Những câu hỏi về sách giáo khoa, chương trình tích hợp

Gần đến ngày khai trường niên học 2023-2024, một lần nữa hai vấn đề liên quan đến chương trình sách giáo khoa mới và chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là chương trình tích hợp (CTTH), lại được xới lên với nhiều ý kiến khác nhau, tại nhiều hội nghị, đặc biệt là bỏ hay tiếp tục chương trình tích hợp đang gây rất nhiều khó khăn trong dạy và học...

"Cuộc cách mạng trong giáo dục"

Đến nay, tiến độ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã đi được hơn nửa chặng đường. Hiện đã có sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, đến tháng 9/2023 sẽ có sách các lớp 4, 8, 11. Trong mùa hè này, Bộ đang thẩm định các bộ SGK cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Đến năm 2025 sẽ kết thúc việc thay SGK theo chương trình GDPT mới. Trong 2 vấn đề được xới lên, CTTH được quan tâm nhiều nhất. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình này còn quá nhiều bất cập.

Sáng 09/5/2023, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) lần thứ 17, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu rằng chương trình GDPT mới là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình được soạn theo hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cho cơ sở giáo dục, nhà giáo, cho người dạy và cho người học.

Về SGK, Bộ trưởng cho biết, hiện đang có 3 bộ SGK lớn và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Bộ trưởng ủng hộ việc một chương trình có nhiều bộ SGK giúp huy động nguồn lực, trí tuệ lớn của xã hội, có tính cạnh tranh cao, để tham gia biên soạn. Đến nay có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống SGK.

"Đến thời điểm này, giáo viên (GV) đã quen với việc một chương trình nhiều bộ SGK, tạo ra sự đổi mới, không khí mới theo hướng tích cực, chủ động, khả quan. Việc chọn SGK đã đi vào nề nếp, trở thành bình thường, không còn khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin và nhấn mạnh: "Việc đổi mới lần này là cuộc cách mạng trong giáo dục. Cách mạng mà 100% vui vẻ, tất cả đều nhẹ nhàng, không ai băn khoăn gì thì chắc không phải là cuộc cách mạng".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, chương trình GDPT mới cũng đặt ra nhiều thách thức so với chương trình cũ. Khi thực hiện chương trình mới thì quản lý của bộ nhiều hơn, khó khăn, phức tạp hơn, vì phải thẩm định nhiều bộ SGK nên rủi ro cao hơn, vì việc này chưa từng có, lạ và mới. "Nếu truyền thông không đầy đủ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ huynh thì rất dễ gây ra những phản ứng", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại hội nghị ngày 09/5/2023. Ảnh: Trang thông tin điện tử UB MTTQVN

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại hội nghị ngày 09/5/2023. Ảnh: Trang thông tin điện tử UB MTTQVN

Tuy nhiên, Bộ trưởng Sơn thông báo, ở thời điểm này cũng có một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, khi chương trình đã đi nửa chặng đường, nếu thay đổi, quay lại thực hiện 1 chương trình 1 bộ SGK thì sẽ đi ngược lại triết lý mở, tự do, chủ động mà chương trình mới đã đặt ra. "Một chính sách đang thực hiện nửa chừng mà thay đổi thì sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình GDPT mới", ông Sơn nói.

Bộ GD-ĐT có nên biên soạn 1 bộ SGK chuẩn?

Nhiều vấn đề về SGK lại tiếp tục được đào xới lên tại Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình GDPT mới năm 2018, cũng do MTTQVN tổ chức ngày 02/8.

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội đã nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Nghị quyết cũng yêu cầu, để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT cần tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên Bộ GD-ĐT đã không thực hiện được việc này và được Quốc hội đồng ý, nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ SGK được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn SGK của môn đó nữa.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, đổi mới chương trình, đổi mới SGK là đúng đắn, nhưng việc thực hiện không theo kịp chủ trương, chưa làm thay đổi chất lượng dạy và học. Bà Doan đề nghị Quốc hội có những chuyên đề bàn sâu về giáo dục và thành lập hội đồng gồm những người uy tín đánh giá lại các bộ SGK. "Nếu giống nhau đến hơn 90% rồi thì không cần thiết xây dựng bộ SGK của Bộ GD-ĐT nữa", bà nói.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật của Ủy ban MTTQVN, lại có quan điểm khác. Theo ông, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa Nhà nước rút dần vai trò ở lĩnh vực này. Thay vào đó cần đầu tư, giám sát chặt chẽ hơn, đề nghị Quốc hội tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục: "không nên xã hội hóa biên soạn SGK mà Nhà nước nên đầu tư để có bộ SGK chuẩn cho học sinh".

Ông Đinh Công Sĩ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lại cho rằng: "Nhiều ý kiến của các thành viên đoàn giám sát cho rằng cần thiết phải có 1 bộ SGK do Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm biên soạn để lường trước tình huống, nếu vì lý do gì đó mà các đơn vị xuất bản SGK theo hình thức xã hội hóa hiện nay không biên soạn nữa.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lại ủng hộ chủ trương Bộ GD-ĐT cần phải biên soạn một bộ SGK đầy đủ, cần mua SGK cho thư viện dùng chung vì đây là chủ trương đúng đắn để sử dụng SGK tiết kiệm và lâu dài, còn gia đình nào có điều kiện thì tự mua SGK riêng cho con em mình.

