Những câu hỏi khó giải

Đầu năm 2024, khi đọc rất nhiều báo cáo bình luận về kinh tế, chính trị, xu hướng thị trường trên thế giới, chắc chắn giới quan sát, chuyên gia đã đọc được rất nhiều dự báo. Vấn đề là giữa một 'rừng' thông tin đó, chúng ta dễ bị lạc lối. Nhưng tựu trung lại, tôi thấy nổi lên mấy vấn đề tranh cãi.

TS Hồ Quốc Tuấn

TS Hồ Quốc Tuấn

Lãi suất USD giảm bao nhiêu?

Ngân hàng Trung ương (NHTW) Mỹ, Anh, châu Âu và Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất, gần như là một sự đồng thuận chung trong giới phân tích. Nhưng khi nào giảm lãi suất và mức giảm bao nhiêu lại là một sự bất đồng. Thị trường giao sau (futures) dự báo một mức cắt giảm khá cao, có thể lên tới 1,25 -1,5%.

Trong một buổi thuyết trình cuối năm 2023, một diễn giả trên CNBC nhắc nhở: Hiện nay thị trường có vẻ đồng thuận là Mỹ cần 6 đợt cắt giảm, mỗi lần 0,25%. Như vậy tổng cộng là 1,5%, tương ứng với mức cận trên mà các giao dịch giao sau hàm ý. Nhưng cần nhớ, một năm về trước (2022), gần như số đông cũng đồng thuận 2023 sẽ là năm có suy thoái. Kết quả đã không diễn ra. Và thực tế diễn biến thế giới luôn có bất ngờ đối với thị trường. Trong một điều tra với hơn 40 chuyên gia kinh tế của Financial Times, đã cho ra một con số giảm lãi suất chỉ có thể là 0,75% và cắt giảm sẽ diễn ra chậm hơn.

Lãi suất giảm nhiều có tốt không?

Mặc dù về lý thuyết đa số đều cho rằng là tốt. Nhưng sự thật lại khác. Một số nhà quản lý quỹ dự đoán, Fed phải cắt giảm lãi suất USD sớm trong năm 2024, nhưng xuất phát từ suy nghĩ của họ là kinh tế toàn cầu trong nửa đầu 2024 sẽ tệ hơn nhiều so với số đông dự đoán, và do đó lạm phát giảm nhanh hơn, buộc NHTW phải cắt lãi suất để tránh suy thoái.

Có những thống kê cho thấy, khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất thì có những năm thị trường cổ phiếu lại biểu hiệu khá tệ, do kinh tế đã đi vào suy thoái, thí dụ 2 năm 2001 và 2007. Nhưng cũng có những năm thị trường lại phản ứng tốt sau khi Fed cắt lãi suất, như năm 1996 và 1998.

Hiểu được điều này còn quan trọng hơn là biết các NHTW cắt lãi suất bao nhiêu lần. Bởi cắt lãi suất cũng như tăng lãi suất, vẫn cần thời gian để mặt bằng lãi suất phát huy tác dụng và thẩm thấu vào nền kinh tế.

Mặt khác, lãi suất chính sách giảm chưa chắc ảnh hưởng ngay lên lãi suất cho vay cũng như lợi suất trái phiếu - thứ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính. Thí dụ trong trường hợp của Mỹ, một số nhà kinh tế dự đoán, ngay cả trong trường hợp Fed giảm lãi suất về dưới 4%, lợi suất trái phiếu ngắn hạn có thể giảm nhanh, nhưng lợi suất trái phiếu dài hạn vẫn có thể duy trì trên 4%. Điều này vẫn sẽ đặt áp lực lớn lên thị trường bất động sản thương mại toàn cầu, khu vực được cho rằng đang diễn ra đổ vỡ một cách âm thầm ở Mỹ và châu Âu, cũng như đang lan sang châu Á.

Kinh tế thế giới có thể hạ cánh mềm hay không?

