Những cây cầu giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, nhiều dự án xây dựng cầu được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần kết nối giữa các địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo cho người dân. Để tiếp tục trợ lực cho vùng khó khăn, T.Ư, tỉnh Bắc Giang tiếp tục bố trí nguồn lực xây thêm những cây cầu mới, tạo đà thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Phá thế “ốc đảo”
Ngày 5/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lục Ngạn phối hợp với nhà thầu tổ chức hợp long cầu Thác Lười, thôn Thác Lười, xã Tân Sơn (Lục Ngạn). Đây là cây cầu kết nối các thôn: Thác Lười, Khuôn Tỏ, Khuôn Kén và Bắc Hoa (cùng xã Tân Sơn) với khu vực trung tâm của xã. Để sớm đưa công trình vào phục vụ đi lại, thông thương hàng hóa, ngay khi hợp long, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phát (TP Bắc Giang) huy động tối đa nhân lực, phương tiện thi công các hạng mục liên quan gồm thành cầu, kết nối cầu với đường bê tông cũ.
Được biết, các thôn trên có gần 100% người dân là đồng bào DTTS, mỗi khi có mưa lớn, nước suối dâng cao khiến khu vực này bị cô lập hoàn toàn. Trẻ em đi học khó khăn, việc tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều lại càng trở ngại. Theo ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, toàn xã có 700 ha vải thiều thì các thôn này chiếm đến 60% diện tích.
Mỗi vụ thu hoạch, người dân nơm nớp lo trời mưa bởi sẽ không thể vận chuyển đi, thương nhân cũng chẳng vào thu mua được. “Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, người dân bắt đầu thu hoạch vải thiều. Có cầu Thác Lười, người dân sẽ thuận lợi hơn khi vận chuyển đi tiêu thụ, các thương nhân cũng có thể đưa phương tiện vào tận vườn. Về lâu dài, địa phương đã quy hoạch khu dân cư hơn 14 ha tại thôn Thác Lười và có phương án chuyển trung tâm hành chính của xã vào đây”, ông Vi Văn Hồng thông tin.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, từ Chương trình xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng DTTS của Chính phủ, toàn tỉnh xây dựng mới 43 cây cầu tại vùng DTTS và miền núi, tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Cùng đó, từ chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh dành 72 tỷ đồng hỗ trợ, xây dựng 28 công trình thủy lợi, 33 công trình giao thông cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Qua đánh giá, những cây cầu mới không chỉ phá thế “ốc đảo” mà còn mở hướng làm giàu tại vùng DTTS. Ví như từ dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), trong các năm 2017, 2018, xã Tân Sơn có thêm hai cây cầu tại các thôn Hả và Khuôn So. Có cầu, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo tại hai thôn này giảm đáng kể, từ 40% năm 2018 xuống còn 10% năm 2021.
Tương tự, cầu Bến Mộng tại thôn Thọ Sơn, xã Lục Sơn (Lục Nam) được xây dựng, đưa vào sử dụng đầu năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã mang đến những cơ hội phát triển cho địa phương.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn chia sẻ: “Khi có chủ trương đầu tư xây dựng cầu, 5 hộ ở thôn Thọ Sơn đã hiến gần 1 nghìn m2 đất cùng tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công. Không chỉ phá thế “ốc đảo”, thỏa ước nguyện bao đời của người dân, cầu Bến Mộng còn giúp việc buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn”.
Chung tay kết nối đôi bờ
Cùng với hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, cấp ủy, chính quyền và người dân cũng chủ động đóng góp, huy động các nguồn lực để xây dựng cầu kết nối đôi bờ. Để xây dựng cầu Hổ Lao và đường dẫn lên cầu, nhiều hộ dân ở thôn Hổ Lao, xã Lục Sơn sẵn sàng phá bỏ tường bao, công trình để hiến đất.
Điển hình như gia đình ông La Văn Vành phá 30 m tường bao, 1 gian công trình phụ để hiến 100 m2 đất thổ cư. Tương tự nhân dân các thôn: Đồng Mé, Đồng Tâm, cùng thuộc xã Tuấn Đạo (Sơn Động) hiến 1 nghìn m2 đất, 150 cây xanh các loại để xây dựng cầu Đồng Thủm nối hai thôn. Chính sự chung tay của người dân, nhiều cây cầu mới hình thành, mở hướng phát triển, nâng cao đời sống đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2015-2020, từ Chương trình xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng DTTS của Chính phủ, toàn tỉnh xây dựng mới 43 cây cầu tại vùng DTTS và miền núi, tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế với tổng kinh phí 120 tỷ đồng.
Mặc dù vậy do đồng bào chủ yếu sống quanh núi và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên nhu cầu về cầu, đường kết nối vẫn lớn. Tại nhiều địa phương, các dự án, chính sách được triển khai thực hiện song do mức đầu tư còn thấp nên chưa thể làm được những công trình hạ tầng, dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nhằm trợ lực cho vùng DTTS và miền núi, năm nay, từ nguồn ngân sách T.Ư, Bắc Giang được phân bổ 221 tỷ đồng để thực hiện các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Cùng với đó, trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh bố trí 150 tỷ đồng để triển khai xây dựng 73 cầu, ngầm dân sinh tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Trước mắt, trong năm nay, các địa phương sẽ xây dựng 22 ngầm, 3 cầu dân sinh.
Để chủ động đón dự án, các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đồng thời có phương án huy động các nguồn lực để mở rộng các tuyến đường kết nối. Đơn cử, để phù hợp với cầu Thác Lười (bề rộng mặt cầu 8 m) cũng như hướng phát triển trong tương lai, UBND huyện Lục Ngạn đã điều chỉnh chiều rộng đường dẫn hai bên cầu từ 6 m lên 8 m.
Hay như huyện Sơn Động tuyên truyền, vận động và tổ chức phát động thi đua sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình trên địa bàn.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nói: “Các dự án xây dựng cầu tại vùng DTTS và miền núi đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ bảo đảm an toàn cho người dân mà còn xóa điểm nghẽn giao thông nông thôn tại các địa phương. Để có thêm những cây cầu mới, cùng với chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết