Những câu chuyện làm nên vị thế Bình Dương
Trong quá trình phát triển, tại Bình Dương có nhiều câu chuyện thể hiện cách nghĩ, cách làm mang tính sáng tạo 'đi trước mở đường', được người dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, các tỉnh, thành trong nước áp dụng nhân rộng. Những câu chuyện thực tế diễn ra trên địa bàn tỉnh đã góp phần minh họa cho mô hình phát triển tổng quát của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước...
Sau khi chia tách tỉnh Sông Bé, thành lập tỉnh Bình Dương, Quốc lộ 13 có chiều dài đi qua địa bàn tỉnh là 68,5km, điểm đầu từ cầu Vĩnh Bình, tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, điểm cuối là cầu Tham Rớt, giáp với tỉnh Bình Phước. Hầu hết tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 5 - 7m, chỉ đủ rộng cho 2 làn xe ngược chiều, nhiều đoạn bị hư hỏng, khó khăn cho đi lại, có thể gây e ngại cho nhà đầu tư dù địa phương đã “trải chiếu hoa, thảm đỏ” mời gọi.
Điều đáng lưu ý là theo quy định, Quốc lộ 13 thuộc quyền quản lý của Trung ương, chịu sự kiểm tra, kiểm soát, đầu tư duy tu, bảo dưỡng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương hạn hẹp, nên đến năm 1997 vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào của Bộ GTVT để nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13. Trong khi đó, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa địa phương cùng với sự thôi thúc của các vận hội mới đã không cho phép tỉnh Bình Dương ngồi yên chờ đợi. Hành động đầu tiên của lãnh đạo tỉnh Bình Dương là vận động thuyết phục Bộ GTVT và mạnh dạn xin phép Chính phủ cho Bình Dương được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng cả Bộ GTVT và Chính phủ đã đồng ý cho phép Bình Dương thực hiện Q uốc lộ 13.
Năm 1998, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV - Becamex IDC (nay là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP) thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Thực hiện chủ trương nói trên, Tổng Công ty Becamex IDC đã tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ năm 1998 đến năm 2008, gồm nhiều dự án thành phần. Đến năm 2008, Quốc lộ 13 đã được nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh. Suốt 68,5km từ cầu Vĩnh Bình đến cầu Tham Rớt là một đại lộ 6 làn xe bê tông nhựa nóng kiên cố, khang trang và hiện đại.
Con đường hoàn thành nhanh chóng được nhân dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biểu dương như một công trình giao thông tiêu biểu về chất lượng xây dựng cao, phương thức thi công nhanh gọn, không gây phiền hà người dân và phương thức quản lý, khai thác giao thông tiện ích. Cũng trong quá trình đó, nhiều tuyến đường nhánh nối liền Quốc lộ 13 vào các vùng hai bên đã hình thành, kéo theo đó là sự ra đời hàng loạt các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 thành Đại lộ Bình Dương là câu chuyện có thật, được nhân dân trong tỉnh khen ngợi, góp phần hình thành tư duy “giao thông đi trước mở đường” mà nhiều tỉnh, thành đã áp dụng.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI: KHU CHẾ XUẤT HAY KHU CÔNG NGHIỆP?
Để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước, ngay từ đầu, Bình Dương đã từ chối mô hình khu chế xuất (của các bộ, ngành Trung ương đưa ra vốn có nhiều quy định rối rắm) và đã chủ động báo cáo Trung ương xin phép thực hiện mô hình khu công nghiệp (KCN). Lịch sử đã chứng minh, chủ trương này là đúng đắn vì phù hợp với các điều kiện cả chủ quan và khách quan của địa phương lúc bấy giờ.
Chọn mô hình KCN, Bình Dương đã thu hút được cả doanh nghiệp vốn nước ngoài và vốn trong nước, sản xuất hàng cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; không bị biệt lập về thuế quan, ít khó khăn phức tạp trong các quy định thủ tục về đăng ký đầu tư, quy hoạch, tăng vốn mở rộng sản xuất. Sự chọn lựa trên của lãnh đạo tỉnh đáp ứng các nhu cầu thực tế về phát triển công nghiệp của địa phương. KCN hình thành đã phát huy mạnh mẽ chủ trương “trải chiếu hoa, thảm đỏ” của địa phương.
