Những câu thơ viết dở...

Bốn đoản khúc vể 'Nắng trong mưa', thơ Đào Quốc Vịnh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023.

1.“Anh bỏ quên câu thơ viết dở/ câu thơ rơi miền thương nhớ/ câu thơ vương ngực áo em” (Bỏ quên). Tôi muốn trích câu thơ hay này đưa lên đầu bài viết để đảm bảo cho cái “tít” bài không bị hiểu nhầm. Phải thưa ngay với tác giả cùng người đọc, trước thơ tôi không mấy phát huy được sở trường khi “chạm” vào một lĩnh vực tâm hồn thật tinh tế, hấp dẫn nhưng cũng thật khó thâm nhập, làm chủ một đối tượng xưa nay vẫn thường được gọi là “vương quốc của cái đẹp”. Nên phải thận trọng lượng sức và tránh “liều mình như chẳng có”. Tôi vẫn tự nhận mình có sở trường và kinh nghiệm phê bình văn xuôi. Cũng không đến mức “tránh mặt” Nàng thơ, thậm chí đôi khi cũng lấy bình sinh viết về một vài bạn văn nào đó tặngsách thơ. Nhưng rõ ràng là chỉ trong những trường hợp thật hy hữu. Nhưng lần này, được tặng Nắng trong mưa thì nghĩ, thử một lần nữa xem sao. Nên cầm bút, củng cố tự tin, viết một cái gì đó (phải khác) về văn hữu. Nhà văn Đào Quốc Vịnh đúng là “hai tay hai súng” điệu nghệ (đã in 6 tập thơ, một tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn). Ở đây tôi không tính đến tỷ lệ thơ và văn theo con số áp đảo của thơ. Tiếp xúc tác giả chưa nhiều nhưng ngay từ lần đầu, tôi cứ đinh ninh, người này phải viết văn xuôi, đặc biệt làphải viết tiểu thuyết. Vì sao? Vì biết người này sống nhiều, sống kỹ do xê dịch va đập dãi dầu, từng trải bặt thiệp, kinh lịch và nếm đủ vị đời đến nhường ấy thì phải thẩm thấu, lặn ngụp, nhập rất sâu vào đời sống vốn đa đoan, đa sự trong xu thế ngày càng trở nên phức tạp hơn, đôi khi có vẻ như là rối ren và trở nên mê cung, mê lộ, đến độ bất khả tri. Một người đàn ông như Đào Quốc Vịnh, tôi nghĩ, trải đủ các cung bậc từ “đi buôn” vì mưu sinh cũng đã bầm dập, hiện sinh sang “đi dạy học” vì yêu nghề trồng người nên chuẩn mực và cuối cùng là “đi viết văn” vì yêu chữ và yêu tự do. Quả thật như thế thì, về các phương diện tiếp cận tác giả, tác phẩm phải huy động tối đa cùng lúc các phương pháp, kể cả phương pháp“tiểu sử”, “thống kê” để bóc cho ra hết các lớp “vỏ”, tìm ra cái “nhân” của nó - cả về con người, cả về văn chương chữ nghĩa. Hành động viết đôi khi có tác dụng điều hòa các xung đột, mâu thuẫn đời sống, có khi là thoát xác thăng hoa,có khi là một cách (liệu pháp) thuần hóa nỗi đau, cũng có khi là một cuộc chơi sang trọng. Với Đào Quốc Vịnh, tôi nghĩ là tất cả gộp lại các trạng thái, tâm cảm cùng song hành khi cầm bút viết văn, làm thơ.

