Những câu chuyện đằng sau lớp hóa trang
Một giờ trước khi chuẩn bị ra sân khấu biểu diễn, nghệ sĩ trang điểm rất kỹ, nghiêng trái, nghiêng phải, rồi ngắm mình trong gương. Họ soi gương không phải để thấy mình đẹp mà để tạm biệt chính mình, nhường chỗ cho một nhân vật khác - một số phận, một mảnh đời khác...
Hóa trang cũng là niềm say mê
“Một nét vẽ mi mắt có thể là giọt lệ chưa kịp rơi. Một đường son đỏ có thể là nỗi đau chưa nói thành lời. Trước giờ biểu diễn, người nghệ sĩ tỉ mỉ, chau chuốt từng viền môi, má hồng, lông mày…không đơn giản là làm đẹp, mà đắp lên gương mặt mình những mảnh đời khác, một đời sống khác trên sân khấu” – diễn viên Trúc Quỳnh – Nhà hát cải lương Hà Nội chia sẻ.

Cởi bỏ lớp hóa trang vai Hoàng hậu, nghệ sĩ Thúy Quỳnh vào vai bà mối trong trích đoạn “Kiều bán mình chuộc cha”.
Những ngày cuối tuần, nghệ sĩ Trúc Quỳnh và các nghệ sĩ của Nhà hát bận rộn hơn vì vừa biểu diễn, vừa hóa thân vào các nhân vật trong show “Chạm”. “Chạm” là một không gian sắp đặt - nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật cải lương. Đây không chỉ là nơi trưng bày, mà kể về nguồn cội của nghệ thuật cải lương, những câu chuyện sau tấm màn nhung, về chuyện đời, chuyện nghề của người nghệ sĩ. Chuyện về những nghệ nhân làm đạo cụ, cảnh trí, phục vụ cho nghệ thuật sân khấu...
Trong không gian của “Chạm”, nghệ sĩ Thúy Quỳnh vào vai Hoàng hậu, lộng lẫy, đài các. Nhiều vị khách nước ngoài ghé thăm không gian của “Chạm” cứ ngắm mãi, rồi chụp ảnh lưu niệm cùng “Hoàng hậu”. Họ rất thích thú khi được chạm vào những giá trị truyền thống của cải lương, những nhân vật kinh điển trong các vở diễn...
“Hết vai hoàng hậu, lát lên sân khấu tôi lại vào vai bà mối trong trích đoạn “Kiều bán mình chuộc cha”. Lúc đó, sẽ không còn là một “Hoàng hậu” lộng lẫy, kiêu sa mà là mụ Mối điêu ngoa, xảo quyệt. Việc tự mình hóa trang là một yêu cầu nghề nghiệp, nhưng cũng là niềm say mê của người nghệ sĩ. Mỗi vai diễn tôi được vẽ lên một gương mặt, một cuộc đời khác trên sân khấu” – Thúy Quỳnh chia sẻ.
Ở phòng hóa trang, nhanh chóng bỏ đi lớp hóa trang với đường mày cong vút, nét môi đỏ mềm mại, kiểu tóc vấn đài các, Thúy Quỳnh kẻ xếch đường mày, tô viền môi dày hơn, điểm nhanh một nốt ruồi bên má phải... cô nhanh chóng hóa thân thành một bà mối nhanh điêu ngoa, xảo quyệt.
“Đó không phải là hóa trang – đó là hóa thân. Từng đường nét trên gương mặt phải làm thế nào cho ra nhân vật. Cánh màn nhung dẫu có khép lại, nhưng nhân vật ấy, gương mặt ấy với những biểu cảm, chiều sâu nội tâm sẽ khiến khán giả nhớ mãi” – Thúy Quỳnh chia sẻ.

Nghệ sĩ Phạm Quang Thuyết trong vai ông vua hiền lành, nhân hậu.
Cũng giống như Thúy Quỳnh, nghệ sĩ Phạm Quang Thuyết vừa “thoát vai” một ông Vua hiền từ, nhân hậu trong “Chạm” để vào vai Mã Giám Sinh, “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao". Với anh, hai vai diễn, hai cuộc đời, hai số phận hoàn toàn khác nhau, cái khó của người nghệ sĩ làm sao lột tả cho chân thực, để chạm được vào cảm xúc của khán giả.
