Những câu chuyện phía sau cuộc 'hồi hương' của Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Ted Engelmann, người cựu binh có công mang bản scan nhật ký Đặng Thùy Trâm về Việt Nam cho thân nhân của chị, kể chuyện phía sau hành trình đặc biệt này, cùng một số ảnh tư liệu ít thấy trước đây.

 Ông Ted Engelmann - “người đưa thư” mang nhật ký Đặng Thùy Trâm về cho Việt Nam tại không gian văn hóa Tổ Chim Xanh tại quận Ba Đình, Hà Nội. Từ trái sang gồm một người bạn cũ của ông, bà Đặng Kim Trâm - em út bác sỹ Đặng Thùy Trâm, Ted Engelmann và người phiên dịch cho ông tại buổi giao lưu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông Ted Engelmann - “người đưa thư” mang nhật ký Đặng Thùy Trâm về cho Việt Nam tại không gian văn hóa Tổ Chim Xanh tại quận Ba Đình, Hà Nội. Từ trái sang gồm một người bạn cũ của ông, bà Đặng Kim Trâm - em út bác sỹ Đặng Thùy Trâm, Ted Engelmann và người phiên dịch cho ông tại buổi giao lưu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cứ đến dịp 30/4, nhiếp ảnh gia Ted Engelmann lại đáp chuyến bay tới Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để ghi hình lễ kỷ niệm thống nhất đất nước của Việt Nam. Năm nay cũng không ngoại lệ, đặc biệt là dịp kỷ niệm lớn 50 năm.

Trong bộ dạng một du khách phương Tây lớn tuổi, không phải ai cũng nhận ra ông là một cựu binh từng chiến đấu bên kia chiến tuyến. Chỉ khi ông nghỉ chân tại một quán càphê ở quận Ba Đình và được nhân viên tới bắt chuyện, họ mới biết đây chính là người 20 năm trước giúp mang nội dung cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nổi tiếng về Việt Nam.

Nhờ cơ duyên ấy, chủ quán đã mời ông giao lưu và kể lại những chuyện năm xưa.

“Rùng mình” vì được cô Thùy mách bảo

Trong giai đoạn từ tháng 3/1968 đến tháng 3/1969, Ted Engelmann từng phục vụ trong không quân Mỹ, đóng quân ở Rạch Giá (Kiên Giang). Đến nay ông đã gần 80 tuổi. Nhớ lại hành trình trao trả nhật ký, ông bảo thực ra không gặp nhiều khó khăn mà ngược lại, có thể nói là may mắn.

Khi ấy là gần kỷ niệm 30/4/2005, ông đang ở Mỹ chuẩn bị cho chuyến đi tới Việt Nam - một thói quen của ông kể từ những năm 1980.

Biết tin này, cựu sỹ quan quân báo Fred Whitehurst, người nhặt được cuốn nhật ký ở Đức Phổ, Quảng Ngãi 35 năm trước, đã gửi gắm ông Ted để trao trả nhật ký về cho thân nhân tác giả. Do chưa biết liệu có tìm được đúng người để trả hay không, Fred chỉ đưa bản scan kỹ thuật số, còn 2 cuốn nhật ký gốc gửi cho viện lưu trữ về chiến tranh Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Texas để bảo quản.

Đến Hà Nội, thông qua lời giới thiệu của người quen, Ted Engelmann đã gửi đĩa CD cho một người phụ nữ. Ông nhớ cô đã rất nhiệt tình, nghiên cứu thông tin từ các chân trang đến trong các trang viết một cách kỹ càng. Sau đó Ted bay vào Nam theo đúng kế hoạch ban đầu.

 Ted Engelmann và người phụ nữ giúp ông lần ra các manh mối trong nhật ký. (Ảnh: Tư liệu của Ted Engelmann)

Ted Engelmann và người phụ nữ giúp ông lần ra các manh mối trong nhật ký. (Ảnh: Tư liệu của Ted Engelmann)

“Sau khi hỏi các đầu mối, cô ấy tiếp tục đã chuyển đĩa CD sang một người quen khác làm việc trên phố Đội Cấn. Trùng hợp là văn phòng người này cách gia đình cô Thùy [cách gọi thân mật trong gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm] không xa, ngay sau đó đã gửi được đĩa CD cho gia đình. Đôi khi tôi nổi da gà vì dường như linh hồn cô Thùy chỉ lối để nhờ được đúng người vậy,” ông nhớ lại. Khi đó là ngày 27/4.

Ngay cùng ngày hôm ấy, Ted nhận một cuộc gọi mà sau đó ông được biết đó là từ bà Kim Trâm - em gái út bác sỹ Thùy Trâm. Tuy không nắm được toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện, nhưng nghe đến cuốn nhật ký, ông lập tức dừng kế hoạch ở Thành phố Hồ Chí Minh và đặt vé về Hà Nội.