Sự đồng thuận chung của giới phân tích trong năm 2024, là rủi ro suy thoái của kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới đây đã giảm đáng kể, thậm chí một số NH đầu tư hàng đầu đã giảm xác suất mạnh về dưới 20%, từ mức trên 50% của năm ngoái. Nhiều người mạnh dạn dự đoán kinh tế Mỹ sẽ đạt hạ cánh mềm, nghĩa là tăng trưởng chỉ giảm nhẹ so với 2023 chứ không dẫn đến suy thoái, làm tấm đệm cho kinh tế toàn cầu. Và nhiều nước châu Âu cũng sẽ tránh được suy thoái, trong khi Trung Quốc đã chạm đáy về tăng trưởng và sẽ gượng dậy được.

Nguyên nhân chủ chốt là giới phân tích tin rằng, trong một năm với nhiều cuộc bầu cử và sự kiện chính trị lớn, các nước sẽ kết hợp một chính sách tiền tệ thoải mái hơn cộng với một chính sách tài khóa nới lỏng (hoặc linh hoạt nhất có thể), để hỗ trợ nền kinh tế do các chính quyền đương nhiệm muốn giành phiếu bầu. Tuy nhiên, với lãi suất vẫn đang cao và nợ công nhiều, nền kinh tế đã vượt ngưỡng an toàn, mức độ hỗ trợ của những chính sách tiền tệ và tài khóa đến đâu vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.

Liệu diễn biến địa chính trị phức tạp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế?

Rủi ro địa chính trị là bài toán đau đầu nhất cho nhiều nhà phân tích kinh tế, vì ngày càng có nhiều sự kiện xung đột chính trị, quân sự đang diễn ra có thể ảnh hưởng đến giá năng lượng, ngũ cốc, kim loại sử dụng trong công nghiệp và vận chuyển đường biển thế giới. Có thể kể đến 2 cuộc xung đột được quan tâm hàng đầu hiện nay ở Ukraine và dải Gaza cũng như câu chuyện ở Biển Đỏ. Nhưng đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm đầy xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trong một năm được gọi là “năm của bầu cử”, hay “năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử” (như Economist giật tít), đây là một câu hỏi sẽ được giới phân tích theo dõi sát sao.

Các ứng dụng AI sẽ thế nào?

Cuối cùng, trong hầu hết các bình luận về kinh tế năm 2024, đa số đều kèm theo một vài thảo luận, đùa vui nhỏ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Điều đó cho thấy AI đang chiếm phần lớn mối quan tâm của giới kinh tài, và xem đây là một yếu tố làm thay đổi phần nhiều cuộc chơi. Một phần có lẽ vì ngay trong công việc hàng ngày, họ đang thấy những ảnh hưởng của AI.

Liệu AI sẽ thế nào trong 2024 là một câu hỏi lớn, vì nó sẽ quyết định nhiều khoản đầu tư đặt cược của các công ty lớn trên toàn cầu, sẽ đem lại lợi nhuận lớn hay hoàn toàn là đốt tiền. Một trong những câu hỏi mấu chốt là: liệu OpenAI có còn dẫn đầu cuộc đua này hay không? Liệu có một tay chơi mới nào phá vỡ thế dẫn đầu của bộ đôi OpenAI-Microsoft chăng? Và liệu có một ứng dụng AI nào chuyển từ ý tưởng thành ứng dụng thực tế sẽ tạo nên cơn sốt như ChatGPT hồi năm ngoái trong năm 2024? AI nhiều khả năng vẫn sẽ là một chủ đề nóng của 2024 và nhiều bất ngờ thú vị có thể đến từ mảng này.

Giới phân tích tin rằng, trong một năm 2024 với nhiều cuộc bầu cử và sự kiện chính trị lớn, các nước sẽ kết hợp một chính sách tiền tệ thoải mái hơn cộng với một chính sách tài khóa nới lỏng (hoặc linh hoạt nhất có thể), để hỗ trợ nền kinh tế do các chính quyền đương nhiệm muốn giành phiếu bầu.

TS. HỒ QUỐC TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-cau-hoi-kho-giai-post725252.html