Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong các nhiễm khuẩn hô hấp. Căn bệnh này cần được điều trị sớm và đúng cách nếu không có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những điều chúng ta cần lưu ý về bệnh viêm phế quản.

1. Ai dễ mắc viêm phế quản?

NỘI DUNG

1. Ai dễ mắc viêm phế quản?

2. Xử trí thế nào khi có dấu hiệu mắc viêm phế quản?

3. Làm sao để phân biệt viêm phế quản với viêm họng?

4. Cách chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản tại nhà

5. Bị viêm phế quản có phải kiêng ăn đồ tanh không?

6. Uống nhiều nước có tốt cho người bệnh viêm phế quản không?

7. Người bệnh viêm phế quản có nên tập thể dục không?

8. Đông y có chữa được viêm phế quản không?

9. Chi phí điều trị viêm phế quản

Theo TS.BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, các đường dẫn khí rỗng nối phổi với khí quản. Tình trạng viêm thường do nhiễm trùng hoặc do các yếu tố khác gây kích ứng đường thở như hút thuốc lá, dị ứng và tiếp xúc với khói bụi, hóa chất...

Viêm phế quản thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi do sức đề kháng yếu nên dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ thường do virus với khoảng 70% trường hợp trẻ mắc bệnh. Nguyên nhân do vi khuẩn chiếm khoảng 30% trường hợp, phổ biến nhất là các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu...

Những trẻ dễ có nguy cơ mắc viêm phế quản bao gồm:

Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ẩm mốc, bụi bẩn, khói thuốc.
Trẻ có người thân trong gia đình có tiền sử bị hen suyễn.
Trẻ có cơ địa dị ứng với nấm mốc, phấn hoa, lông súc vật…
Trẻ sinh non, thừa cân, béo phì, suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân gây viêm phế quản ở người cao tuổi là do virus, vi khuẩn, nấm. Ở những người cao tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu hoặc mắc các bệnh mạn tính như: viêm họng, hen phế quản, đái tháo đường, bệnh phổi, tai biến mạch máu não phải nằm lâu… dễ mắc viêm phế quản hơn những người bình thường.

Hình ảnh viêm phế quản.

Hình ảnh viêm phế quản.

2. Xử trí thế nào khi có dấu hiệu mắc viêm phế quản?

Bệnh viêm phế quản cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ rất nhanh diễn biến dẫn đến suy hô hấp. Vì vậy khi thấy trẻ có biểu hiện: mệt mỏi, kém chơi, ăn kém, ngạt mũi, sổ mũi, sốt, ho khan hoặc ho có đờm… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.

Cần lưu ý, ở giai đoạn đầu, bệnh thường có triệu chứng ho hay sốt thông thường nên nhiều bậc cha mẹ chủ quan không đưa trẻ đi khám dẫn đến nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng hoặc có biến chứng viêm phổi, áp-xe phổi, suy hô hấp rất nguy hiểm.

Đối với người cao tuổi, viêm phế quản không được điều trị sớm bệnh có thể gây biến chứng: viêm phổi, áp-xe phổi… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngay khi người cao tuổi có biểu hiện mệt mỏi, đau họng, ho, sốt… cần đi khám ngay.

3. Làm sao để phân biệt viêm phế quản với viêm họng?

Viêm họng và viêm phế quản đều là bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn viêm phế quản với viêm họng, dẫn đến bệnh nặng mới đi khám.

Viêm họng: Khi bị viêm họng trẻ sẽ có biểu hiện đau họng nên dễ quấy khóc, ho, có thể ho khan hay ho đờm. Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần.

Viêm phế quản: Trẻ sẽ mệt mỏi, ăn kém do ngạt mũi, sổ mũi, ho khan, hoặc ho có đờm, khó thở. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc tiêu chảy. Ở giai đoạn toàn phát (thường là ngày thứ 3 sau khởi phát bệnh): Trẻ sốt cao, nhiệt độ từ 38 - 40 độ C kèm ho nhiều, ho khan, ho có đờm xanh hoặc vàng. Trẻ thở khò khè, khó thở… Do vậy, cha mẹ cần lưu ý theo dõi những biểu hiện của trẻ để đi khám và điều trị sớm.