"Mê hồn trận" sách giáo khoa. Ảnh: Hà Châu

"Mê hồn trận" sách giáo khoa. Ảnh: Hà Châu

PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN nêu quan điểm: "Không có chuyện tất cả các bộ SGK mới hiện nay giống nhau đến 90%". Ông Kiều nhấn mạnh: "mô hình 1 chương trình nhiều SGK các nước đã làm rất lâu rồi... Khi đã có nhiều SGK thì SGK chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải pháp lệnh, có nơi không cần SGK mà thầy giáo vẫn dạy được. SGK chỉ là phương tiện và người sử dụng phương tiện ấy mới là quan trọng".

Tại hội nghị này ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc có cần một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn hay không sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe để tham mưu, đề xuất phù hợp.

Vấn đề cấp bách: Bỏ hay tiếp tục chương trình tích hợp?

Đây là vấn đề rất lớn, một câu hỏi mà rất nhiều người, đặc biệt các GV thắc mắc và băn khoăn từ khi CTTH ra đời.

Trong chương trình GDPT mới ở bậc THCS, có 2 bộ môn tích hợp mới đó là Khoa học tự nhiên (KHTN) - thực chất là ghép kiến thức của 3 môn Vật Lý, Hóa, Sinh; Khoa học xã hội (KHXH) - thực chất là ghép 2 môn Lịch sử và Địa lý. Loại hình bộ môn này bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 ở lớp 6. Từ đó đến nay, GV các nhà trường ngao ngán kêu rất khó dạy, vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn. Nhiều GV học môn Sinh học nay phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại. Môn KHXH cũng vậy, GV chỉ đào tạo để dạy môn Địa lý thì làm sao có thể dạy tốt thêm môn Lịch sử?

Cũng tại hội nghị trên, báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 của MTTQVN cũng chỉ ra rằng, các môn tích hợp gây khó khăn nhiều cho GV và việc học của học sinh (HS). Nhiều ý kiến cho rằng rất khó khăn cho GV trong dạy môn tích hợp dù đã được cử đi tập huấn để dạy tích hợp theo CTTH.

Thực tế trong SGK mới, kiến thức trong bộ môn KHTN chẳng hạn, được viết thành các chủ đề hoặc chương riêng như chương về Vật lí, chương sau sẽ là Hóa học, chương sau nữa là Sinh, là kiến thức đơn môn, không có sự "tích hợp" như kỳ vọng, thì nhập chung là rất bất cập. GV cũng không kham nổi, dù có tập huấn nhưng kiến thức môn không chuyên thì không thể dạy tốt được, gặp câu hỏi khó của HS càng lúng túng. Ở bộ môn KHXH cũng vậy. Điều này chỉ làm cho HS thiệt thòi, khi mà trình độ GV chưa thể dạy tích hợp, hơn nữa ở bậc đại học (ĐH) sư phạm họ cũng chỉ đào tạo theo đơn môn đã chọn.

Để đối phó, tại nhiều trường THCS, lo học sinh không đủ kiến thức bậc THCS, các GV trong bộ môn tích hợp bổ túc kiến thức cho nhau trước khi dạy. Thậm chí ở nhiều trường phải bố trí GV từng phân môn dạy thêm cho các em ngoài chương trình dạy chính thức.

Tại Hội nghị do MTTQVN tổ chức ngày 02/8, vấn đề dạy học tích hợp một số môn nhưng chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ GV được nhiều đại biểu lo ngại, đồng thời đề nghị cần có phân tích và đưa ra giải pháp.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chương trình SGK của chúng ta hiện nay có gì đó "sai sai" so với thông lệ quốc tế khi chưa tiến hành thực nghiệm đã áp dụng trên toàn quốc. GS Dũng cho rằng việc bồi dưỡng GV một vài tháng để dạy các môn học mới, SGK mới không thể có tác dụng, GV cần phải "biết 10 dạy 1". Nhiều đại biểu cũng có ý kiến tương tự.

PGS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý - giáo dục VN, là tác giả tham gia biên soạn SGK môn KHTN lớp 6, 7, 8, thừa nhận, khi đưa các môn tích hợp vào giảng dạy đúng là rất khó khăn. Chúng ta chưa chuẩn bị đội ngũ GV, đặc biệt là môn KHTN.

Thực tế, cho đến nay các trường ĐH sư phạm đều tuyển đơn môn, không có đào tạo theo chương trình tích hợp. Bộ GD-ĐT phải tính con đường cho 2 môn tích hợp này, tốt nhất quay về đơn môn như cũ nếu không nhiều thế hệ HS sẽ hổng kiến thức các môn. Đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu HS và khó có thể bù đắp được.

Nếu thay đổi nữa, uy tín ngành giáo dục sẽ ra sao?

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam lần thứ 17, sáng 09/5/2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin đến các đại biểu về những vấn đề liên quan đến việc đổi mới giáo dục và triển khai chương trình GDPT mới, nhất là về SGK. Trước một số ý kiến đặt vấn đề có nên tiếp tục thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: "Người dân thường kêu, giáo dục hay thay đổi, năm nào cũng thay đổi thế, nay mà thay đổi nữa không biết uy tín của ngành giáo dục sẽ ra sao".

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-cau-hoi-ve-sach-giao-khoa-chuong-trinh-tich-hop_150740.html