2.Nắng trong mưa của Đào Quốc Vịnh là thơ giàu ấn tượng (trực cảm, trực giác). Nhà thơ trình ra một cái “nhìn” xuyên suốt, rộng khắp, rồi khi là “bản quyền” thuộc về chính chủ, nghiễm nhiên và tự tin định danh cho nó là một cái “nhìn vào xào xạc” (nhan đề bài thơ in đầu tập thơ). Một là “nhìn” ra thế giới tự nhiên:Nhìn ra phía bên kia góc sân/ Hàng rào dâm bụt đỏ rực/ Mưa giăng mùng trắng đục nửa mùa xuân/Nhìn vào đêm đen/ Mộng mị chiêm bao/Nhìn vào góc sân/ Rêu xanh buồn ngơ ngác. Cái nhìn hướng tới ngoại cảnh trong thơ trở nên đối chọi màu sắc gay gắt (đỏ- trắng- đen-xanh). Nhưng đó là cách (chiêu) đánh lạc hướng độc giả. Để rồi quay ngoắt, bất thình lình chuyển hướng nhìn vào nội tâm: Nhìn vào lòng mình mà sao vời vợ/Mưa giăng nỗi buồn xào xạc/ Ơi nỗi buồn cóng lạnh bàn tay/ Nỗi buồn ơi.Ở đây không đi đến chung cuộc “buồn ơi chào nhé!”, tựa như nhan đề cuốn tiểu thuyết “hot” của nữ văn sỹ Pháp F. Sagan (đã được dịch ra 15 thứ tiếng và in đến cả 1 triệu bản). Thế thì nỗi buồn ấy hẳn lặn sâu thẳm thẳm vào trong lòng, dài dằng dặc xuyên thời gian và không gian. Tôi thấy người thơ thì ăn sóng nói gió, chân đi đầu nghĩ ngợi chật ních công việc, tay làm không ngơi, rất “động”. Nhưng thơ thì nhiều khoảng lặng(“tĩnh”), chi chút nhìn sâu (tìm vào) nội tâm. Nếu nói, “thơ là người”, thì trường hợp này như dưới thanh thiên bạch nhật, sát hợp và trùng khít với người thơ Đào Quốc Vịnh. Tuy nhiên, phải nói rõ hơn, hướng ngoại và hướng nội chan hòa trong thơ ông. Rõ nhất sự hài hòa này được “ngân” lên trong những câu thơ có cái nhịp dập dìu, dang dở, khắc khoải: tôi đổ hồn tôi trộn với mưa/ thu ơi xao xác đường hoang vắng/ gót sen lạc bước còn đâu nữa/ mưa nhòa trong nắng/ nắng trong mưa (Mưa trong nắng).

3. Tìm “bóng”, tôi nghĩ, như là một khai thông (có thể nói như là “thông linh” - một năng lực của trực giác ở trình độ đỉnh cao, cũng có thể coi là một thứ giác quan thuộc hàng “tuệ nhãn”) giữa chủ thể và khách thể trong thơ Đào Quốc Vịnh. Theo phương pháp thống kê (có vẻ hơi cũ càng với ai đó, song le không có cái mới nào đột ngột từ trên trời rơi xuống), tôi tìm ra 31 chữ BÓNG, đi kèm một chữ khác (có 12 lượt “bóng tối” hay “bóng đêm”, còn lại chia đều cho các kiểu bóng như “bóng ta”, “cái bóng”, “bóng hào quang”, “bóng ai”, “bóng cây”, “bóng hình”, “bóng người”, “bóng hào quang”...).Cơn cớ nào vậy?! Đừng nói là ngẫu nhiên và vô thức với người thơ bất kỳ. Huống hồ là Đào Quốc Vịnh. Theo Đại Từ điển tiếng Việt(Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb ĐHQG. Tp HCM, 2013) thì “bóng” có nhiều nghĩa: “Hình ảnh do phản chiếu mà có/ Hình ảnh thấp thoáng, không rõ/ Hình ảnh vu vơ, không trực tiếp...”. Rõ ràng là thế, nên tác giả mới viết những câu thơ kiểu như: Bóng ta nhòa trong những lặng câm phồn sinh (Cái bóng), Cát trắng ôm bóng hào quang chạm vào thân xác ta (Cái bóng), Đi trong bóng tối nhập nhòe, mờ ảo (Nhắm mắt), Bóng ai mờ lưng chừng núi (Rừng thiêng), Sao em thả trăng vào bóng tối (Giá lạnh là nụ cười lấp lóa tim em), Sông buồn in bóng nỗi niềm đơn côi (Không đề 3), Bóng đen nào rơi thõm cõi lòng anh (Dự cảm chiều), Hoang vu không một bóng ai (Rét tháng Một )....Vận chữ “bóng” vào thơ ở mức độ đậm đặc, thiết nghĩ, đó là cách tác giả tạo nên những nét “nhòe”, “mờ”, “khoảng lặng”, tạo nên “nốt trầm” trong cảm xúc và thể hiện, ở thế đối cực với trạng thái “thăng” - tiêu biểu nhất như trong bài thơ nói về sự tuần hoàn của tự nhiên (thời gian và tiết trời): “Mỗi năm một mùa thu sang/ Ngọt vàng sắc nắng/ Hoa trái thơm nồng/ Lòng người bâng khuâng nhớ về bến cũ/ Ngày đông vàng úa/ Má em đỏ hồng căng da nứt nẻ/ Đêm về lạnh rũ đơn côi/ Mỗi năm một mùa xuân sang/ Sắc nắng và mưa lượn bay/ Uống một giọt nồng/ Men/ Chín/ Mỗi năm một mùa hạ về/ Chói chang nắng thiêu lửa đổ/ Ve rà rã gọi tình/ Chia xa màu hoa phượng đỏ” (Bến thời gian). Nhà thơ không tuần tự viết về xuân/ hạ/ thu/ đông theo lối bộ tranh “tứ bình” truyền thống, trái lại đảo chiều thời gian và không gian thu/đông /xuân /hạ. Tôi gọi lối viết đối chọi “thăng- trầm” của Đào Quốc Vịnh là lối viết đảo chiều tư duy và cảm xúcthơ thông thường. Chưa đủ độ để nói về một phong cách thơ. Tất nhiên. Nhưng dư thừa dữ kiện để nói về một cá tính/ bút pháp thơ Đào Quốc Vịnh tung hoành, biến ảo, nhiều tìm tòi.

