Những câu chuyện dân gian về cọp ở Tiền Giang

Qua những câu chuyện kể, truyền thuyết, các giai thoại, tên địa danh, ca dao, dân ca mà các tài liệu địa chí đã ghi nhận được từ xa xưa truyền lại đã giúp ta hình dung khung cảnh thiên nhiên ở vùng đất Nam bộ buổi đầu khai phá đầy vẻ hoang sơ. Ký ức về cọp của người Việt ở Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này. Từ cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất, với hành trang thô sơ, vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm, sông sâu, thú dữ như thử thách người mới đến.

CỌP Ở CÙ LAO ÔNG MỐI

Sau khi Pháp đánh tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) vài năm, ở miệt gần biển, hướng Đông chừng hơn 20 cây số có cù lao Ông Mối. Lúc ấy chưa lập làng, đất giữa cù lao hơi cao nên người dân tứ xứ đến cất mới vài chục cái nhà. Mỗi con nước mỗi lần ngập nhà, đường cắt mà đi không ai tu bổ gì. Thời ấy, dân số ít nên cây cỏ hoang vu sầm uất. Đầu trên và dưới cù lao cây cỏ như rừng, dân cư chỉ chọn đất gần nhà để làm ruộng. Cù lao ấy còn hoang rậm nên có lắm thú rừng chồn, khỉ, heo rừng, cọp…; dưới sông sấu, tôm cá nhiều vô kể.

Cọp trong dân gian được nhiều nơi gọi là ông “Cả Cọp”.

Cọp trong dân gian được nhiều nơi gọi là ông “Cả Cọp”.

Tại đó, có người anh là Học, em ruột là Hưỡn đều giỏi võ, được người dân trong xóm rất tin cậy. Một ngày, người dân khi đi ngang khu đất cỏ mọc um tùm, bất chợt thấy con cọp trong lùm cỏ dòm ra, liền chạy và kêu: “Cọp về! Cọp về!...”. Lúc đó, Học đi làm lá bên cồn Tàu, không có nhà. Còn Hưỡn, đang xay lúa với vợ, nghe vậy bèn xách roi chạy tới. Nhìn thấy cọp, Hưỡn dè dặt, cầm roi quất rột rẹt vòng vòng. Cọp gầm lên, lao tới Hưỡn. Cọp bị Hưỡn đâm trúng nhiều lần nhưng chưa thấm đòn.

Về đến nhà, Học nghe tin, liền xách roi đi tiếp sức em trai. Cọp uốn mình quá lẹ, chỉ thấy như cái bóng mờ. Định nhãn xem thấy cọp giãy giụa, thừa lúc cọp gầm, Học đâm roi vô miệng cọp và kìm cây roi khi cọp giãy chết. Kế bên cọp, Hưỡn nằm lăn lộn sắp tắt thở, vì bị cọp vồ tách hàm hạ và đứt gần nửa cổ.

Học và chòm xóm chở xác Hưỡn và thây cọp lên Mỹ Tho báo cho quan tỉnh sự việc. Theo lệ, quan tỉnh thưởng cho Học 30 đồng và cấp cho Hưỡn cái hòm.

ÔNG MÓM Ở TRUÔNG CÓC

Truông Cóc thuở xưa là con đường mòn xuyên qua rừng cây cóc và chà là ở Gò Công. Khu rừng này khá rộng, phía Tây giáp rạch Lá, phía Đông nối liền Mỹ Xuyên chạy dài tới Tân Niên Trung, phía Nam từ Cả Nhơn đến giáp Bình Xuân. Trong rừng có nhiều rạch nhỏ thông ra sông Tra. Lòng rạch sâu, kín đáo, là nơi sinh sống của nhiều cá sấu. Giữa rừng, trên những gò nổi cao ráo, cọp, báo, heo rừng, nai… tùy địa thế mà mỗi loại chiếm cứ làm sào huyệt riêng.

Hôm nọ, đang làm việc thì thình lình có 2 con cọp trong rừng rón rén đi ra, nhằm phía sau lưng ông Móm đang đốn củi tiến đến. Một người trong bọn thấy cọp liền la lên: Cọp! Cọp! Trong nháy mắt, con cọp đi đầu nhảy lên đầu ông Móm đè ông xuống đất. Nhưng ngay khi đó, ông Móm cong tay lên gạt mạnh vào cổ cọp, rồi lách mình qua một bên, co chân thúc một gối vào hông cọp. Cọp liểng xiểng. Thấy vậy, con cọp ở phía sau tấn công ông. Ông bước chân bỏ bộ né. Cọp lỡ đà té xuống đất.

Sẵn trớn ông đấm vào vai và đạp vào be sườn cọp, rồi thụt lùi, nhặt cái rìu lên, tháo bỏ phần lưỡi, cầm cán rìu đứng thủ thế. 2 con cọp đang hăng máu liền nhảy vào tấn công ông một lượt. Ông huơ rìu lúc bên này, lúc bên kia, nện vào đầu, vào lưng cọp hết đòn này đến đòn khác. Chúng bị thương, nhảy lùi ra xa, rồi tháo chạy vào rừng. Vốn là người có nhiều kinh nghiệm, ông Móm bảo: Lũ cọp này hay thù oán lắm. Bị đánh đau mà chưa chết là tìm cách trả thù. Kỳ sau, tôi đem theo đoản côn thì chúng sẽ biết tay.

