Những 'Cây cao bóng cả' giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Với lòng đam mê, tâm huyết, mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc, nhiều người cao tuổi đã cần mẫn lưu giữ và truyền lại tài năng, kiến thức của mình cho các thế hệ con cháu…
Đến thôn Nà Hin, xã Quang Thuận, nhắc đến Páo dung- di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Bàn Văn Vình- nghệ nhân lâu năm và tâm huyết vô cùng với làn điệu truyền thống này. Ông Vình nay đi lại khó khăn, tóc đổi màu và giọng hát không giữ hơi, kéo dài được như nhiều năm trước. Người dân tộc Dao Tiền xã Quang Thuận coi ông như một nghệ nhân, là người duy nhất còn sống biết sáng tác, biết hát và giữ được nhiều bài hát Páo Dung.
Với mong muốn lưu giữ truyền thống, ông Vình đã ghi chép được hơn 100 bài hát từ các cụ xưa để lại và hơn 200 bài Páo Dung do ông tự sáng tác. Không chỉ thế, cách đây nhiều năm, ông Vình đã tự mở một lớp học cho các cháu trong thôn, giảng dạy bằng nhiệt huyết, chỉ bảo cho từng đứa trẻ về kỹ năng diễn xướng, cách ứng tác thơ ca. Mỗi buổi học là tất cả niềm tin về hành trình tiếp bước văn hóa cho thế hệ trẻ.
Ông Vình cho biết: "Khi tôi còn trẻ, Páo Dung được người Dao sử dụng thường xuyên, làn điệu này như một sợi dây kết nối mọi người lại với nhau. Tôi và vợ cũng nên duyên nhờ những câu hát đối của dân tộc. Đến nay, tôi vẫn mong muốn con cháu người Dao thấy được cái hay, cái quý của của làn điệu mà cố gắng học hát. Tôi vẫn lưu giữ và ghi chép cẩn thận những bài hát Páo Dung, mỗi dịp Lễ cấp sắc, hội xuân, hay bất cứ khi nào tôi luôn sẵn sàng truyền dạy lại cho ai muốn học".
Cùng với mong muốn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Lý Văn Hầu- người có uy tín tại thôn Nà Phạ, xã Đồng Phúc (Ba Bể) cũng cẩn thận lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc. Anh Lý Văn Thình- Trưởng thôn Nà Phạ cho biết: Nà Phạ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, theo thời gian, nhiều phong tục tập quán dần bị mai một. Ông Hầu là người có uy tín của thôn nhiều năm nay, luôn gương mẫu tuyên truyền người dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông Hầu rất tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dịp lễ, Tết, đám cưới… bà con lại đến hỏi ông các bước theo phong tục truyền thống. Với uy tín của mình, ông Hầu chia sẻ với bà con về tầm quan trọng của việc giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Động viên, khuyến khích mọi người giữ trang phục truyền thống, tập múa khèn, đánh cù, thổi sáo, ném Pao… Nhờ đó, đến nay những bản sắc quý đó vẫn được lưu giữ tại Nà Phạ.
Đến Bản Duồng, xã Quảng Bạch (Chợ Đồn) chúng tôi được chị Liêu Nhật Lệ- Bí thư Chi đoàn thôn giới thiệu đến gặp bà Lèng Thị Quỷ- người vẫn miệt mài dệt những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Tày. Bà Quỷ năm nay đã hơn 70 tuổi, gương mặt phúc hậu và ánh mắt sáng lên niềm vui khi nhắc đến nghề dệt vải. Bà bảo mình gắn với khung cửi từ khi còn là con gái. Những năm gần đây, bà vẫn miệt mài dệt vải, làm các sản phẩm như: Mặt địu, chăn, gối, màn cửa, mũ trẻ em để bán.
Vuốt nhẹ những sản phẩm đẹp mắt, bà cười hiền: Những năm trước, nhiều người đến hỏi, khen sản phẩm được dệt tay dày, ấm và mang đặc trưng riêng nên tôi bán được nhiều lắm. Thời gian gần đây khách mua ít đi, tôi chỉ làm khi được đặt trước. Dệt vải mất công, bán cũng không được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn muốn làm, vì nghĩ rằng đây là một trong những nét đặc sắc của người Tày, duy trì nghề để thế hệ trẻ còn biết mà tìm hiểu, lưu giữ…
Có thể thấy, người cao tuổi trong tỉnh hiện là một trong những nhân tố quan trọng trong công tác giữ gìn văn hóa các dân tộc. Những “cây cao bóng cả” không chỉ tích cực trong công tác tuyên truyền mà còn là kho tàng lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Mong rằng những tâm huyết của người cao tuổi sẽ truyền được đến thế hệ trẻ, để bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát triển…/.