Mô hình KCN sau này đã được hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục lựa chọn sử dụng.
CÂU CHUYỆN THỨ BA: MÔ HÌNH VSIP
Để thành lập KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), một KCN kiểu mẫu về mọi mặt theo thỏa thuận và bảo trợ của hai Chính phủ Việt Nam và Singapore, Bình Dương lựa chọn Tổng Công ty sản xuất và thương mại Becamex IDC làm đơn vị đại diện phía Việt Nam liên doanh với Tập đoàn Sembcorp Development Ltd. của Singapore (và một số đơn vị khác). Từ một VSIP ban đầu, liên doanh này hoạt động ngày càng hiệu quả và lần lượt cho ra đời VSIP 2 và VSIP 3. Không dừng lại ở đó, liên doanh còn mở thêm các VSIP khác ở Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ngãi...
Ngoài các thành tựu chung của liên doanh VSIP, Becamex IDC cũng đã hình thành một loạt các KCN nổi tiếng và làm ăn hiệu quả là Mỹ Phước 1, 2, 3; Bàu Bàng, Thới Hòa… Hầu hết các KCN trực thuộc Becamex IDC đều có diện tích lớn, ngành nghề được thu hút khá hiện đại, công nghệ kỹ thuật cao, ít ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhà nước vẫn là thành phần kinh tế giữ vai trò nòng cốt và chi phối trong định hình và phát triển các KCN ở Bình Dương.
Mô hình VSIP đã tạo ra một hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư, phát triển KCN xanh, bền vững khắp các tỉnh, thành trong nước.
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ: BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Cùng với VSIP các KCN khác lần lượt ra đời, có cả vốn Nhà nước, vốn tư nhân. Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã có 28 KCN... Một vấn đề đặt ra là đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý và giúp các KCN vận hành trơn tru những công việc liên quan, trong quan hệ với chính quyền địa phương và các thiết chế Nhà nước khác, cả về đất đai, xây dựng, tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng lao động... Sở Công nghiệp không có chức năng này và cũng khó quản lý xuể. Chính quyền địa phương huyện, thị càng không thể đảm đương...
Sau thời gian quan tâm tìm hiểu, tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý các KCN của tỉnh; chọn một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Mô hình này hoàn toàn chưa có tiền lệ trước đây nên sau thành lập, Ban Quản lý các KCN phải tự xây dựng quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xác định các mối quan hệ làm việc với chủ đầu tư các KCN và cả với các doanh nghiệp trong từng KCN. Dần dần, hoạt động của Ban Quản lý các KCN ngày càng trơn tru, hoàn thiện, có vai trò tích cực trong hoạt động của các KCN trong tỉnh. Về sau, mô hình này được nhân rộng ra các tỉnh, thành.
CÂU CHUYỆN THỨ NĂM: THÀNH PHỐ MỚI BÌNH DƯƠNG
Tháng 6-2009, thành phố mới Bình Dương được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 2273/QĐ-UBND. Ngày 26-4- 2010, tổ chức lễ khởi công. “Thành phố mới Bình Dương” có quy mô 1.000 ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), phường Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp (TP.Tân Uyên) và phường Hòa Lợi (TX. Bến Cát). Tuy không phải là một cấp hành chánh (thành phố như tên gọi hay thành phố trong thành phố) nhưng đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo cột mốc đánh dấu sự chuyển đổi sang chính quyền đô thị của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương bao gồm các hạng mục: Trung tâm chính trị -hành chính tập trung, Khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn Mapletree (Singapore) đầu tư; trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư; trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, văn phòng làm việc loại A, khu nhà ở cao cấp... phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương tọa lạc tại đường Lê Lợi, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, là nơi đầu tiên tập trung các cơ quan, ban ngành. Tòa nhà Trung tâm Hành chính công được khánh thành vào ngày 20-2-2014. Thành phố mới Bình Dương được định hướng là nơi hội tụ, thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các phân khu chức năng, cơ sở hạ tầng, các giải pháp phù hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bình Dương đã tư duy và hành động theo thực tế địa phương khi cho ra đời thành phố mới Bình Dương.