4. Cách chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản tại nhà

Đối với trẻ bị viêm phế quản do virus, việc điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng như: dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau và ngăn ngừa bội nhiễm. Kết hợp chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho trẻ.

Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn.
Nếu trẻ bị sốt dưới 38,5°C nên chườm ấm cho trẻ để hạ sốt nhanh.
Chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Vệ sinh mũi họng của trẻ bằng nước muối sinh lý.
Cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy cần cho trẻ uống oresol pha theo chỉ dẫn để bù nước.
Luôn giữ ấm cơ thể trẻ.
Để trẻ nằm trong phòng thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa. Người lớn không được hút thuốc lá trong nhà.
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như: canh, cháo, súp. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và không bị nôn trớ.

Người cao tuổi cũng cần lưu ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Uống nhiều nước để giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm theo chỉ định. Không tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là tự ý dùng kháng sinh không đúng sẽ rất nguy hiểm.

5. Bị viêm phế quản có phải kiêng ăn đồ tanh không?

Nhiều người cho rằng bị viêm phế quản cần kiêng ăn thịt gà, tôm, cua, cá… do sợ ăn các thức ăn này tanh, ăn vào càng ho hơn. Tuy nhiên, nếu kiêng khem ăn không đủ chất dễ khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và làm bệnh nặng hơn, lâu khỏi hơn.

Người bệnh cần ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, tươi ngon và đầy đủ chất (bao gồm chất bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Thức ăn nên được nấu nhừ, dạng lỏng như: cháo, súp… để dễ ăn, tiêu hóa tốt và làm loãng đờm nhớt, bệnh nhân không bị kích thích ho nhiều.

Lưu ý: Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt; Tránh ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ dễ gây buồn nôn, khó tiêu; Không sử dụng đồ ăn thức uống lạnh...

6. Uống nhiều nước có tốt cho người bệnh viêm phế quản không?

Bệnh nhân viêm phế quản dễ bị mất nước do sốt và nôn mửa, vì vậy cần uống nhiều nước để bổ sung đủ nước cho cơ thể. Uống nhiều nước còn làm dịu họng, làm loãng đờm nhớt, giúp người bệnh dễ dàng khạc nhổ ra hơn.

Bệnh nhân nên uống nước lọc, nước canh, nước ép trái cây tươi. Ngoài ra, uống một số loại nước uống, trà thảo dược như nước lê nấu với đường phèn, trà gừng, trà phật thủ mật ong… giúp giảm ho, loãng đờm. Không uống rượu, bia và các chất kích thích như cà phê, đồ uống có gas…

Đối với trẻ nhỏ, trước khi cho trẻ ăn nên cho trẻ uống vài thìa nước để làm loãng đờm nhớt, giúp trẻ thở dễ hơn, khi ăn cũng ít bị buồn nôn và nôn trớ.

7. Người bệnh viêm phế quản có nên tập thể dục không?

Tập các động tác thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bị viêm phế quản, giúp cải thiện chức năng hô hấp, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn, máu lưu thông, dễ ho khạc, giảm ho, nghẹt mũi…

Tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn.

Tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện chức năng hô hấp cho người bệnh viêm phế quản.

Tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện chức năng hô hấp cho người bệnh viêm phế quản.

8. Đông y có chữa được viêm phế quản không?

Y học cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị viêm phế quản bằng các bài thuốc thảo dược, xoa bóp, châm cứu giúp lưu thông khí huyết, giảm ho, long đờm, giảm đau và cải thiện chức năng phổi.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý phải đi khám bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn và kê đơn phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc Đông y mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Có thể kết hợp Đông y với y học hiện đại để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

9. Chi phí điều trị viêm phế quản

Chi phí điều trị viêm phế quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

Mức độ nghiêm trọng của bệnh: Viêm phế quản nhẹ thường có chi phí thấp hơn so với viêm phế quản nặng.
Phương pháp điều trị: Viêm phế quản do virus thường được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ, có chi phí thấp hơn so với viêm phế quản do vi khuẩn, cần sử dụng thuốc kháng sinh.
Cơ sở y tế: Chi phí điều trị tại bệnh viện công thường thấp hơn so với bệnh viện tư.
Bảo hiểm y tế: Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-viem-phe-quan-169240613153233285.htm