Những cây cầu đoàn kết
Theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, toàn tỉnh có 38 cây cầu kiên cố được đầu tư xây dựng tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn. Những cây cầu được xây dựng mang dấu ấn của sự sẻ chia thấm đượm tình người, nối đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.
Nối nhịp bờ vui
Xóm Nà Tạo thuộc thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trước đây được gọi vui là “xóm cô đơn”, bởi khi mùa mưa lũ đến, xóm thường xuyên bị cô lập, thậm chí nếu nước rút chậm, còn bị chia cắt nhiều ngày. Người dân trong thôn cũng không nhớ rõ đã làm bao nhiêu chiếc cầu tạm bắc qua suối để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện hơn. Nhưng rồi lũ về cuốn phăng đi tất cả. Năm 2013 từ chương trình 135, thôn được hỗ trợ xi măng, ống cống xây đường ngầm qua suối. Ngày bình thường di chuyển qua dễ dàng nhưng khi mưa lũ về thì xóm Nà Tạo lại “cô đơn”. Cuộc sống khó khăn, vất vả trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như phát triển sản xuất của 10 hộ dân với gần 75 nhân khẩu chủ yếu hộ người Tày nơi đây cứ diễn ra từ năm này sang năm khác. Không chỉ có xóm Nà Tạo, bên kia suối là cả khu vực sản xuất hàng hóa tập trung của cả thôn Nặm Kép với hơn 120 ha đồi rừng và đất soi bãi trồng mía, trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi gia súc…
Thế rồi, ngày trọng đại của thôn đã đến, khi cây cầu Pắc Tiu nhịp dài 12 m, rộng 4 m, lòng cầu 3,5 m bằng bê tông vững chãi được dựng lên, bắc qua con suối nối con đường độc đạo dẫn vào xóm, Nà Tạo chấm dứt những năm tháng bị cô lập mỗi mùa mưa lũ.
Ngày khánh thành cầu, người dân thôn Nặm Kép như vui mừng hơn khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đến cắt băng khánh thành cầu chung vui với người dân. Ông Lương Hải Tuyên, Trưởng thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ rạng rỡ cho biết: “Người dân trong thôn ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Giờ đây nông sản làm ra dễ bán hơn, trẻ con đi học, bà con đi lại thuận tiện, an toàn rồi”.
Một ngày cuối tháng 6 chúng tôi tìm về thôn Tân Dân, đây là thôn cuối cùng của xã Hợp Hòa (Sơn Dương), thôn nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, chỉ qua con suối nhỏ là sang thôn Tân Phú, xã Thiện Kế. Nhìn dòng suối nhỏ trơ toàn sỏi đá, không ai nghĩ nó lại hung dữ khi được tiếp thêm nước, gầm gào suốt mùa lũ. Nhiều năm qua hàng trăm hộ dân thôn Tân Dân và thôn Tân Phú phải chịu cảnh chia cắt khi mưa lớn bởi nước suối dâng cao chảy xiết, các hoạt động sinh hoạt, đi lại và cả việc học hành của trẻ nhỏ đều bị đình trệ. Đồng chí Phùng Xuân Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Dân cho biết: “Cách con suối nhỏ nhưng là 2 xã khác nhau, tuy nhiên chúng tôi đều là người dân tộc Dao quần chẹt đã sinh sống ở đây từ lâu, người dân thôn bên này vẫn có ruộng đất canh tác và anh em họ hàng ở thôn bên kia và ngược lại. Việc học hành của trẻ nhỏ cũng vậy, hàng ngày lượng người đi qua lại giữa 2 thôn rất đông, con đường duy nhất là đi qua cầu tạm bắc qua suối được đầu tư từ chương trình 135 nhưng những ngày lũ về 2 thôn bị ngăn cách”.
Nhưng giờ đây đó là câu chuyện của quá khứ, sự phấn khởi hiện trên nét mặt từng người dân nơi đây từ người già đến trẻ nhỏ. Niềm vui ấy đến từ cây cầu dân sinh bắc qua con suối nối liền 2 thôn chuẩn bị được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Niềm vui đó cũng là niềm vui chung của nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh. Xen lẫn với sự mừng vui của người dân được hưởng lợi từ những cây cầu vững chãi đã hoàn thành và chuẩn bị được hoàn thành là những câu chuyện xúc động về tình đoàn kết.
