Những câu hỏi hóc búa với Ukraine và đồng minh sau 2 năm xung đột
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không có tác dụng. Vũ khí của đồng minh sắp hết. Áp lực có thể đè nặng lên Kiev trong việc tìm kiếm một giải pháp khi đang ở thế yếu.
Hai năm sau khi xung đột bùng nổ, Mỹ có khả năng cung cấp cho Kiev vũ khí, công nghệ và thông tin tình báo để chống lại Nga. Nhưng hiện nay khắp châu Âu người ta cho rằng Washington đã mất ý chí đó.
Ngược lại, người châu Âu có ý chí - họ vừa cam kết thêm 54 tỷ USD để tái thiết Ukraine - nhưng khi nói đến việc đẩy lùi cuộc tấn công đang mạnh trở lại của Nga, họ lại không có đủ năng lực.
Đó là bản chất của câu hỏi hóc búa mà Ukraine và các đồng minh NATO phải đối mặt vào thời điểm cuộc xung đột vừa bước sang năm thứ ba.
Đó là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc. Chỉ một năm trước, nhiều người ở đây đã dự đoán rằng cuộc phản công của Ukraine, được hỗ trợ bởi xe tăng và tên lửa của châu Âu cũng như pháo binh và phòng không của Mỹ, có thể đẩy người Nga trở lại vị trí cũ vào ngày 24/2/2022.
Nhưng lúc này, một số bài học khắc nghiệt đã xuất hiện. Tổng thống Biden tuyên bố tại Warsaw vào tháng 3/2022 rằng các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ khiến nền kinh tế Nga suy sụp - “đồng rúp gần như ngay lập tức biến thành đống đổ nát”. Dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng nền kinh tế Nga sẽ suy giảm đáng kể chỉ đúng trong thời gian ngắn; hiện tại, nó đang tăng trưởng nhanh hơn Đức. Thu nhập từ xuất khẩu dầu của Nga lớn hơn trước xung đột.
Trước những bước lùi, và sự thất bại của cuộc phản công của Ukraine, hy vọng dường như sắp sụp đổ về việc Tổng thống Putin sẽ sớm kết luận rằng Nga không thể đạt được thêm lợi ích nào và nên tham gia một cuộc đàm phán nghiêm túc để chấm dứt xung đột.
Trái lại, các quan chức tình báo Mỹ và châu Âu hiện đánh giá ông Putin quyết tâm bám trụ với các mục tiêu đề ra ở Ukraine.
BẾ TẮC CHIẾN LƯỢC
Cốt lõi của sự bế tắc chiến lược hiện nay về Ukraine là việc không có bất kỳ triển vọng nghiêm túc nào về một giải pháp thương lượng.
Gần đây nhất là vào mùa hè năm ngoái, các thành viên cấp cao trong chính quyền Biden vẫn nuôi hy vọng rằng những bước tiến của Ukraine trên chiến trường sẽ buộc Nga phải tìm một lối thoát để giữ thể diện. Khả năng được thảo luận phổ biến nhất là một giải pháp thương lượng không rõ ràng về tương lai của các khu vực Ukraine bị Nga kiểm soát hoặc sáp nhập, nhưng ít nhất sẽ chấm dứt giao tranh.
Cùng lúc đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva), ông Biden và các trợ lý thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc đưa ra một “mô hình Israel” viện trợ cho Ukraine. Ngay cả khi Kiev thiếu tư cách thành viên thực sự tại NATO, kế hoạch này mong muốn mang lại sự đảm bảo kéo dài hàng thập kỷ về vũ khí và đào tạo mà Ukraine sẽ cần để phòng thủ trước Nga.
Nhưng ngay cả hy vọng về những kết quả mơ hồ đó cũng đã bị gạt sang một bên trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang tranh luận về việc gia hạn viện trợ ngắn hạn cho Ukraine và tâm lý bi quan rằng liệu Ukraine có thể cầm cự đủ lâu để nghĩ về lâu dài.
Khi chủ nghĩa biệt lập trỗi dậy trong Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát và ủng hộ ông Trump, Tổng thống Biden đã chuyển từ hứa cung cấp cho Ukraine “bất cứ thứ gì họ cần, chừng nào còn cần thiết” sang lời hứa ít tham vọng hơn vào tháng 12 năm ngoái, “chừng nào chúng tôi có thể”.
Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa J.D. Vance, đã đưa ra một lưu ý thậm chí còn tỉnh táo hơn: Ukraine sẽ phải học cách chiến đấu với ngân sách eo hẹp. Ông nói: Ngay cả khi “khoản viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine được thông qua, tôi phải thành thật với các bạn rằng điều đó sẽ không thay đổi căn bản thực tế trên chiến trường. Số lượng đạn dược mà chúng ta có thể gửi tới Ukraine hiện nay rất hạn chế”.