“Ở sân khấu cải lương, mỗi nghệ sĩ thường phải tự hóa trang. Nhưng tự làm cũng có nhiều lợi thế bởi chúng tôi hiểu được đời sống nhân vật để vẽ lên họ trên sân khấu. Ví như gương mặt của một ông vua hiền từ mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm; còn với kẻ buôn người Mã Giám Sinh thì hóa trang thế nào phải cho ra nét đểu giả, lọc lừa, khán giả nhìn vào là thấy ghét rồi” – nghệ sĩ Phạm Quang Thuyết chia sẻ.
Theo nghệ sĩ Phạm Quang Thuyết, người ta thường nhớ những vai chính diện vì họ đẹp, họ thiện lương, nhưng không mấy hiểu rằng chính vai phản diện mới là linh hồn của một vở diễn. Vào vai một kẻ ác, không chỉ trong lớp hóa trang tài tình, mà còn phải diễn ra được cái tàn độc, cái mưu mô, nét đểu giả ẩn sau gương mặt đó.
Trong hàng ghế khán giả mỗi buổi biểu diễn trong chuỗi chương trình "Cải lương - Tinh hoa nghệ thuật Việt" tại Rạp Chuông Vàng (Hàng Bạc, Hà Nội), người ta luôn thấy ông Phạm Chỉnh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội ngồi dưới. Ông vừa xem các diễn viên biểu diễn, vừa lắng nghe cảm xúc của khán giả.
“Hôm nay là một ngày bận rộn của các nghệ sĩ. Không chỉ nghệ sĩ Thúy Quỳnh, Quang Thuyết đâu mà ở Nhà hát ai cũng năng động như thế, vai diễn nào nghệ sĩ cũng thể hiện hết mình, họ hóa thân vào từng mảnh đời, từng số phận rất hoàn hảo” – ông Chỉnh chia sẻ.
Khi mỗi nghệ sĩ ngồi trước gương hóa trang, họ luôn cố gắng để vẽ nên được diện mạo của mỗi nhân vật, không phân biệt chính diện hay phản diện. Cái thành công sau hóa trang là người ta không nhìn ra gương mặt nghệ sĩ, mà là gương mặt của nhân vật.
“Việc trang điểm của nghệ sĩ trong sân khấu truyền thống từ xưa đã được quy định rất chặt chẽ, được định hình thành quy chuẩn nghiêm ngặt. Những người nghệ sĩ chúng tôi vừa tiếp nối, vừa phát triển và sáng tạo thêm cho phù hợp với sân khấu hôm nay” – nghệ sĩ Quang Thuyết chia sẻ.
Là người yêu nghệ thuật cải lương, thời gian qua Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội luôn tìm mọi cách để rạp Chuông Vàng liên tục sáng đèn, để nghệ sĩ sống được và nuôi dưỡng cảm xúc, đam mê với nghệ thuật cải lương truyền thống. Bắt đầu từ cuối năm 2024, Nhà hát đã cho ra đời chuỗi chương trình "Cải lương - Tinh hoa nghệ thuật Việt" tại Rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc.
“Tới đây, khán giả không chỉ được đắm mình trong những vở diễn kinh điển, mà còn có cơ hội khám phá không gian của nghệ thuật cải lương một cách chân thực và sống động” – ông Chỉnh chia sẻ.
Hiệu ứng của chuỗi chương trình này rất tốt, khán giả rất tâm đắc. “Nhưng điều mừng nhất của Nhà hát chính là anh em nghệ sĩ rất hào hứng, phấn khởi. Mỗi buổi biểu diễn thường có vài chục khán giả. Nhưng dẫu chỉ có vài người xem thì cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nghệ sĩ. Họ vẫn diễn, vẫn cháy hết mình trên sân khấu” – ông Chỉnh chia sẻ thêm, có thể phần kinh tế mang lại chưa nhiều nhưng tinh thần anh em phấn khởi lắm, bởi nghệ thuật cải lương truyền thống ngày càng chạm gần hơn với nhiều khán giả, nhất là với các bạn trẻ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-cau-chuyen-dang-sau-lop-hoa-trang-10305993.html