Ted Engelmann nhớ cảm giác bồn chồn lo lắng, sợ rằng gia đình có thể sẽ tức giận vì cái chết của con gái họ. Nhưng ngược lại, ông đã được chào đón rất nhiệt tình. Người cựu binh sau đó đã cùng gia đình đọc nội dung nhật ký. Vây quanh ông và ba mẹ con là người thân của gia đình và các nhà báo, đài truyền hình VTV. Bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ bác sỹ Thùy nước mắt lăn dài trên má. Cuộc gặp sớm xuất hiện trên các mặt báo và truyền hình.

 Hình ảnh do Ted Engelmann chụp (trái) và hình ảnh ông xuất hiện trên báo Phụ nữ tháng 4/2005. (Ảnh: Tư liệu của Ted Engelmann)

Hình ảnh do Ted Engelmann chụp (trái) và hình ảnh ông xuất hiện trên báo Phụ nữ tháng 4/2005. (Ảnh: Tư liệu của Ted Engelmann)

Tuy phải hủy kế hoạch chụp ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, dịp 30/4 năm ấy vẫn đặc biệt với Ted Engelmann theo một cách khác. Ông đã cùng gia đình tới nghĩa trang liệt sỹ xã Xuân Phương (nay thuộc Bắc Từ Liêm) để thắp hương cho các liệt sỹ, trong đó có liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

“Người quản trang nói rằng chị Thùy không phải quân nhân, nhưng chị an nghỉ giữa các chiến sỹ để họ bảo vệ và chăm sóc chị ở thế giới bên kia, giống như việc chị đã làm cho họ khi còn sống,” Ted xúc động kể.

 Mộ phần bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại nghĩa trang liệt sỹ Xuân Phương, Hà Nội. (Ảnh: Ted Engelmann)

Mộ phần bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại nghĩa trang liệt sỹ Xuân Phương, Hà Nội. (Ảnh: Ted Engelmann)

Bà Kim Trâm là người đã đánh máy từ bản scan để in thành sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sau này. Tác phẩm được xuất bản năm 2006, bán được 400.000 cuốn, trở thành hiện tượng của ngành xuất bản khi ấy.

Tại Mỹ, bản tiếng Anh có tựa đề “Last night I dreamed of peace” cũng được in 120.000 bản - một số lượng lớn đối với các tác phẩm hồi ký cá nhân bấy giờ, được đưa vào nhiều thư viện công ở các trường, các thành phố và các bang.

Về sau khi có cơ hội đọc cuốn nhật ký, Ted Engelmann nói không một trang sách nào không để lại ấn tượng cho ông. "Chị là một người thông minh có học thức. Chị đa sầu đa cảm, giàu tình thương và quan tâm tới người khác. Chị tức giận những kẻ ngoại xâm đến phá hoại đất nước mình... Và dù đã là một bác sỹ, cũng có khi chị vẫn khát khao được mẹ dắt tay như một đứa trẻ."

Bà Kim Trâm kể tiêu đề tiếng Anh là do người biên tập ở Mỹ lấy từ trong nhật ký của chị Thùy, câu “Đêm qua một giấc mơ hòa bình đã đến với mình…” Điểm đặc biệt là câu này được viết đúng ngày 27/4/1969, ngày mà tròn 36 năm sau, gia đình nhận được nội dung cuốn nhật ký.

Những người mẹ vĩ đại

Sau cuộc gặp năm 2005, Ted Engelmann trở thành một người bạn thân thiết với gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Bên cạnh sự ngưỡng mộ cho nữ bác sỹ trẻ, ông cũng đặc biệt ngưỡng mộ và cảm phục mẹ Doãn Ngọc Trâm.

Năm 2005, khi bà Ngọc Trâm cùng gia đình sang Mỹ để tận mắt chứng kiến cuốn nhật ký (sau đó đồng ý gửi lại viện để bảo quản), Ted Engelmann cũng đi cùng để ghi lại những hình ảnh quý. Ông kể khi đó nhiều phóng viên ghi hình rất kỹ, chụp lại từng cảm xúc của bà. Những hình ảnh này có thể thấy trên trang của Viện lưu trữ The Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, thuộc Đại học Công nghệ Texas.

Tuy nhiên, Ted Engelmann chỉ chụp những hình từ xa, phía sau lưng, hạn chế chụp trực diện để tỏ thái độ tôn trọng. Ông muốn dành cho bà Ngọc Trâm và gia đình có không gian riêng tư khi tận mắt chứng kiến cuốn nhật ký của người con, người chị quá cố.

