Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 4: Nghĩa tình để lại muôn đời

Hoàng thân Souphanouvong đã từng đánh giá: 'Tình hữu nghị Việt – Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất'.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngọn lửa chiến tranh khốc liệt không thể làm lu mờ mà càng soi rõ hơn nghĩa tình trong sáng, thủy chung nhân dân các bộ tộc Lào đã dành cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Suốt thời gian liên minh chiến đấu, nhân dân Lào đã chăm sóc, chở che cho các chiến sĩ Quân tình nguyện khi tình thế cấp bách cũng như chăm sóc lúc ốm đau, yêu thương bộ đội Việt Nam như người thân ruột thịt của mình. Một mối quan hệ hiếm có, vững bền, được gây dựng và thử thách qua 70 năm bằng xương máu chiến sĩ và nhân dân cách mạng, xứng đáng là nghĩa tình để lại đến muôn đời.

Ba cái tên, một cuộc đời

Hoàng thân Souphanouvong trao tặng đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam mặt trận miền Tây 2 Huân chương Giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hoàng thân Souphanouvong trao tặng đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam mặt trận miền Tây 2 Huân chương Giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước khi tình nguyện sang tham gia chiến đấu và hoạt động giúp cách mạng Lào, cựu chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp chưa từng nghĩ đến cuộc đời ông sẽ có thêm nhiều người thân thiết như máu mủ, những người mẹ, người anh, người chị đã chăm sóc, bảo vệ, tặng ông những tên gọi Lào thân thương, gắn bó trong suốt 25 năm sống trên đất bạn.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp là chuyên gia cao cấp của Việt Nam, có nhiều năm công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng Lào, là trợ lý thân cận, trực tiếp giúp việc cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane trong hơn 10 năm.

Chia sẻ về khoảng thời gian ở trên đất nước Triệu Voi, ông Nghiệp nhớ lại: “Người dân Lào chủ yếu theo đạo Phật nên đều có lòng bác ái, nhân từ, vị tha. Thấy bộ đội Việt Nam không biết tiếng nhưng vẫn sang làm việc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chiến đấu, cùng son sắt… thì người dân Lào rất thương, nên ốm đau được nhân dân Lào giúp đỡ, khó khăn được che chở, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, không phân biệt Lào - Việt mà đều nhận chúng tôi là con nuôi, em nuôi và đặt cho những cái tên Lào, vừa để dễ nhớ, dễ gọi, vừa thể hiện sự thân thương”.

Tên Lào đầu tiên mà ông Nghiệp được đặt là “Khăm Xỉ”. Hoàn cảnh được đặt cái tên đó đến bây giờ đối với ông vẫn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Trong một lần xuống thăm thủ trưởng bị ốm, đang được một gia đình người Lào chăm sóc, ông Nghiệp có gặp và trò chuyện với bà mẹ của gia đình đó. Hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, thấy người con trai Việt Nam hiền lành, dễ mến, người mẹ Lào rất thương.

“Bà giới thiệu những người con của mình, trong đó ba người đã trưởng thành và có vợ có chồng, chỉ còn một cô con gái và một cậu con trai nhỏ hơn còn đi học. Bà ngỏ ý muốn giới thiệu tôi với cô con gái. Thời điểm đó, cô ấy đang học một lớp nữ công do một chị cán bộ nữ Việt Nam hướng dẫn. Bà nói: Con muốn gặp em thì đến đó. Sau đó, chúng tôi có gặp gỡ, cô ấy khá xinh và dễ thương, tên là Xỉ Mon. Song kỷ luật và công việc lúc đó không cho phép chúng tôi có tình cảm riêng tư”.

Không có nhân duyên cùng cô gái, nhưng người mẹ Lào vẫn rất yêu quý và nhận ông Nghiệp làm con nuôi. Bà đặt tên cho ông là Khăm Xỉ, chữ “Khăm” tức là “vàng”, chữ “Xỉ” trong tên của cô Xỉ Mon. Cái tên mang hàm ý trân trọng, coi ông quý giá như vàng, như con ruột của bà. Suốt thời gian hoạt động ở đó, ông được gia đình người mẹ Lào chăm sóc, che chở.

