài viết về những câu chuyện của ông Tập Cận Bình với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới mối quan hệ truyền thống và cả tương lai.

Khi Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vào tháng 8/2024, ông đã bắt đầu chuyến thăm không phải từ Bắc Kinh, mà là ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Sự sắp xếp đặc biệt này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đó là “điều ý nghĩa”.

Bài viết của Tân Hoa Xã nhắc lại câu chuyện diễn ra cách đây một thế kỷ trước, tại Quảng Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu hoạt động cách mạng của mình ở Trung Quốc, một giai đoạn lịch sử mà ông Tập Cận Bình mô tả là “ký ức đỏ chung” giữa hai đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2024.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2024.

Chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 14-15/4 tới đây sẽ là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình sẽ đến Việt Nam với tư cách là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa. Chuyến thăm trùng với kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên mối quan hệ bền chặt "vừa là đồng chí vừa là anh em".

Đằng sau những ẩn dụ này không chỉ là hình thức ngoại giao. Tổng Bí thư Tập Cận Bình coi tình hữu nghị bền chặt giữa Trung Quốc và Việt Nam là một mục đích sống cần được phát huy. Chuyến thăm sắp tới của ông là thời điểm để lấy cảm hứng từ quá khứ hào hùng để vạch ra lộ trình tương lai cho quan hệ song phương.

Chủ tịch Tập Cận Bình: "Chúng tôi gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ"

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã mang theo một món quà đặc biệt đó là 19 số của báo Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong số các tờ báo này, có 16 bản sao đã ố vàng đăng tin tức về Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Những tờ báo này có viết về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1955. Chúng tôi đã mất khá nhiều công sức để tìm thấy chúng", ông Tập Cận Bình giải thích.

Một số báo đặc biệt nhất, phát hành ngày 26/6/1955, có đăng trên trang nhất bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông và lãnh đạo công cuộc giành độc lập của Việt Nam, đã xây dựng mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt 12 năm hoạt động cách mạng tại Trung Quốc.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như một người anh em với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác", ông Tập Cận Bình viết trong một bài báo đăng trên Báo Nhân Dân trước chuyến thăm năm 2017.

Ông Tập Cận Bình trân trọng những đóng góp không thể phai mờ của những người đi trước trong việc thúc đẩy tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2015, trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em".

Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng chia sẻ sự kính trọng cá nhân của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với thanh niên Việt Nam. "Chúng tôi gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ". Ông lưu ý rằng trong trái tim của mỗi người dân Trung Quốc cùng thế hệ với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhớ đến như người bạn tốt nhất của người dân Trung Quốc.

Trở lại năm 2011, ông Tập Cận Bình khi đó là Phó chủ tịch Trung Quốc, đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhà sàn), trước khi rời đi, ông Tập Cận Bình đã viết: "Tinh thần vĩ đại sẽ được tôn vinh trong nhiều thiên niên kỷ, tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam sẽ tồn tại qua nhiều thời đại".

Sáu năm sau, trong chuyến thăm cấp Nhà nước năm 2017, ông Tập Cận Bình một lần nữa đến thăm nhà sàn. Tại hồ nước trước ngôi nhà gỗ đơn sơ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc, ông Tập Cận Bình đã học cách vỗ tay trước khi cho cá ăn, cùng một cách mà Chủ tịch Hồ Chí Mình từng làm khi sinh thời.

Ở đó, khi nói về quan hệ song phương, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: "Chúng ta nên học hỏi từ Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời duy trì và phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam vì lợi ích của nhân dân cả hai nước".

Tiệc trà

Trong chuyến công du Trung Quốc năm 2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuẩn bị một buổi trà đàm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Việt Nam đã chọn Trung Quốc là điểm công du nước ngoài đầu tiên, chỉ hai tuần sau khi được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Một bài xã luận của Báo Nhân Dân đã nêu bật giá trị mà cả hai nước dành cho tình hữu nghị truyền thống.

Phu nhân Bành Lệ Viên cũng mời Phu nhân Ngô Phương Ly, đến dự một buổi tiệc trà, nơi họ thưởng thức buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, bao gồm cả kinh kịch.

