Những câu chuyện đau lòng vì mâu thuẫn giữa chị chồng và em dâu
Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Thị Ngọ (SN 1954, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội 'Giết người'. Ở cái tuổi thấp thập cổ lai hi, người phụ nữ này cay đắng nhận 18 năm tù âu cũng bởi mâu thuẫn giữa chị chồng và em dâu.
18 năm tù bởi mâu thuẫn giữa chị chồng và em dâu
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Ngọ không chồng, không con, ở chung nhà với vợ chồng em trai là ông V.D.P. và bà Đ.T.H. (số nhà 01D, ngõ 116 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Trong cuộc sống, giữa bị cáo Ngọ và bà H. phát sinh mâu thuẫn chị chồng và em dâu nho nhỏ nhưng kéo dài.
Khoảng 15h ngày 25/3/2023, khi bị cáo Ngọ gặp bà H. ở tầng 3 ngôi nhà thì bị bà H. chửi. Do bực tức nên bị cáo Ngọ đã lấy một đoạn gỗ vụt nhiều phát vào vùng đầu và mặt bà H. gây thương tích nặng. Bà H. tử vong sau đó.
Tại phiên tòa, bị cáo Ngọ thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo cũng như áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Ngọ mức án 18 năm tù.
Cũng bởi mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, trước đó, tháng một phụ nữ ở Biên Hòa đã đổ xăng thiêu chết em chồng.
Giữa tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt bị cáo Trần Thiên Nga (SN 1968, ngụ phường An Bình, TP Biên Hòa) 18 năm tù về tội "Giết người".
Theo cáo trạng, gia đình bị cáo Nga và bà T.P.Đ. (SN 1960) em chồng của bị cáo Nga cùng sống chung trong căn nhà tại khu phố 1 (phường An Bình). Giữa vợ chồng của Nga và bà Đ. đã xảy ra tranh chấp tài sản thừa kế là căn nhà của cha mẹ để lại.
Vụ tranh chấp đã được tòa xét xử cho bà Đang được thừa kế căn nhà đang ở. Do đó, bà Đang đã buộc vợ chồng N. dời đi chỗ khác dẫn đến hai bên mâu thuẫn gay gắt. Vì vậy N. nảy sinh ý định giết bà Đang.
Vào ngày 16/7/2022 khi thấy bà Đang đang giặt đồ trong nhà tắm, N. đổ xăng lên người bà Đang và bật lửa đốt khiến nạn nhân tử vong sau hai ngày cấp cứu tại bệnh viện.
Cần xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân bản đích thực
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 40.700 vụ phạm tội về trật tự xã hội, hơn 1.000 người chết, 9.000 người bị thương, thiệt hại 2.300 tỷ đồng. Trong đó, tội phạm giết người tăng 13%; số vụ giết người thân tăng gần 5%.
Như vậy, nổi lên là tình trạng các thành viên trong gia đình giết hại lẫn nhau, con giết cha mẹ, anh chị em sát hại lẫn nhau... Phần nhiều những vụ án này có nguyên nhân do tranh chấp đất đai, mâu thuẫn thù tức kéo dài không được giải quyết.
Người tử vong, người đi tù… Những thảm kịch từ những mâu thuẫn lớn, nhỏ, những tranh chấp quyền lợi khiến người ta quên đi tình thân, nghĩa ra đình mà ra tay hạ sát lẫn nhau. Dĩ nhiên, trong các vụ án ấy không ai được mà tất cả đều khốn khổ với những vết thương. Chồng mất vợ, con mồ côi mẹ, anh/chị mất em, bố mẹ mất con… nỗi đau ấy đâu chỉ tính đúng sai…
Các vụ án ấy để lại nhiều bài học đau xót về cách đối nhân, xử thế cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân trong gia đình.
Đánh giá về các mâu thuẫn dạng này, theo các chuyên gia tâm lý cũng như phân tích dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu về tội phạm, phần lớn những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình đều có tính chất bột phát, thủ phạm gây án trong trạng thái tâm lý bị kích động mạnh dẫn đến không làm chủ được hành vi của bản thân.
Đồng thời, do sự lệch lạc về nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm, hậu quả của những vụ việc mâu thuẫn gia đình thường rất lớn, là do những xung đột bị tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện sẽ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Công ty TNHH Luật H – Trung Lương, trước đây các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình thường xảy ra ở các huyện miền núi, nơi có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống do nhận thức pháp luật thấp. Tuy nhiên, gần đây nhiều vụ việc xảy ra ngay cả với những gia đình có nhận thức, thậm chí là cán bộ công nhân viên chức, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình.
Nhiều người đổ lỗi bởi hoàn cảnh. Hoàn cảnh càng khó khăn khiến con người càng bức bối và có thể hành xử bất thường, cực đoan. Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, cũng không thể đổ thừa tất cả cho ngoại cảnh. Theo đó, trong tất cả các vụ án nêu trên, cũng như nhiều vụ án khác, nền tảng của gia đình và xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng.
Để hạn chế tình trạng này, cũng theo ông, cần có sự đột phá trong công tác tuyên truyền, và cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương sở tại.
“Từ trước đến nay, nhiệm vụ này đang được mặc định là của ngành công an và các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn, quan trọng là giải quyết cái gốc, tức là hóa giải những mâu thuẫn thì chưa làm được” – luật sư Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, thực tế hiện nay, nhiều sự vụ mâu thuẫn giữa chị dâu em chồng hoặc các thành viên trong gia đình xảy ra mâu thuẫn, thường chính quyền và đoàn thể sẽ đứng ngoài cuộc. Họ sẽ mặc nhiên coi đó là chuyện riêng của mỗi nhà, đến khi sự việc nghiêm trọng xảy ra thì lực lượng công an phải giải quyết. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch gia đình đâu đó vẫn thường xuyên xảy ra” – ông cho biết.
Đồng thời, sự thiếu hiểu biết pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm giết người gia tăng, đặc biệt là những vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn giữa những người thân, nội tộc trong gia đình.
“Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, ngoài sự tham gia vào cuộc của mọi thành phần, mọi tổ chức xã hội, thì việc xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân văn phải được đặt lên hàng đầu!” – theo luật sư Hùng.