CÂU CHUYỆN THỨ SÁU: TIẾP SỨC CHO CẤP CƠ SỞ QUÁ TẢI
Ngay từ những năm đầu thành lập tỉnh, nhiều phường ở Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một đã có số lượng cư dân sinh sống trên địa bàn đông hơn dân số của một số huyện ở các vùng, miền khác trong nước. Nhiều phường, xã dân số bỗng chốc nhảy vọt từ chưa tới 5.000 lên vài chục ngàn. Sự quá tải đã diễn ra và ngày càng trầm trọng. Bộ máy cán bộ viên chức phường, xã đuối sức.
Quá tải cả trong quản lý hành chính, an ninh trật tự, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khám chữa bệnh… Một mét vuông công viên, vỉa hè công cộng trước đây phục vụ sinh hoạt 1 người thì nay phải chịu đến hơn 10 người; tương tự một giường bệnh trước đây là chuẩn cho 1 người, giờ phải chen nhau hơn 10 người… Cái nghèo, cái khó đã nhân lên thành “nghèo kép”, “khó kép”… Tỉnh một mặt báo cáo đề xuất Trung ương tháo gỡ, một mặt phải tự lo liệu. HĐND tỉnh đã phải mạnh dạn ra nghị quyết “cứu” các cơ sở quá tải xoay sở bằng cách nâng số lượng biên chế và phụ cấp cho nơi quá tải. Các ngành của tỉnh cũng phải tìm mọi cách vận dụng để giảm tải cho phường, xã… Thực tế đòi hỏi cần giải quyết cấp bách trong khi chính sách chung cả nước chưa có. Do vậy, không ít các mô hình sáng tạo, năng động có tính thực tế của Bình Dương đã ra đời như thế.
CÂU CHUYỆN THỨ BẢY: NÂNG MỨC CHUẨN NGHÈO
Bình Dương luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện kết hợp nhiều giải pháp hiệu quả giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (từ năm 1997 đến nay có hơn 46.000 hộ thoát nghèo). Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương.
Bình Dương là một trong các tỉnh, thành sớm nâng mức chuẩn nghèo của địa phương cao hơn so với chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Điều đáng lưu ý là Bình Dương đã 9 lần nâng mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia. Nhờ vậy, các hộ nghèo của tỉnh vẫn có mức thu nhập cao hơn, phù hợp với mức sinh hoạt đô thị ở địa phương. Điều đó làm cho chuẩn nghèo và việc giảm nghèo của tỉnh thực chất và thực tế hơn. Giai đoạn 2011-2013 chuẩn nghèo của tỉnh là nông thôn: 150.000 đồng/người/tháng; thành thị: 180.000 đồng/người/tháng, đầu nhiệm kỳ năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo là 3,5% đến năm 2013 giảm còn 0,9%. Đến giai đoạn 2014-2015, Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo mới nông thôn: 1.000.000 đồng/người/tháng; thành thị: 1.100.000 đồng/người/ tháng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 0,5%. Tất cả chuẩn nghèo trong các giai đoạn này đều cao hơn so với chuẩn nghèo Trung ương đưa ra.
Đến năm 2016, khi đưa vào thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới của tỉnh, có quy định mức thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo và cận nghèo cao hơn mức quy định của Trung ương. Năm 2019, toàn tỉnh còn 3.806 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,31%, trong đó hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 1.893 hộ, chiếm tỷ lệ 0,65%, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.913 hộ, chiếm tỷ lệ 0,66% và số hộ cận nghèo là 2.899 hộ, chiếm tỷ lệ 1%. Đến cuối năm 2020 ước tính số hộ nghèo của tỉnh chỉ còn <1%...
Nâng chuẩn nghèo là cách nghĩ, cách làm của Bình Dương khi tiếp cận đời sống dân nghèo. Nhờ cách nghĩ, cách làm này mà Bình Dương đã vươn lên đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
***
Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện thực tế chứa đựng ý nghĩa như những hình mẫu năng động, sáng tạo, thể hiện đặc trưng luôn mở và chuyển biến trong mô hình phát triển tổng quát của tỉnh Bình Dương. Và, đó cũng là những câu chuyện thể hiện cách nghĩ, cách làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương để kiến tạo xã hội, hình thành cộng đồng dân cư có cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Báo Bình Dương null
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-cau-chuyen-lam-nen-vi-the-binh-duong-post380021.html