Chuyện về các “mẹ nuôi”
Gọi mẹ, xưng con là những câu xưng hô thân thương thường ngày của anh em công nhân thi công cầu dân sinh Pắc Tiu tại thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đối với bà Ma Thị Giáp, tình cảm ấy như xuất phát từ sự chân thành và kính trọng. Bốn tháng thi công cầu là những ngày anh em công nhân được gia đình bà Giáp cho ở nhờ và coi như những người thân trong gia đình.
Chỉ cách cầu Pắc Tiu 30 m, căn nhà sàn truyền thống dân tộc Tày của gia đình bà Giáp đã nhuốm màu thời gian nhưng rất vững chãi và không gian rộng. Để thuận tiện trong quá trình thi công cây cầu đơn vị thi công đã xin ở nhờ nhà bà và được gia đình đồng ý. Bà Giáp chia sẻ “Tôi năm nay cũng đã 77 tuổi ở cùng với người con trai út. Nhìn các cháu công nhân cũng trạc tuổi con mình, cuộc sống công nhân đi làm xa nhà, khó khăn thiếu thốn, sẵn có gian nhà rộng lại gần cầu thuận tiện cho việc thi công, khi công nhân xin ở nhờ gia đình tôi đồng ý ngay”.
Anh Nguyễn Văn Lan, công nhân công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng chia sẻ: “Là công nhân cầu đường theo các công trình, nay đây mai đó nhưng khi đến thi công cầu Pắc Tiu được mẹ Giáp cho ở nhờ, anh em công nhân được gia đình hỗ trợ nhiệt tình trong sinh hoạt hàng ngày. Mẹ Giáp là hộ nghèo nhưng mẹ giàu tình cảm, ấn tượng nhất đối với anh em công nhân là mỗi sáng mẹ Giáp dậy từ khi trời còn chưa sáng đun cho anh em công nhân nồi nước uống; những khi trời nắng oi bức mẹ lại nấu chè đỗ đen cho mọi người ăn. Tình cảm của mẹ có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên!”.
Không chỉ cho công nhân ở nhờ, gia đình bà Giáp còn tiên phong hiến 500 m2 đất thổ cư và đất sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công cây cầu. Cũng từ việc hiến đất làm cầu của gia đình bà Giáp nhiều hộ trong thôn cũng đã hiến đất mở rộng đường để đơn vị thi công vận chuyển vật liệu thi công cầu thuận tiện hơn.
Trên những cây cầu chúng tôi đến là những câu chuyện xúc động về tình cảm của người dân đối với công nhân trực tiếp thi công cầu. Trong ngày khánh thành cây cầu dân sinh xóm Cây Quýt, thôn Trung Thành 1, xã Thành Long (Hàm Yên) hòa với niềm vui như ngày hội của 116 hộ dân nơi đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện về việc hiến đất rồi nhiều hộ nhiệt tình hỗ trợ công nhân dựng lán ở, rồi người dân mang gà, cá, vịt, ngan, gạo… thay phiên hỗ trợ công nhân trong thời gian thi công cầu. Tiêu biểu như hộ bà Lý Thị Vàng, ông Trần Văn Bằng.
Hay câu chuyện về hộ bà Trần Thị Bắc, dân tộc Cao Lan là hộ nghèo thôn Làng Mông, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho công nhân ở nhờ trong nhiều tháng. Bà Bắc bảo “Các con đến xây cầu làm lợi cho thôn mình, thấy các con ở lán, trại nóng nực, thiếu thốn cũng tội. Nhà còn phòng trống nên tôi bàn với gia đình mời anh em công nhân lên ở cùng gia đình cho đỡ vất vả”.
Đứng trên những cây cầu còn thơm mùi sơn mới, trong tôi lâng lâng một niềm vui lớn. Việc xây cầu là sự hỗ trợ lâu dài, cốt lõi có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống người dân những nơi được thụ hưởng. Những cây cầu ở vùng sâu, vùng xa không chỉ gieo lên niềm tin về cuộc sống mới mà còn lắng đọng bao xúc cảm của tình người. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa, đó còn là những cây cầu của sự đoàn kết mang ý Đảng, lòng dân.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-cay-cau-doan-ket-160393.html