Theo quan điểm của Charles A. Kupchan, Giáo sư Đại học Georgetown, người từng là quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền Obama, điều đó có nghĩa là nước Mỹ nên tìm cách bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông nói: “Ngay cả khi Nga có thể tiếp tục đi theo con đường này, tôi không nghĩ Ukraine có thể làm được”. Ông Kupchan cho biết, sau 2 năm chiến tranh, “không có con đường nào có thể đoán trước được để giành chiến thắng trên chiến trường cho Ukraine,” ngay cả khi sắp có sự xuất hiện của tên lửa tầm xa hoặc chiến đấu cơ F-16.
LỰA CHỌN KHÓ KHĂN
Theo Giáo sư Kupchan, Tổng thống Zelensky phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: liệu nên giữ từng tấc lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine hay tìm cách bảo đảm một nhà nước có khả năng tồn tại về mặt kinh tế, với một tương lai dân chủ, các đảm bảo an ninh của phương Tây và cuối cùng là trở thành thành viên trong Liên minh Châu Âu và NATO .
Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết họ đã cố gắng thúc đẩy ông Zelensky theo hướng đó. Tuy nhiên, ông Biden đã chỉ đạo các quan chức của mình không đi chệch khỏi khẩu hiệu: “Không có gì về Ukraine nếu không có Ukraine” (hàm ý là sẽ không đàm phán gì về Ukraine nếu Ukraine không giành được lãnh thổ của mình).
Kết quả là các quan chức quân sự Mỹ ở châu Âu, do Tướng Christopher G. Cavoli lãnh đạo, đã âm thầm cảnh báo rằng điều tốt nhất mà người Ukraine có thể hy vọng là một cuộc xung đột về cơ bản bị đóng băng.
Tướng Cavoli hiếm khi phát biểu công khai, nhưng các quan chức mới tham gia cuộc họp gần đây với ông đã mô tả một đánh giá lạc quan, trong đó, trong trường hợp tốt nhất, Ukraine sẽ sử dụng năm 2024 để phòng thủ, củng cố quân đội và thực hiện một cuộc phản công khác vào năm tới.
Ngay cả ở châu Âu, nơi sự ủng hộ dành cho Ukraine mạnh mẽ nhất, dư luận cũng đang thay đổi. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây được tiến hành vào tháng 1 cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu tại 12 quốc gia, chỉ 10% người châu Âu cho biết họ tin Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến, mặc dù điều gì tạo nên chiến thắng vẫn chưa được xác định rõ ràng. 20% nói rằng họ tin rằng Nga sẽ thắng, và đa số, 37%, nghĩ rằng xung đột sẽ kết thúc bằng một hình thức giải quyết nào đó.
CHÂU ÂU TRƯỚC NGUY CƠ LỚN HƠN
Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ đã kêu gọi châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Giờ đây, người châu Âu đang bắt đầu phải đối mặt với cái giá phải trả của sự tự mãn.
Bất kể người Mỹ bầu ai làm tổng thống tiếp theo vào tháng 11, Mỹ có thể không còn sẵn sàng giữ vai trò lãnh đạo truyền thống trong việc ngăn chặn Nga hoặc bảo vệ châu Âu. Điều đó chắc chắn sẽ đặt thêm gánh nặng lên một châu Âu vốn chưa được chuẩn bị đầy đủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo quân đội Đức được trang bị tốt hơn nhưng không có quy mô hoặc trình độ kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức phía trước. Phần Lan bổ sung năng lực công nghệ đáng kể cho NATO, nhưng các quan chức Mỹ cho biết quân đội Thụy Điển sẽ cần phải được xây dựng lại.
Trong khi đó, châu Âu đang chuẩn bị các gói viện trợ dành cho Ukraine mà ban đầu nhằm mục đích bổ sung, nhưng giờ đây có thể nhằm thay thế viện trợ từ Mỹ.
Trong tháng này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã cam kết viện trợ thêm 50 tỷ euro, khoảng 54 tỷ USD cho Ukraine trong 4 năm tới. Nhìn chung, các nước châu Âu đã vượt qua Mỹ về viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, để thay thế hoàn toàn viện trợ quân sự của Mỹ trong năm nay, theo đánh giá của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, châu Âu vẫn sẽ phải “tăng gấp đôi mức độ và tốc độ hỗ trợ vũ khí hiện tại”. Đó là chưa kể những nỗ lực của châu Âu nhằm cung cấp thêm 5 tỷ euro, tương đương 5,4 tỷ USD, trong 4 năm tới để mua vũ khí cho Ukraine đã bị đình trệ vì sự phản đối của Đức và Pháp. Và lời hứa của châu Âu sẽ cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3 đã không còn hiệu quả.
Trong khi người châu Âu tự hào chỉ ra những thay đổi mà họ đã thực hiện, vẫn chưa chắc chắn rằng những thay đổi đó đang diễn ra nhanh như yêu cầu của thế giới, đặc biệt là khi liên quan đến Ukraine.