Lần thứ hai, ông Móm vào rừng đốn củi, thấy bóng cọp từ nhiều phía trong rừng sâu đi ra, tiến đến ông. Ông bảo người bạn tránh ra ngoài truông, còn ông cầm lấy đoản côn thủ thế đứng chờ. Trong bầy có một con lớn nhất dẫn đầu và đám cọp sắp hàng ngang dồn mắt vào ông xông tới. Con cọp đầu đàn giương vuốt vồ vào cổ ông. Nhanh như chớp, ông sụp chân xuống tấn, chống đoản côn chĩa nghịch vào hàm cọp làm nó dội ngược mất trớn, khập khễnh tháo lui, liền bị đòn côn của ông bồi liên tiếp vào chân khiến không sao đứng được. Ba con cọp kia liền áp lại vây quanh ông tấn công.

Ông Móm vẫn bình tĩnh múa côn đánh bên tả, đập bên hữu, lúc tiến, lúc thoái, giáng những đòn côn điêu luyện, mạnh mẽ vào lũ cọp, khiến chúng không sao xáp lại gần ông được, đành đứng ngó lườm lườm đối thủ và gầm rú coi bộ giận dữ, lát sau rút hết vào rừng. Từ đó về sau không còn thấy bóng cọp ẩn nấp nơi truông phá hại như trước. Do vậy, người tứ phương đến ở đông đúc dần, làng xóm được hình thành từ đó.

GIẾT CỌP Ở GIỒNG GĂNG

Thuở xưa, giồng Găng là một giồng đất mọc toàn cây găng, nằm trong rừng Các, nay còn dấu tích ở xóm Giồng Ông Nguyên, xã Tân Tây, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, một số người đến phá rừng khẩn ruộng, lập nên xóm ấp ở giồng đất này, nhưng chẳng ai dám ra khỏi nhà sớm vì sợ thú dữ. Tại đây, có hai cậu cháu ông Tám Nghề và ông Hai Sến cùng khai phá chung một sở rừng, tiếp giáp với những sở rừng khác của những người trong xóm, để khi gặp thú dữ tiện việc tiếp cứu cho nhau. Một hôm, hai cậu cháu đang đốn củi, thình lình có một con cọp nấp trong bụi rậm nhảy ra vồ Hai Sến. Thấy vậy ông Tám Nghề xách rựa chạy đến giải cứu, chém một nhát rựa vào lưng cọp. Cọp buông Hai Sến ra, quay lại tấn công ông Tám Nghề. Hai Sến vội ngồi dậy, xách rựa bổ vào đùi sau của cọp.

Tiếp đó, ông Tám Nghề đứng dậy, bồi thêm mấy nhát rựa cọp mới chết. Những người đốn củi trong rừng nghe tiếng động đã vội chạy đến, người lo đưa Hai Sến bị thương nặng về nhà lo trị vết thương, người phụ lo khiêng cọp về xóm. Ít lâu sau, vết thương lành, còn để lại nơi trán ông Hai Sến một cái thẹo lớn. Lúc về già, ông Hai Sến thường dạy bảo con cháu và trai trẻ trong xóm rằng: Đừng sợ sệt khi gặp cọp, phải bình tĩnh để tiếp ứng nhau. Nếu lâm nạn mà hốt hoảng là tự mình nộp thịt cho cọp.

ÔNG CỌP CẢ MỸ ĐIỀN

Vùng đất này xưa là rừng rậm, có nhiều thú rừng. Cuối thế kỷ XVIII, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, nhà Tây Sơn huy động dân đào kinh Bà Bèo và tạo điều kiện cho dân đến khai hoang lập nghiệp. Làng Mỹ Điền (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) ra đời sau đó vài năm.

Từ lúc thành lập, làng Mỹ Điền có tục chỉ cử đến chức Trùm chủ (Hương chủ). Còn chức Trùm cả (Hương cả) thì nhường cho “chúa sơn lâm”, tục gọi là ông “Cả Cọp”. Chưa ai bạo gan nhận chức vụ đó, vì nếu ai nhận thì trước sau cũng bị cọp vồ chết. Dân làng Mỹ Điền có lập ngôi miếu thờ “Ông Cả” làng mình. Đầu mỗi nhiệm kỳ, hương chức phải làm lễ dâng lên “Ông Cả” một tờ cử hương chức, mỗi lệ Kỳ yên phải kiếng “Ông Cả” một bộ “thủ vĩ”…

Một hôm, có một con cọp lạ về bắt gia súc, thậm chí cả những người đi lẻ tẻ. Dân làng kinh hoàng, tổ chức nhiều nhóm tráng đinh trang bị gậy gộc phòng vệ cẩn mật. Có người đến miếu “Ông Cả” van vái cầu cứu. Đêm hôm đó, nhiều viên chức Mỹ Điền thấy một người tuổi trạc ngũ tuần, hình vóc phương phi, mặc áo quần vằn vện về bảo phải chuẩn bị thêm giáo mác để phụ đánh con ác thú đó.

Hôm sau, con cọp dữ nọ lại về. Dân làng hay tin nổi mõ bảo động inh ỏi. Con cọp hoảng hồn chưa biết chạy đường nào, thì có một con cọp khác chạy ra chặn đường, lao vào chiến đấu với con cọp kia. Hai bên giống nhau, dân làng không thể phân biệt được, nhưng có một con hay cúi đầu. Dân làng nhớ lời thần nhân báo mộng, dụ đẩy con cọp kia sa hầm, đâm chết.

Đến khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở hương thôn này, mới có người dám nhận chức Hương cả. Tuy tục lệ có đổi thay, nhưng dân làng vẫn nhớ ơn ông “Cả Cọp”, đã giữ gìn và tôn tạo ngôi miếu, hằng năm cúng kiếng ông “Cả Cọp” theo lệ cũ.

LINH THỦY (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202201/nhung-cau-chuyen-dan-gian-ve-cop-o-tien-giang-943387/