Tụt lợi có chữa được không?

Tụt lợi được xem là một bệnh lý khá phổ biến và có thể xảy ra với tất cả mọi người. Đặc biệt là những người từ trên 50 tuổi trở lên, nguy cơ mắc tụt lợi càng cao. Ở độ tuổi này, răng cũng như cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa rõ rệt.

Dấu hiệu cho thấy răng bị tụt lợi

Tụt lợi chân răng là bệnh lý răng miệng với biểu hiện chân răng bị lộ rõ do lợi mất dần hoặc do lợi di chuyển dần sâu vào bên trong chân răng. Đây được xem là một trong các triệu chứng của bệnh nha chu. Tình trạng này rất khó phát hiện sớm, mà phải theo dõi qua thời gian. Khi chúng ta tự nhận thấy chân răng mình dài ra rõ rệt, thì lúc đó đã bị tụt lợi.

Một số dấu hiệu khi bị tụt lợi:

Lợi sưng đỏ, thường xuyên có cảm giác đau nhức, khó chịu.
Xuất hiện hơi thở có mùi hôi mặc dù đã vệ sinh răng miệng tốt.
Chảy máu chân răng khi sử dụng chỉ nha khoa hoặc đánh răng, mảnh vụn thức ăn dễ nhét vào khe răng.
Lợi bị rút lại, hở chân răng có màu trắng ngà, răng yếu hơn dẫn đến lung lay.

Tụt lợi gây hệ lụy gì?

Tình trạng tụt lợi thường xuất hiện với những biểu hiện nhỏ lẻ rồi ngày càng rõ rệt sau một thời gian, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, cụ thể:

Gây mòn chân răng khi phần lợi bao quanh chân răng bị tụt, làm lộ chân răng ra ngoài. Lúc này vi khuẩn sẽ làm mất đi lớp men bảo vệ, dẫn đến răng bị yếu đi. Ngoài ra còn khiến răng tổn thương, và nhạy cảm với thức ăn nóng lạnh, gây ê buốt và chảy máu chân răng.
Khi lợi bị tụt, các chân răng bị lộ ra sẽ có kẽ hở lớn, làm kẹt thức ăn trong kẽ chân răng gây khó chịu. Tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, làm hôi miệng, viêm lợi, sâu răng, viêm chân răng thậm chí mất răng…
Gây mất thẩm mỹ, tụt lợi khiến răng dài ra, không đồng đều và kèm theo thưa chân răng. Làm cho bệnh nhân có tâm lý e ngại, thiếu tự tin khi giao tiếp.

Tụt lợi lâu ngày không điều trị sẽ khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Tụt lợi lâu ngày không điều trị sẽ khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Tụt lợi nguy hiểm như thế nào?

Bệnh tụt lợi ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ rệt nên khiến người bệnh thường chủ quan không tìm giải pháp điều trị kịp thời, lâu ngày tình trạng lợi tụt đã nghiêm trọng, buộc phải can thiệp bằng các phương pháp nha khoa.

Tụt lợi không chỉ ảnh hưởng xấu đến tính thẩm mỹ của gương mặt, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, răng yếu và có nguy cơ mất răng rất lớn.

Bên cạnh đó, người bệnh còn thường xuyên bị chảy máu chân răng, răng nhạy cảm, ê buốt, khó chịu, phần lợi sưng đỏ, đau nhức, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn, dẫn đến chán ăn, cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thường xuyên uể oải, mệt mỏi.

Tình trạng tụt lợi do các bệnh lý của răng miệng sẽ nguy hiểm hơn, nếu bị nhiễm trùng thì ổ viêm nhiễm có thể lây lan sang những khu vực lân cận, gây nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Cần sử dụng bàn chải lông mềm và thao tác nhẹ nhàng để chăm sóc và vệ sinh răng miệng.

Cần sử dụng bàn chải lông mềm và thao tác nhẹ nhàng để chăm sóc và vệ sinh răng miệng.

Tụt lợi có chữa được không?

Tụt lợi có chữa được không còn tùy vào tình trạng, nguyên nhân dẫn đến tụt lợi mà bác sĩ có thể thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Một số giải pháp điều trị tụt lợi:

Tụt lợi do thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ. Đối với phụ nữ trong giai đoạn thay đổi nội tiết tố, tụt lợi kèm theo tình trạng răng lung lay cần đến cơ sở nha khoa uy tín thăm khám để bác sĩ đưa ra chẩn đoán phù hợp. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành lấy cao răng, làm sạch bề mặt răng và chỉ định cho bạn sử dụng một số sản phẩm phù hợp cũng như hướng dẫn chăm sóc vệ sinh răng miệng an toàn, đúng cách.
Nếu tụt lợi do bệnh lý răng miệng thì tùy vào nguyên nhân bệnh lý, tình trạng mà có biện pháp phù hợp. Nếu tụt lợi nhẹ chỉ cần lấy cao răng, sử dụng bàn chải lông mềm và thao tác nhẹ nhàng để chăm sóc và vệ sinh răng miệng, tình trạng tụt lợi sẽ dần cải thiện.
Nếu tụt lợi nặng, răng lung lay có liên quan đến các bệnh lý như viêm nướu, viêm nha chu thì sẽ thăm khám và điều trị cũng như uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các giải pháp thường là đặt vạt về phía thân răng, ghép lợi và mô liên kết hay phương pháp bọc răng sứ thẩm mỹ vừa cải thiện thẩm mỹ cũng như chống ê buốt chân răng…

Việc điều trị tụt lợi cần phải tuân theo phác đồ của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định hoặc ngưng thuốc, ngưng liệu trình. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nên chọn những địa chỉ nha khoa uy tín, chuyên nghiệp để thăm khám và điều trị.

BS Nguyễn Thanh Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tut-loi-co-chua-duoc-khong-169240625084656723.htm