Những câu hỏi về chuyện Nga tịch thu tài sản của doanh nghiệp nước ngoài
Nga mới đây đã tịch thu tài sản tại nước này của hai công ty phương Tây là hãng sữa Pháp Danone và hãng bia Đan Mạch Carlsberg...
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến các công ty này tính chuyện rút khỏi thị trường Nga.
Theo hãng tin Bloomberg, hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh về quyền kiểm soát nhà nước “tạm thời” đối với tài sản của các doanh nghiệp hoặc cá nhân đến từ các quốc gia “không thân thiện” với Nga, bao gồm Mỹ và đồng minh của Mỹ. Moscow nói rằng động thái này nhằm đáp trả hành động tương tự, hoặc đe dọa hành động tương tự, của các quốc gia đó.
Việc Chính phủ Nga hôm Chủ nhật vừa rồi tịch thu tài sản của Danone và Carlsberg đánh dấu lần thứ hai Moscow sử dụng sắc lệnh trên để tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Trước đó, Nga đã giành quyền kiểm soát các công ty dịch vụ tiện ích thuộc sở hữu của công ty Hà Lan Fortum và công ty Đức Uniper. Vài ngày sau, cả hai công ty này đều có lãnh đạo mới là những người làm việc trong hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga - công ty có Chủ tịch là ông Igor Sechin, một đồng minh thân cận của ông Putin.
Chi nhánh tại Nga của Danone chiếm khoảng 5% doanh thu của công ty này trong 9 tháng đầu năm ngoái và có khoảng 8.000 nhân viên.
Về phần Carlsberg, Nga và Ukraine chiếm khoảng 13% tổng doanh thu và 9% lợi nhuận hoạt động trong năm 2021. Công ty này có khoảng 8.400 nhân viên ở Nga và trước khi bị tịch thu tài sản ở nước này, đã tách hoạt động của chi nhánh Nga ra khỏi phần còn lại của hãng.
Trước khi diễn ra động thái tịch thu tài sản, cả Danone và Carlsberg đều tìm cách để có thể giành lại quyền kiểm soát chi nhánh ở Nga trong tương lai. Năm ngoái, hãng xe Pháp Renault đã đạt một thỏa thuận rút khỏi thị trường Nga trong đó cho phép hãng quay trở lại sau 6 năm.
Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời liên quan đến việc Nga tịch thu tài sản của doanh nghiệp nước ngoài, do hãng tin Bloomberg đưa ra:
LIỆU CÁC CÔNG TY PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ CHỐNG LẠI HÀNH ĐỘNG TỊCH THU CỦA NGA?
Danone cho biết đang triển khai các bước cần thiết để bảo vệ quyền lợi của cổ đông tại Nga. Carlsberg đang đánh giá các hệ quả về pháp lý và kinh doanh của sự kiện này. Tuần trước, Fortum đã khởi động một quy trình pháp lý về việc bị Nga tịch thu tài sản hồi tháng 4. Tuy nhiên, khi Nga không còn quan tâm nhiều tới việc tỏ ra công bằng với nhà đầu tư phương Tây, rất khó để có thể xác định Danone và Carlsberg hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào khác bị Nga tịch thu tài sản có thể lấy lại được bao nhiêu trong số tài sản bị tịch thu.
Carlsberg cho biết việc họ bị tịch thu tài sản là bất ngờ, nhưng hồi tháng 2, công ty này đã cảnh báo về khả năng nhà chức trách Nga quốc hữu hóa một doanh nghiệp nhằm giữ nguyên lực lượng lao động tại doanh nghiệp đó ở mức trước chiến tranh, nếu phía Nga nghi ngờ doanh nghiệp đó bị tước giá trị. Điều này có nghĩa là ngay cả những công ty “nằm im” hoặc có khả năng giảm hoạt động tại Nga đều có thể trở thành mục tiêu của việc tịch thu tài sản.
NHỮNG THƯƠNG HIỆU PHƯƠNG TÂY CÒN HOẠT ĐỘNG Ở NGA
Các thương hiệu phương Tây với hoạt động lớn ở Nga sẽ dõi theo vụ tịch thụ tài sản Danone và Carlsberg với mối quan tâm lớn. Hãng nước giải khát PepsiCo cũng như các hãng bánh kẹo Mondelez và Mars vào năm ngoái đều đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng ở Nga. Tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever đang bị chú ý vì bán những sản phẩm như kem ở Nga, trong khi hãng Nestle tiếp tục vận hành 6 nhà máy với khoảng 7.000 nhân viên ở nước này.
Các hãng Procter & Gamble, Colgate-Palmolive và Philip Morris International đều còn hoạt động ở Nga. Trong số các công ty hàng tiêu dùng châu Âu, Coca-Cola HBC có Nga là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu. Theo số liệu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nhà đóng chai Coca-Cola khu vực này có 12% doanh thu đến từ Nga.
DANONE VÀ CARLSBERG RA SAO KHI BỊ NGA TỊCH THU TÀI SẢN?
Mặc dù chi nhánh tại Nga có ý nghĩa quan trọng đối với cả Danone và Carlsberg, phản ứng của thị trường sau động thái của Moscow là không đáng kể, bởi cả hai công ty này đều đã cảnh báo về việc phải bút toán giảm mạnh về giá trị tài sản ở Nga. Hồi tháng 10, Danone cảnh báo bút toán giảm tới 1 tỷ Euro giá trị tài sản ở Mỹ.
Carlsberg trước đây cũng đã nói rằng việc rút khỏi Nga sẽ dẫn tới thiệt hại lớn. Trong báo cáo tài chính sắp tới, Carlsberg có thể bút toán giảm giá trị tài sản tại Nga về 0 - theo nhà phân tích Mads Lindegaard Rosendal của Danske Bank.
CÁC CÔNG TY ĐA QUỐC GIA Ở NGA CÒN ĐANG BỊ NHỮNG HẠN CHẾ GÌ?
Hiện tại, các công ty phương Tây ở Nga không thể chuyển lợi nhuận khỏi nước này vì chưa có sự cho phép từ Moscow. Các công ty lớn, trong đó có các công ty hàng tiêu dùng nói trên, còn có khả năng phải đóng thuế 10% cho phần chênh lệch lợi nhuận của năm 2021-2022 so với năm 2018-2019. Việc bán tài sản đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của chính quyền Nga và đóng góp vào ngân sách nhà nước, ngay cả trong trường hợp tài sản đó được bán với mức giá bằng 0.