“Ở đó được hơn một năm thì tôi chuyển công tác vào sâu trong vùng địch hậu nhưng vẫn giữ mối liên hệ với gia đình ấy. Sau này cô con gái lấy chồng, chúng tôi vẫn đến thăm nhau mỗi khi có dịp”, ông Nghiệp chia sẻ.

Ngoài tên khai sinh và tên “Khăm Xỉ”, ông Nghiệp còn có một kỷ niệm đặc biệt gắn với một tên gọi khác trong quãng đời hoạt động cách mạng của mình. Sau này trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nghiệp chuyển công tác qua tỉnh Champasak, hoạt động trong Tỉnh ủy bí mật, phụ trách vùng phía Tây của Champasak ở bên kia sông. Đây cũng là vùng đằng sau lưng địch nên hoạt động của ông và đồng đội luôn phải hết sức cẩn trọng.

Ông kể lại: “Phía bạn bố trí một anh cũng là đảng viên để giúp đỡ tôi, vì anh đã lấy vợ đến 5 - 6 năm mà chưa có con nên được tổ chức chiếu cố hoàn cảnh gia đình, không đi tập kết”. Suốt thời gian hoạt động tại địa bàn đó, vợ chồng anh chị đã giúp đỡ ông rất nhiều: Anh làm liên lạc, dẫn đường, đưa ông đi cơ sở bất kể ngày đêm. Chị lo việc cơm nước, tiếp tế, chăm sóc khi ốm đau. “Ngày nào ở rừng thì đêm hai anh em mắc võng nằm cùng nhau. Hôm nào mưa anh lại dẫn tôi về ở nhà anh, nhưng suốt cả đêm hai vợ chồng không ngủ, thay nhau canh gác cho tôi, đề phòng có bọn xấu đến”, ông Nghiệp kể.

Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình của ông: Mồ côi cha từ lúc 8 tuổi, ở nhà chỉ còn mình mẹ già, bản thân ông đi hoạt động cách mạng nhiều năm biền biệt, anh chị liền nhận ông làm em nuôi. Người cựu chuyên gia hồi tưởng: “Hôm đó làm lễ chỉ có một con gà, nải chuối và mấy quả trứng. Chúng tôi mời tổ chức làm chứng, làm lễ buộc chỉ cổ tay. Anh nói bây giờ anh sẽ đặt cho em cái tên mới, là Khăm Chăn”. “Chăn” có ý nghĩa là mặt trăng, Khăm Chăn có ý nghĩa như “ánh sáng của mặt trăng”.

Hai anh chị hết lòng chăm lo cho ông trong suốt hai năm ở đó. Ông còn nhớ mãi: “Hôm tôi phải chia tay hai anh chị để về đơn vị ở bên này sông, anh chị ra tiễn và hai vợ chồng đều khóc. Sau này do công tác nên tôi không có điều kiện trở lại thăm anh chị. Hòa bình lập lại, tôi có về Champasak và ghé lại đó đi tìm thăm anh chị nhưng cả hai đều đã qua đời. Đứng trước ngôi nhà đã bị phá, chỉ còn mấy cây dừa, tôi cứ đứng dưới cây dừa khấn vong linh của hai anh chị. Tôi không ngờ ngày chia tay cũng là lần cuối chúng tôi được gặp nhau”.

Người mẹ Lào dành sữa của con cứu bệnh binh Việt Nam

Chiều 24/3/2010, tại thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt - Lào tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khánh thành Bia di tích Quân tình nguyện Việt - Lào. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Chiều 24/3/2010, tại thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt - Lào tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khánh thành Bia di tích Quân tình nguyện Việt - Lào. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Trong những năm tháng sống và chiến đấu tại Lào, những người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã được nhân dân nước bạn đùm bọc, bảo vệ để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Rất nhiều câu chuyện cảm động trong những năm tháng ấy đã góp phần dệt nên tình đoàn kết thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.

Thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến bộ đội tình nguyện Việt Nam, mẹ Kanchia, bản Phon, huyện Lamam, tỉnh Sekong, Nam Lào, luôn dành một sự trân trọng đặc biệt. Chính mẹ là người cách đây gần 50 năm đã vượt qua những rào cản của kiêng kỵ, phong tục tập quán của dân tộc, chia sẻ dòng sữa của một người mẹ đang nuôi con của mình để cứu mạng một bộ đội tình nguyện Việt Nam bị sốt rét, kiệt sức trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt.

