Những câu chuyện thắm tình hữu nghị Việt Nam - Lào ở Khu 7

Khu 7 - cách gọi trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho vùng đất gồm 4 xã biên giới Gari, Ch'ơm, Axan, Tr'hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) và một phần nhỏ huyện K'lừm, tỉnh Sê Kông, Lào ngày nay. Tình hữu nghị Việt - Lào anh em nơi đây không chỉ là mối quan hệ thân tộc, mà còn được tôi luyện, thử thách khi người dân hai bên biên giới luôn kề vai sát cánh cùng đi qua gian khó để ngày hôm nay có được cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, người ta lại càng không thể quên nhau.

Đồn Biên phòng Ga Ry tặng quà cho 2 cháu Alăng Kẹo và Zơ Râm Nhây nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024. Ảnh: Trúc Hà

Đồn Biên phòng Ga Ry tặng quà cho 2 cháu Alăng Kẹo và Zơ Râm Nhây nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024. Ảnh: Trúc Hà

Địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Ga Ry (BĐBP Quảng Nam) gồm 2 xã Gari, Ch’ơm tiếp giáp với huyện Đắc Chưng và K’lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Cũng như nhiều vùng đất khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, câu chuyện về tình hữu nghị Việt - Lào anh em ở Khu 7 thường được kể bằng những câu chuyện kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ xâm lược, rồi việc phân định biên giới và quyết định của mỗi người trong lựa chọn quốc tịch không làm mất đi tình cảm gắn bó đã có. Người Lào gốc Việt vẫn gìn giữ những tấm huân chương, giấy tờ ghi nhận công lao của mình đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Trong nhiều nếp nhà vẫn treo ảnh Bác Hồ bên cạnh ảnh Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn. Và người dân vẫn đi lại thăm thân, vẫn sử dụng chung tiếng Cơ Tu để giao tiếp như một minh chứng cùng chung một nguồn gốc.

Người dân các bản A Bưl, Tà Vàng, Bhanoon (huyện K’lừm) và Tăng Ta Lăng (huyện Đắc Chưng) nhớ mãi những gùi gạo được UBND huyện Tây Giang trợ cấp vào dịp giáp hạt, thông qua Đồn Biên phòng Ga Ry. Hay những túi đựng cá khô, muối của họ hàng ở Gari, Ch’ơm để trên đường biên giới thời dịch Covid-19 bùng phát thật sự quý giá bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những điều ấy khiến người dân thêm vui mừng khi các thôn A Tu 1, Ch’nóc, A Choong (xã Ch’ơm), G’lao (xã Gari) kết nghĩa với các bản A Bưl, Tà Vàng, Bhanoon, Tăng Ta Lăng với những kỳ vọng tốt đẹp cho tương lai. Thực tế cho thấy, do xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân vùng biên giới, nhất là các bản của bạn còn gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày tổ chức kết nghĩa bản - bản, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới thường xuyên tiến hành các hoạt động giao lưu, thăm hỏi nhân dịp lễ, Tết của hai dân tộc; người dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai bên. Có thể thấy rõ điều này khi người dân ở các thôn A Choong, A Tu 1, Ch’nóc chia sẻ kỹ thuật nhân giống đẳng sâm để người anh em bên kia biên giới mở rộng diện tích. Người dân thôn G’lao không ngại chia cây giống cho nhân dân bản Tăng Ta Lăng vì tin rằng cây cũng cho ra trái ngọt như ở Việt Nam.

Giao lưu bóng chuyền giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, nhân dân thôn A Tu 1 và cán bộ, chiến sĩ Đại đội biên giới 534, nhân dân bản A Bưl, Bhanoon. Ảnh: Trúc Hà

Giao lưu bóng chuyền giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, nhân dân thôn A Tu 1 và cán bộ, chiến sĩ Đại đội biên giới 534, nhân dân bản A Bưl, Bhanoon. Ảnh: Trúc Hà

Nhờ có chương trình kết nghĩa bản - bản mà ông Cơ Lâu Câm (bản A Bưl) được làm nhà mới. Ông Cơ Lâu Câm khi còn trẻ là một trong số những trai tráng người Cơ Tu ở Khu 7 tham gia lực lượng quân đội Việt Nam, cầm súng đánh đuổi đế quốc Mỹ-ngụy, giành độc lập cho đất nước. Sau hoạch định biên giới, ông về ở A Bưl và trở thành công dân Lào. Năm 2018, ông Cơ Lâu Câm được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà. Số tiền dành dụm, người thân cho vay, bà con làng xóm cũng mỗi người giúp một tay, bởi vậy mà căn nhà rất khang trang, vững chãi. Đối với ông Cơ Lâu Câm, căn nhà không chỉ là nơi sinh sống, mà còn mang lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn.

