Những câu chuyện đẹp giữa mùa dịch
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, người dân ở nhiều nơi trong tỉnh đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần lan tỏa trong cộng đồng để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Cả nhà tham gia ủng hộ
Khi thấy tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (45 tuổi) ở khu 6, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã cùng với hai con là Hoàng Đức Vinh (18 tuổi) và Hoàng Minh Hiển (11 tuổi) làm 35 kg ruốc nấm trao cho Tỉnh đoàn để tặng cho người dân ở một số khu vực cách ly y tế. Ngoài ra, hai con của chị Yến còn đập lợn tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng. Với số tiền này, 3 mẹ con chị đã dành mua gạo và thực phẩm chay trao tặng cho hơn chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở cùng khu. "Thông qua những việc làm ấy, tôi muốn các con hiểu hơn về sự yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Các con rất hào hứng vì đã trao đi những món quà ý nghĩa", chị Yến bày tỏ.
Câu chuyện góp công, góp sức của gia đình chị Lê Thị Hợp (46 tuổi) ở khu 1, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) gây nhiều xúc động. Bố chồng chị Hợp mắc bệnh hiểm nghèo, nằm một chỗ nhiều năm nay, chồng chị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, tháng nào anh cũng phải đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để truyền máu. Chị Hợp là lao động chính trong gia đình. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị rất muốn làm việc gì đó chung tay, góp sức chống dịch. Với hơn 30 năm làm nghề đan móc, chị Hợp quyết định móc những chiếc “tai giả” bằng len sợi để giúp những người làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch bệnh không bị đau tai sau nhiều giờ đeo khẩu trang. Tranh thủ thời gian, đôi tay chị Hợp móc len thoăn thoắt, mẹ chồng và chồng chị đơm cúc, tỉ mỉ vuốt thẳng những sợi len. Mỗi người một việc, cứ khoảng 10 phút, một chiếc “tai giả” lại được hoàn thiện. Ai cũng cảm thấy vui vì đã góp một phần nhỏ bé cho công tác chống dịch. Đến nay, chị Hợp cùng các thành viên trong gia đình đã làm và trao tặng hơn 200 chiếc “tai giả”. Chị cho biết sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi nào các chốt kiểm dịch còn hoạt động.
Không chỉ làm “tai giả”, chị Hợp và con trai là cháu Bùi Hùng Cường (16 tuổi) còn xung phong làm nhiệm vụ trực ở chốt kiểm soát dịch. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Hợp đã ủng hộ 6 thùng nước uống cho một số chốt. Bà Phạm Lệ Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 1 cho biết: “Chị Hợp là hội viên tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ. Những đóng góp của gia đình chị rất đáng trân trọng và đã trở thành câu chuyện xúc động, nhân lên những hành động đẹp, làm cho phong trào ủng hộ chống dịch Covid-19 lan tỏa trong cộng đồng”.
Cho đi, không mong nhận lại
Ngay từ khi còn nhỏ, cháu Nguyễn Nhật Mai (8 tuổi) ở thị trấn Tứ Kỳ đã sớm bộc lộ khả năng vẽ tranh nên gia đình đã cho cháu học lớp năng khiếu vẽ. Khi dịch bệnh bùng phát, chị Nguyễn Thị Phương Thủy, mẹ của cháu Mai đã gợi ý cho con vẽ tranh bán với mục đích dành tiền ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời để con rèn luyện bản thân. Chị Thủy đã giúp con đăng tải những bức tranh lên mạng xã hội Facebook. Những bức tranh thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Mới đầu, “đơn” đặt hàng chủ yếu là người quen, bạn bè của gia đình chị Thủy. Dần dần, đã có những khách hàng ở xa như Hà Nội, Phú Thọ, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... đặt tranh. Trong khoảng 10ngày, cháu Mai đã vẽ được gần 20 bức tranh, mỗi bức tranh bán được từ 150.000 - 200.000 đồng. Sau khi trích lại số tiền mua dụng cụ, màu vẽ, cháu đã dành toàn bộ số tiền còn lại khoảng 1 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch của huyện Tứ Kỳ. Hiện tại, dù phải chuẩn bị cho năm học mới và phụ mẹ trông em chưa đầy 2 tuổi, nhưng mỗi ngày Mai vẫn say sưa vẽ từ 1-2 bức theo ý tưởng, đơn của khách hàng để tiếp tục dành tiền ủng hộ cho đợt tiếp theo.
Vài ngày gần đây, câu chuyện về một chàng trai quê ở tỉnh Hòa Bình xa xôi xung phong tình nguyện trực chốt ở TP Hải Dương được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook đã gây ấn tượng với nhiều người. Chàng trai ấy là Bùi Văn Dũng (22 tuổi). Anh tham gia trực chốt và làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho những người di chuyển qua chốt trên đường Nguyễn Lương Bằng. Được biết, anh Dũng làm phụ bếp cho một nhà hàng ở TP Hải Dương khoảng 3 năm nay. Đợt dịch này, các nhà hàng phải tạm dừng hoạt động, nhưng anh không về quê, cũng không dành thời gian nghỉ ngơi mà quyết định tham gia tình nguyện trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Khi được hỏi tại sao lại quyết định tham gia công việc vất vả này, Dũng vui vẻ: “Tuổi trẻ mà chị! Em coi Hải Dương là quê hương thứ hai của mình. Em đã từng tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa của Hội Tình nguyện đồng hương Hòa Bình nên rất muốn được đem sức trẻ của mình góp một phần nhỏ cho công tác phòng chống dịch".
Còn nhiều trường hợp như gia đình chị Yến, chị Hợp, cháu Mai, anh Dũng... trong mùa dịch Covid-19. Những câu chuyện mà họ viết nên mang đầy tính nhân văn, được lan tỏa đến cộng đồng. Có thể mỗi người có sự sẻ chia, tham gia góp sức khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mong muốn sớm đến ngày dịch bệnh kết thúc để cuộc sống trở về những tháng ngày bình yên.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/viec-tu-te/nhung-cau-chuyen-dep-giua-mua-dich-145490