Những câu chuyện nhỏ về sinh viên báo chí đi thực tập

Vào quãng thời gian năm thứ 3 và năm thứ 4, sinh viên các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành báo chí, truyền thông sẽ đi kiến tập, thực tập tại các cơ quan báo chí nhằm áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và rèn luyện kỹ năng tác nghiệp. Những năm gần đây, tôi có cơ duyên được hướng dẫn một số sinh viên kiến tập và thực tập. Bài viết này chỉ nhằm mục đích kể lại những mẩu chuyện nhỏ trong quá trình ấy.

Phóng viên thường xuyên tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm như thiên tai, bão lũ... - Ảnh: TRẦN THANH

Phóng viên thường xuyên tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm như thiên tai, bão lũ... - Ảnh: TRẦN THANH

1.Thảo nhà ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị nên vào năm học thứ 4, em đăng ký về Báo Quảng Trị để thực tập. Là đồng hương, gần nhà nên tôi được giao hướng dẫn Thảo trong quá trình thực tập. Ngày đầu gặp mặt, tôi hỏi Thảo có biết sinh viên báo chí đi thực tập sẽ làm gì không thì Thảo... lắc đầu.

Những ngày sau đó, tôi lên kế hoạch viết bài và rủ Thảo đi cùng để có điều kiện nắm bắt, tham khảo quá trình tác nghiệp. Trong một lần đi tác nghiệp ở địa bàn vùng núi, khi tôi cùng đồng nghiệp đang lấy thông tin, chụp ảnh thì Thảo điềm nhiên ngồi trên xe bấm điện thoại. Đồng nghiệp của tôi thắc mắc tại sao sinh viên thực tập nhưng không chủ động học hỏi, trải nghiệm mà lại thụ động ngồi trên xe hí hoáy bấm điện thoại như đi chơi vậy? Tôi chỉ cười.

Trong những chuyến đi cơ sở khác, Thảo vẫn chăm chú bấm điện thoại chứ không tham gia tác nghiệp cùng các anh chị phóng viên, nhà báo để học hỏi, trải nghiệm về nghề báo. Các anh chị đồng nghiệp đã tế nhị góp ý, song Thảo chỉ dạ vâng qua chuyện rồi đâu lại vào đấy.

Những ngày cuối của đợt thực tập, tôi chủ động liên hệ đặt lịch làm việc và thống nhất đề tài với một lãnh đạo xã. Sau đó, tôi nói Thảo về gặp vị lãnh đạo này để lấy thông tin viết bài. Những tưởng mọi chuyện sẽ thuận lợi đối với Thảo thì một tuần sau, vị lãnh đạo xã gọi cho tôi xẵng giọng: “Nhà báo hẹn với tôi, làm tôi bỏ dở công việc, chuẩn bị tài liệu mà đến nay vẫn chưa thấy đâu”. Tôi đành phải cáo lỗi và hẹn ông vào dịp sau.

2. Vì số lượng sinh viên thực tập năm ấy quá đông nên Linh và Vân đăng ký về Báo Quảng Trị để kiến tập. Nhà của 2 em đều ở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nên việc di chuyển ra Quảng Trị, cách khoảng 100 km là một khó khăn không nhỏ. Ngày đầu tiên kiến tập, Linh và Vân đi xe máy từ TP. Huế ra TP. Đông Hà. Sau khi được ban biên tập phân công người phụ trách hướng dẫn, các em lại đi xe máy vào nhà.

“Thời gian kiến tập không phải ngắn, tại sao các em không thuê phòng trọ hay nhà nghỉ để thuận tiện hơn?” - tôi hỏi. Linh nhỏ nhẹ: “Bố mẹ em không cho ở lại. Thêm nữa, chúng em vẫn đang học lại môn thể dục nên phải đi ra, đi vào anh ạ”.

Thời gian Linh và Vân kiến tập trùng với đợt thi tốt nghiệp THPT. 2 em muốn được đi cùng tôi để trải nghiệm quá trình tác nghiệp tại kỳ thi nên tôi dặn dò hôm sau phải có mặt sớm ở một trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để chụp ảnh, lấy thông tin. Điều đáng ghi nhận là các em có mặt rất đúng giờ. Tuy nhiên, với phong cách, trang phục quá “xì tin” nên chuyến tác nghiệp hôm ấy của 2 em... thất bại. Sau vài vòng xin phỏng vấn, chụp ảnh đều bị nhân vật từ chối, 2 em buồn bã trở về góc quán cũ ngồi đợi tôi.

Sau khi trao đổi, Linh và Vân ngỏ ý muốn nhờ tôi tìm và liên hệ với một nhân vật điển hình tiên tiến để 2 em gặp gỡ phỏng vấn, viết bài. Tôi đồng ý. Ngay hôm đó, tôi chủ động liên hệ về cơ sở, nắm sơ bộ thông tin của nhân vật sau đó hướng dẫn các em cách tác nghiệp. 2 em dạ thưa, hẹn ngày nộp bài. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 2 năm, tôi không nhận được hồi âm nào từ phía các em.

3. Cả 2 năm kiến tập và thực tập, Long đều đăng ký về Báo Quảng Trị. Khác với 2 trường hợp vừa kể trên, Long thể hiện sự đam mê và có tố chất làm báo. Chỉ cần thấy tôi nhắn tin chuẩn bị hành trang lên đường tác nghiệp là Long không chậm trễ, bất kể xa hay gần. Khi tôi trao đổi, góp ý, Long chăm chú lắng nghe, ghi chép.

Sau vài chuyến cùng tôi đi đi, về về cơ sở tác nghiệp, Long cũng tập tành viết bài. Mặc dù dịp đó bài không được đăng nhưng Long bảo đó là lần đầu tiên viết bài và có thêm trải nghiệm quý giá trong quá trình kiến tập. Những lần sau đó, Long vẫn xông xáo, nhiệt huyết trong quá trình tác nghiệp. Cuối thời gian kiến tập, Long làm báo cáo và nhờ tôi góp ý. Cầm bản thảo báo cáo, tôi nhận thấy sự tâm huyết, cầu thị của Long.

Năm học thứ 4, Long tiếp tục đăng ký về Báo Quảng Trị thực tập. Đã có kinh nghiệm trong đợt kiến tập nên Long nhanh nhạy hơn, nghiêm túc hơn, chững chạc hơn. Long tự tìm tòi đề tài và chủ động tác nghiệp. Thi thoảng, Long mới nhờ tôi góp ý, hỗ trợ. Đợt thực tập này, Long đã có bài đăng báo và phấn khởi mang khoe với tôi.

Từ đó đến nay, anh em vẫn giữ liên lạc nên tôi được biết Long đã có những bước trưởng thành nhất định trong nghề báo, viết bài hay hơn, chụp ảnh đẹp hơn. Hiện Long đang công tác tại một cơ quan báo đảng. Sự đam mê, nhiệt huyết với nghề báo đã mang lại cho Long ý chí, nghị lực để vượt qua những khó khăn, thách thức. Tôi mừng cho Long!

Nghề báo không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là nghề nguy hiểm và vô cùng vất vả. Vì vậy, thời gian kiến tập, thực tập trước khi kết thúc khóa học ở trường đại học là điều cần thiết, cần ở sinh viên một tinh thần nghiêm túc, cầu thị và vượt khó. Những khó khăn, va vấp trong quá trình đi thực tế là “lửa thử vàng”, giúp sinh viên báo chí trui rèn bản lĩnh nếu xác định sẽ theo nghề.

Trần Thanh

..............

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhung-cau-chuyen-nho-ve-sinh-vien-bao-chi-di-thuc-tap-186358.htm