Trong mỗi câu chuyện của người dân ở A Bưl, Tà Vàng, Bhanoon và Tăng Ta Lăng, mọi người luôn nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry như những người thân thương, ruột thịt. Làm sao không nhắc đến khi những người lính Biên phòng Việt Nam luôn dành sự ưu ái với bà con người Lào. Trong các hoạt động tổ chức ngày lễ lớn của dân tộc, những người lính Biên phòng chưa khi nào quên người dân Lào ở các bản giáp biên. Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” hằng năm do Đồn Biên phòng Ga Ry tổ chức luôn dành những phần quà gửi tới gia đình khó khăn ở Abưl và Bhanoon để người Lào cùng vui Xuân, đón Tết với người Việt.

Sự quan tâm đặc biệt có thể thấy rõ khi hàng năm, Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với UBND xã Ch’ơm tổ chức Chương trình “Tết Bunpimay - Ấm tình hữu nghị nhân dân biên giới Việt Nam - Lào” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tuyên truyền lịch sử mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào, pháp luật về biên giới; sơ kết thực hiện mô hình "Kết nghĩa bản - bản” và tặng quà. Tết Bunphimay năm 2024, Đồn Biên phòng Ga Ry đã vận động các nhà hảo tâm tặng 160 suất quà (700 nghìn đồng/suất), 20 bộ quần áo thể thao, 700 bộ quần áo cho Đại đội Biên giới 534 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào), Trạm Công an Kà Lừm (Công an tỉnh Sê Kông), chính quyền và nhân dân 2 bản A Bưl, Bhanoon. Ngoài ra, Ban tổ chức chương trình còn tổ chức cắt tóc miễn phí, giao lưu văn nghệ, bóng chuyền. Dịp này, Đồn Biên phòng Ga Ry nhận cháu Alăng Kẹo (sinh năm 2014, dân tộc Cơ Tu, trú tại bản Bhanoon), học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bhanoon theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Trước đó, Đồn Biên phòng Ga Ry đã nhận đỡ đầu cháu Zơ Râm Nhây (sinh năm 2004, dân tộc Cơ Tu, trú tại bản A Bưl). Khi được nhận đỡ đầu, Zơ Râm Nhây mới chỉ là học sinh tiểu học, giờ cháu đã bước vào cấp 3.

Mỗi khi có đoàn thiện nguyện liên hệ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry đều gợi mở về những người anh em ở bên kia biên giới. Các câu chuyện về tình hữu nghị Việt Nam-Lào anh em, quãng thời gian kề vai sát cánh đã lay động các nhà hảo tâm. Ngày 5/8/2024, bên cạnh tặng quà cho nhân dân các thôn A Tu 1, A Tu 2, Đ’hung (xã Ch’ơm), Đồn Biên phòng Ga Ry và Công ty Yody Phương Anh cũng tặng 150 suất quà cho nhân dân các bản A Bưl, Bhanoon, gồm: Mì tôm, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, quần áo, ủng, cuốc, xẻng, xà beng, đèn năng lượng mặt trời và cây giống với tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Ông Phan Văn Dơ, Trưởng bản A Bưl cho biết: “Chúng tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân xã Ch’ơm, Đồn Biên phòng Ga Ry và các nhà hảo tâm. Những phần quà là lương thực, nhu yếu phẩm giúp bà con không chỉ vượt qua những khó khăn trước mắt; nông cụ, cây giống để tính chuyện tương lai. Tấm lòng của BĐBP Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên”.

Sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, dải đất biên cương Khu 7 vẫn luôn và sẽ mãi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam- Lào anh em.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-cau-chuyen-tham-tinh-huu-nghi-viet-nam-lao-o-khu-7-post482072.html