 Mẹ Doãn Ngọc Trâm cùng 3 con gái tại viện lưu trữ. (Ảnh: Ted Engelmann)

Mẹ Doãn Ngọc Trâm cùng 3 con gái tại viện lưu trữ. (Ảnh: Ted Engelmann)

Năm 2009, ông Ted cùng gia đình cựu binh Fred sang Việt Nam, chụp ảnh cho cuộc hội ngộ hai gia đình. Bà Whitehurst mẹ của Fred đã tự tay làm một chiếc chăn với nhiều hoa văn đẹp mắt để tặng bà Ngọc Trâm. “Bà đặt vào đó nhiều tâm huyết và ý nghĩa. Mỗi mũi đan của chiếc chăn giống như một lần dệt thêm tình cảm cho hai gia đình,” bà Kim Trâm nói.

Trong ấn tượng của người con út, hai bà có nhiều điểm chung, ví dụ như đều thích hoa và đan lát. Ở nhà bà Doãn Ngọc Trâm có treo một bức ảnh, ảnh ghép hai bà đang cùng ngồi đan len, thêu thùa.

 Tấm chăn do tự tay bà Whitehurst tự tay thêu tặng gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Góc phải phía trên là vợ chồng cựu binh Mỹ - Fred Whitehurst, mẹ Doãn Ngọc Trâm và nhà báo Trương Uyên Ly. (Ảnh: Ted Engelmann)

Tấm chăn do tự tay bà Whitehurst tự tay thêu tặng gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Góc phải phía trên là vợ chồng cựu binh Mỹ - Fred Whitehurst, mẹ Doãn Ngọc Trâm và nhà báo Trương Uyên Ly. (Ảnh: Ted Engelmann)

Hai người mẹ có mối giao cảm lớn và rất hiểu nhau, trao đổi thư từ rất nhiều. Bà Whitehurst thường viết rất dài và tâm huyết, kể chuyện gia đình suốt 30 năm qua, trong đó bao gồm những ám ảnh tâm lý nặng nề hậu chiến tranh ở Fred.

Theo chị Kim Trâm, bà Whitehurst có vai trò rất lớn trong cuộc "hồi hương" của cuốn nhật ký, bởi ngay từ những ngày đầu, bà biết nếu trả càng sớm thì con trai càng mau thoát khỏi những ám ảnh nặng nề.

 Bà Doãn Ngọc Trâm năm 2005. (Ảnh: Ted Engelmann)

Bà Doãn Ngọc Trâm năm 2005. (Ảnh: Ted Engelmann)

Ted Engelmann luôn rất kính trọng và cảm phục mẹ Ngọc Trâm - một người mẹ rất thương con nhưng chấp nhận hy sinh con vì Tổ quốc. Năm 2024, nghe tin bà qua đời, người cựu binh đã xin visa khẩn cấp và để lập tức bay sang Việt Nam. Suốt đám tang, ông đứng lặng lẽ trong hàng gia đình và tiễn bà Ngọc Trâm về nơi an nghỉ cuối cùng.

“Mẹ Trâm rất đặc biệt với tôi. Bức ảnh chân dung này là tấm lòng tôi gửi tới bà. Ở đó tôi vừa thấy sự suy tư và mất mát của một người đã trải qua chiến tranh, nhưng cũng vừa có ánh nhìn hướng về tương lai, vì gia đình và những người còn đang sống.”

Dự án sách về bản chất của chiến tranh

Ngay từ khi trong quân ngũ và tham chiến tại Việt Nam, Ted Engelmann đã sớm nhận ra bản chất sai trái của cuộc chiến. Thông qua đam mê với nhiếp ảnh, nhiều bức hình giúp ông ghi lại những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến.

Hết hạn quân ngũ, Ted Engelmann mang ảnh của mình đi nhiều nơi tại Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc và Australia để chia sẻ về cuộc chiến tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục dùng nhiếp ảnh phản ánh bản chất kinh khủng của chiến tranh lên lính Mỹ tại nhiều chiến trường như Irag, Afghanistan...

Sau nhiều thập kỷ sở hữu hàng ngàn bức ảnh và những câu chuyện quý giá, Ted Engelmann ấp ủ mong muốn làm thành một cuốn sách tổng hợp có sức ảnh hưởng đủ lớn tới người đọc. Ông chia sẻ để cuốn sách thành hình thì con đường phía trước còn rất dài, nhưng đó là tâm huyết mà người cựu binh yêu hòa bình nói ông quyết sẽ làm được./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-cau-chuyen-phia-sau-cuoc-hoi-huong-cua-nhat-ky-dang-thuy-tram-post1038136.vnp