Những cây cầu thắm tình quân dân ở biên giới
Không còn phải lội qua suối hay đi qua cầu tạm bợ, những cây cầu dân sinh vững chắc được Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An vận động hỗ trợ kinh phí và xây dựng, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn biên giới.
Chiếc cầu sắt, mố cầu bằng trụ bê tông chắc chắn bắc qua khe Hỷ được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2023 là "giấc mơ có thật" của hơn 200 hộ đồng bào các dân tộc bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cầu có chiều dài 56m, rộng 3,6m, với tổng trị giá 650 triệu đồng. Công trình do Đồn Biên phòng Nhôn Mai kết nối Công ty vỏ xe Auto Hải Triều và Nhóm Diện chẩn thiện tâm tại thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai thực hiện xây dựng.
Dẫn chúng tôi đi trên chiếc cầu mới, anh Vi Văn Hùng, Trưởng bản Nhôn Mai phấn khởi cho biết: "Nhiều năm nay, người dân đi lại rất vất vả, nhất là về mùa mưa lũ, nước khe dâng cao, người dân không thể đi lại để sản xuất, sinh hoạt, các cháu học sinh phải nghỉ học. Nhưng hôm nay, bà con được Đồn Biên phòng Nhôn Mai vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và cán bộ, chiến sĩ đồn trực tiếp thi công cầu qua khe Hỷ thay cho cầu tạm trước đây, người dân không còn phải lo lắng khi mưa to, nước lũ dâng cao nữa. Bây giờ, việc đi lại của bà con trong bản đã thuận lợi hơn nhiều. Bà con dân bản phấn khởi và cảm ơn BĐBP nhiều lắm".
Là người thường xuyên qua lại cây cầu, anh Vi Tuấn Anh, bản Nhôn Mai chia sẻ: "Trước đây, người dân trong bản đi lại bằng những cây cầu làm tạm từ tre, mét, mỗi lần mưa lũ xuống là cầu bị cuốn trôi, nhân dân trong bản bị cô lập, chờ nước rút mới đi lại được. Bây giờ có cầu mới, vững chắc, thuận lợi trong việc đi lại và chở hàng hóa, chúng tôi không có gì hạnh phúc hơn".
Cầu bắc qua khe Hỷ là chiếc cầu thắm tình quân dân thứ 2 được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023. Trước đó, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã kết nối với nhóm thiện nguyện Diện chẩn thiện tâm tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng cầu dân sinh cho bản Phá Mựt (xã Nhôn Mai). Đây là địa bàn cách xa trung tâm huyện Tương Dương 145km đường rừng, có 65 hộ với 371 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 90%.
Nhiều năm nay, bà con vào bản phải qua suối bằng ván gỗ ghép tạm, mùa mưa lũ thường bị chia cắt do nước suối dâng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thông của người dân và đến trường của các em học sinh. Bằng nỗ lực của những người lính quân hàm xanh và các nhà tài trợ, cây cầu quân dân qua suối vào bản Phá Mựt có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m, kết cấu bằng thép chữ I, có tổng trị giá 500 triệu đồng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui của dân bản và chính quyền địa phương.
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: "Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thời gian qua, công tác an sinh xã hội cũng được đơn vị hết sức chú trọng. BĐBP luôn gắn bó với bà con, thấu hiểu những khó khăn của đồng bào trong cuộc sống. Do đó, khi đồng hành cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã kết nối với các mạnh thường quân xây dựng các cầu dân sinh giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Do kinh phí hỗ trợ còn có hạn hẹp, để đảm bảo công trình hoàn thành, đơn vị đã lựa chọn các đồng chí có kinh nghiệm, có chuyên môn trong xây dựng, hỗ trợ xây dựng cầu qua suối".
Ngoài 2 cây cầu ở 2 bản trên, hiện nay, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đang phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương xã Mai Sơn, huyện Tương Dương tổ chức xây dựng cầu tại bản Chà Lò. Bản có 116 hộ với 521 khẩu, trong đó, có 108 hộ nghèo. Hàng ngày, người dân đi lại phải lội qua suối, nhất là các em học sinh khi đến trường. Theo thiết kế, cầu bắc qua khe bản Chà Lò có chiều dài 15m, chiều rộng 1,6m, với tổng kinh phí 335 triệu đồng. Số tiền trên do Nha khoa Toàn Nha, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các mạnh thường quân tại thành phố Hồ chí Minh đóng góp và hỗ trợ. Khi chiếc cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần đáng kể trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng kết nối phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân bản Chà Lò nói riêng và xã Mai Sơn nói chung.
Không chỉ mang đến sự an toàn cho học sinh và nhân dân các bản được xây dựng cầu mỗi khi mùa mưa lũ tới, những cây cầu thắm tình quân dân mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng còn mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo cho bà con và mang tới niềm tin vào một cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn trên mảnh đất quê hương xứ Nghệ.