Trong nhiều năm qua, các cuộc tiệc trà đã phát triển thành truyền thống trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam, do văn hóa trà của hai nước tương tự nhau.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng trà đàm (Ảnh: THX)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng trà đàm (Ảnh: THX)

"Không giống như các cuộc gặp chính thức, các cuộc trò chuyện uống trà mang lại hình thức giao tiếp thân mật và cá nhân hơn cho cả hai nhà lãnh đạo", Pan Jin'e, Giám đốc Khoa Phong trào Cộng sản Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, khi đó cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng ông Tập Cận Bình một món quà: Một bức tranh mô tả buổi trà đàm trước đó mà họ đã cùng ngồi ở Bắc Kinh. "Nó có thể không đặc biệt, nhưng giá trị thực sự nằm ở tình hữu nghị anh em được trân trọng", cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Quay trở lại năm 2017, sau một buổi trà đàm ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tặng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một bản sao bài thơ viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Bài thơ nói về hành trình gian khổ nhưng kiên định của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giải phóng đất nước. Ông Tập Cận Bình cũng đã trích dẫn bài thơ này trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam năm 2015 để khuyến khích cả hai bên có tầm nhìn xa cho quan hệ song phương. Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị và con đường phát triển tương tự.

Ông Tập Cận Bình từng nói: "Trung Quốc và Việt Nam đạt được những gì chúng ta có ngày hôm nay là vì chúng ta kiên trì cải cách, mở cửa và đổi mới, và vì chúng ta đã tìm ra con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của chúng ta".

Trong thời đại mới và thách thức này, hai nước láng giềng đã quyết định đặt mục tiêu cao hơn. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, hai nước đã cam kết xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai chung mang ý nghĩa chiến lược. Ông Tập Cận Bình đã nói với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chuyến thăm: "Chúng ta nên cùng nhau bước đi trên con đường này".

Thế hệ trẻ tiên phong

Cũng trong chuyến thăm cấp Nhà nước năm 2023 của ông Tập Cận Bình, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sắp xếp một cuộc gặp đặc biệt tại Hà Nội cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sự kiện này quy tụ đại diện thanh niên của Trung Quốc và Việt Nam, cũng như những các cá nhân đã đóng góp vào việc xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước.

Ông Tập Cận Bình đã khuyến khích những người tham dự, đặc biệt là thanh niên, "đi đầu" trong việc thúc đẩy tình hữu nghị song phương.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân dự buổi gặp mặt thân mật và giao lưu với các nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân dự buổi gặp mặt thân mật và giao lưu với các nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.

Trong sự kiện này, Lê Nguyệt Quỳnh, một sinh viên Việt Nam, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên. Quỳnh hiện là sinh viên năm thứ nhất 19 tuổi chuyên ngành kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông Tập Cận Bình. Cô mô tả ấn tượng của mình về ông Tập Cận Bình: "Ông ấy tốt bụng, cao ráo và nghiêm nghị".

Đại diện cho thanh niên Việt Nam, Quỳnh đã có bài phát biểu tại sự kiện. Một bức ảnh về khoảnh khắc đó hiện đã trở thành ảnh bìa cho trang cá nhân của cô trên WeChat, ứng dụng nhắn tin tất cả trong một phổ biến nhất của Trung Quốc.

"Mỗi lần một người bạn cùng lớp tôi vào WeChat và thấy tôi đã gặp ông Tập Cận Bình, họ đều tò mò về việc chuyện xảy ra như thế nào", Quỳnh nói. "Đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời", cô nói.

Quỳnh, quê Nghệ An, nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt đầu học tiếng Trung khi còn là học sinh trung học cơ sở. Sau khi tình cờ xem được một đoạn video về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến trường cũ, cô đã quyết tâm theo học tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường mơ ước của mình.

Giống như Quỳnh, nhiều sinh viên Việt Nam đã chọn theo đuổi giáo dục đại học ở Trung Quốc. Khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam đã học tập tại Trung Quốc trong năm học 2023-2024. Số lượng sinh viên Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang tăng lên.

Niềm tin của ông Tập Cận Bình rằng tình hữu nghị giữa các quốc gia nằm ở sự gần gũi giữa người dân của họ thực sự gây ấn tượng với Quỳnh. "Bất kể bạn đi đâu, nếu hai người từ hai quốc gia có thể làm bạn với nhau, họ sẽ tự nhiên bắt đầu chia sẻ các yếu tố của nền văn hóa của riêng họ với nhau", cô nói, "và đó là cách tình bạn phát triển và bền vững".

"Và khi nói đến việc duy trì tình hữu nghị giữa hai quốc gia chúng ta", Quỳnh nói, "thật sự chúng tôi, những người trẻ tuổi, phải gánh vác trách nhiệm đó".

Thái An/VOV.VN Theo Tân Hoa xã

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-cau-chuyen-cua-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-voi-viet-nam-post1191460.vov