Những cây trồng 'dễ tính' cho thu trăm triệu mỗi năm ở xứ Lạng

Với đặc thù của một tỉnh vùng biên, Lạng Sơn luôn xác định nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, hướng tới phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với các cây trồng thế mạnh như cây ăn quả, rau hoa hữu cơ… từ đó làm giàu cho người dân.

Cây hồng Vành khuyên vốn không còn xa lạ với người dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng khi được đưa về trồng từ nhiều thập kỷ trước, tuy nhiên, trước đây đa phần các hộ chỉ trồng tự phát, quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới sản lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, chưa hình thành được thương hiệu.

Tư duy mới, hiệu quả cao

Xuất phát từ thực tế đó, HTX Thanh Tân được thành lập với mục đích liên kết các hộ dân có kinh nghiệm trồng hồng trên địa bàn xã sản xuất theo hướng tập trung với diện tích ban đầu trên 5 ha.

Đến nay, sau thời gian dài thử nghiệm, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 35 ha, hầu hết đều được áp dụng phương thức canh tác an toàn, hữu cơ, kết hợp với nhiều giống cây ăn quả khác như đào, mận... Bên cạnh các loại quả tươi, HTX cũng cung cấp ra thị trường trên 200.000 cây giống/năm, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh.

Hồng đang là một trong những loại cây kinh tế chủ lực ở nhiều địa phương tỉnh Lạng Sơn.

Hồng đang là một trong những loại cây kinh tế chủ lực ở nhiều địa phương tỉnh Lạng Sơn.

Ông Nông Văn Hội, Giám đốc HTX, cho biết trong hơn 20 năm phát triển, các thành viên HTX đã liên tục thay đổi phương thức sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu canh tác nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, cả về chất lượng và số lượng.

Tham gia HTX, các thành viên và nông dân liên kết được tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời được hỗ trợ vật tư đầu vào, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

“Với sự đồng hành của HTX, từ diện tích nhỏ thí điểm tôi đã mở rộng diện tích vườn hồng lên 3 ha. Bình quân mỗi vụ, gia đình tôi thu trên 4 tấn quả, thu về trên dưới 70 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng tăng diện tích vườn ươm cây giống từ 3 sào lên 5 sào, sản xuất khoảng 10.000 cây hồng vành khuyên, trên 20.000 cây đào và mận. Từ vườn hồng cho thu hoạch quả và vườn ươm cây giống các loại, gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm”, ông Nông Văn Thành, thành viên HTX, chia sẻ.

Đa hướng làm giàu

Với vị ngọt mát, thơm ngon đặc trưng và mẫu mã đẹp, hồng Vành khuyên đã và đang trở thành một trong những loại cây đặc sản của tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Văn Lãng nói riêng.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng giống hồng Vành khuyên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 660 ha, trong đó Văn Lãng là một trong những vùng trồng lớn nhất, với sản lượng hàng nghìn tấn/năm, mỗi năm mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.

Nếu ở Văn Lãng có cây hồng thì ở Chi Lăng lại nổi tiếng với cây na. Nhờ những cuộc cách mạng trong sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cây na ở Chi Lăng đang cho hiệu quả cao kinh tế vượt trội.

Điển hình, những năm qua, các hộ dân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ dân từ bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhắc đến cây ăn quả chủ lực ở Lạng Sơn thì không thể bỏ qua cây na ở Chi Lăng.

Nhắc đến cây ăn quả chủ lực ở Lạng Sơn thì không thể bỏ qua cây na ở Chi Lăng.

Đáng chú ý, dựa trên những thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ được thành lập với 27 hộ thành viên HTX, liên kết với 148 hội viên sản xuất na, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 70 ha na.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, đại diện HTX Đồng Mỏ, cho biết sau khi thành lập, HTX đứng ra điều hành, hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.

Nhờ đó, chất lượng sản phẩm liên tục được nâng cao, mẫu mã quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm HTX thu trên dưới 200 tấn quả, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, doanh thu hàng tỷ đồng, thu nhập của hộ thành viên cũng đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Theo lãnh đạo UBND huyện, Chi Lăng có tổng diện tích tự nhiên là 70.418,89 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 76,24%, đất phi nông nghiệp chiếm 5,0%, đất chưa sử dụng chiếm 18,76%.

Trong những năm qua, người dân nơi đây đã tập trung trồng cây na góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nhiều hộ dân trong huyện đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Nhiều thôn, bản có tới 60 - 70% hộ khá giả.

Hình thành các sản phẩm thế mạnh

Cùng với Văn Lãng, Chi Lăng, diện mạo nông nghiệp huyện Tràng Định những năm qua cũng có chuyển biến tích cực. HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng, thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng cũng đang là một điển hình trong phát triển kinh tế ở Tràng Định. Thạch đen, quế, hồi là những sản phẩm chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên và nông dân liên kết của HTX.

Anh La Văn Tuyển, thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết gia đình anh có gần 5 ha hồi, mỗi năm cho thu trung bình từ 3 - 4 tấn hoa hồi. Ngoài ra, gia đình có thêm gần 5 ha quế, đã cho khai thác chọn lọc.

Thay vì phải đợi thương lái đến thu mua như trước, hiện nay, sản phẩm từ cây quế, hồi của gia đình anh Tuyển thu hoạch đến đâu đều được HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng thu mua đến đó với giá ổn định. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình đã bán cho HTX gần 1 tấn vỏ quế tươi. Bình quân mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng quế, hồi.

Có thể thấy, nông dân Lạng Sơn đang có rất nhiều hướng phát triển sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Với những kết quả đang có, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ lớn về quy mô diện tích, sản lượng, phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm có tính đặc trưng của từng vùng, coi đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ và quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách lâu dài, bền vững, có hiệu quả.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường chuyển giao, hỗ trợ nông dân, HTX ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn, thị trường trong nước và quốc tế...

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nhung-cay-trong-de-tinh-cho-thu-tram-trieu-moi-nam-o-xu-lang-1101720.html