4. Điệu nói của Nắng trong mưa là ưu trội, rõ thấy. Tôi lại phát huy tối đa “phương pháp thống kê” để làm căn cứ cho những luận giải của mình. Thống kê cho thấy có 10 bài/45 bài trong tập được nhấn nhá bằng điệu “hát” nương cậy vần theo thể lục bát của ca dao (nên ngày xưa các cụ gọi là thơ ca). Đó là sự tiếp nối và vận dụng folklore. Còn lại 35 bài trong tập được trình hiện bằng điệu nói. Điệu nói trong thơ tương thích với “tạng người” “tạng văn” của người thơ Đào Quốc Vịnh - con người của thực tiễn, hiện sinh, đề cao và tuân theo triết lý lão thực. Điệu nói có thể tạo nên công năngnghệ thuật đưa thơ gần với đời với người, nhất là trong thời hiện đại. Điệu nói đôi khi gần với kể một câu chuyện nào đó. Chẳng hạn, khi ta đón một gười thân nào đó trở lại sau nhiều chia xa thì có thể: “Lạch cạch ổ khóa/ Cánh cửa già nua cót két mở/ Run run thương nhớ/ Mong người xưa/ Gặp lại/ Vui đến vỡ òa/ Cánh của mở/ Va vào bức tường vôi lở đính rêu/ Hít hà hơi người xưa/ Nức nở/ Trách ai/ Sao không vội đi về/ Chiếc ghế tre khoác bụi đồng bãi/ Trĩu trên lưng người trở lại/ Đau trong ruột gan bằn bặt ngóng tin người/ Con thạch sùng vẫy vẫy đuôi/ Chép chép miệng/ Cười thật tươi đón chủ/ Phật lòng/Sao lại lặng im?” (Đón người trở lại). Nhưng sử dụng điệu nói đôi khi như dùng dao sắc. Nói hay thì khỏi phải bàn vì tôn thơ lên. Nhưng nói không hay thì có thể dẫn đến “phản thơ”. Cũng may mắn là trong số 35 bài vận dụng triệt để điệu nói thỉnh thoảng cũng “bị lộ” một vài hao khuyết. Tỷ như: “Ngày đông vàng úa/ Má em đỏ hồng căng da nứt nẻ/ Đêm về lạnh rũ đơn côi” (Bến thời gian). Tôi dám chắc độc giả nữ nào đọc câu thơ “Má em đỏ hồng căng da nứt nẻ” thì chắc chắn chỉ thích được ...nửa câu đầu thôi. Nửa câu sau phải quên ngay. Ở đây tôi không nghĩ nhà thơ lạm dụng điệu nói, có thể là thiếu tiết chế, kiểm soát câu chữ trong một trường hợp cụ thể. Đúng thế chăng?! Một lần, tôi có dự giờ chuyên gia Hoa Kỳ giảng về kỹ xảo viết văn tại khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), đã trả lời câu hỏi của sinh viên: “Theo Tiến sỹ thì điều gì quan trọng nhất trong kỹ xảo viết văn?”. Diễn giả trả lời ngắn gọn và thuyết phục: “Kỹ xảo viết văn quan trọng nhất chính là: khi viết, nhà văn có thể trôi theo cảm xúc và thậm chí vô thức. Nhưng khi hoàn thiện để xuất bản thì phải huy động tối đa lý trí để kiểm soát câu chữ trước khi tác phẩm của mình đến tay độc giả”. Nhắc lại chi tiết này tôi chỉ muốn chia sẻ với đồng nghiệp của mình về lao động nhà văn - một thứ lao động cực nhọc và cô đơn nhất trên đời. Bởi dẫu đã in sáu tập thơ thì với nhà thơ Đào Quốc Vịnh, tất cả vẫn còn là dang dở. Những câu thơ vẫn còn viết dở. Vì thế, chưa thể nói người thơ đã “rửa tay gác kiếm”. Hãy đợi đấy!

Bùi Việt Thắng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/nhung-cau-tho-viet-do-post11625.html