Bà Kanchia nguyên là giao liên đã từng chuyển lương thực cho cán bộ, Quân tình nguyện Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ xâm lược tại tỉnh Sekong. Bà từng vận động chị em phụ nữ trợ giúp các đơn vị bộ đội Việt Nam đóng quân dọc núi Trường Sơn - địa bàn qua tỉnh Sekong. Chồng bà là một cán bộ trong đơn vị Quân đội giải phóng Lào đóng quân ở sườn phía Tây núi Trường Sơn, làm nhiệm vụ giúp Quân đội Việt Nam bảo vệ tuyến đường hành quân, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực từ miền Bắc vào miền Nam. Sau này, chồng bà hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Thời điểm đó, tuyến đường cơ giới miền Trung Việt Nam bị quân đội Sài Gòn chiếm nên phía Lào để lại vùng đất dọc Trường Sơn làm con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Tuyến đường này xuyên qua núi rừng, khe suối, các bản làng của Lào. Nhằm chặn tuyến đường vận tải chiến lược của Việt Nam, giặc Mỹ ngày đêm cho máy bay B52 và các loại máy bay khác bắn phá, ném bom và rải chất độc hóa học… vào nhà dân và rừng núi xung quanh khiến gia đình bà Kanchia và dân bản phải liên tục di chuyển, lẩn trốn.

Vào giữa năm 1970, gia đình bà đến ở vùng Huoi Dua trong rừng Trường Sơn, gần đó là một đơn vị quân đội Việt Nam. Một hôm, người chỉ huy tên là Khiết, thủ trưởng của đơn vị đó đến nhà ngỏ ý muốn xin sữa của bà cho một chiến sĩ trong đơn vị đang bị ốm rất nặng. Trong phong tục của người Lào, sữa mẹ chính là dòng máu và chỉ có thể chia sẻ cho con, việc cho người khác là điều kiêng kỵ. Đặc biệt với bà khi đó là một người phụ nữ trẻ, điều này còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, bà đã nói với ông Khiết đưa anh bộ đội đến, bà sẽ chia sữa nếu anh không ngại. Ông Khiết có nói: “Giờ anh ấy quá yếu chắc không ngại đâu, chỉ sợ không còn sữa cho cháu bú”. Bà Kanchia nói: “Không sao, tôi sẽ nấu thêm cháo cho cháu ăn”.

Sau đó, hai chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam dìu đến một anh bộ đội ốm yếu, người gầy trơ xương, tay chân run rẩy. Bà Kanchia để hai anh bộ đội dìu anh bị ốm ngồi bú bầu vú của bà. Trong khoảng 5 ngày, sức khỏe của anh đã khá hơn rõ rệt. Sau đó trong một tháng, trước khi đi làm, bà vẫn chia sữa của con để giúp anh hồi phục. Từ những giọt sữa đầy tình nghĩa đó, anh bộ đội đã dần khỏe lại. Sau này, anh đến gặp bà Kanchia cảm ơn ân nhân và xin làm con nuôi.

Bà Kanchia từng chia sẻ: “Lúc đó tôi cũng chưa từng biết đất nước Việt Nam ở chỗ nào, nhưng khi thấy anh em Việt Nam sang giúp đất nước mình, tôi thương và yêu quý, nên tôi quyết định vượt qua mọi ái ngại và cho sữa. Cũng có người hỏi tôi tại sao lại cho sữa như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng, anh em Việt Nam đến ở làng mình, chiến đấu cho mình, hy sinh xương máu vì mình, nếu mình không chăm sóc sẽ như thế nào, còn gì là đoàn kết nữa”.

Khi cho sữa, bà chỉ nghĩ tới bộ đội tình nguyện Việt Nam cần được cứu sống và tình đoàn kết Lào - Việt Nam: “Lúc đó, máy bay địch bắn phá liên tục, vừa cho sữa tôi phải vừa trông chừng máy bay, cho thật nhanh còn xuống hầm trú ẩn”.

Bà Kanchia có 13 người con, nhưng 10 người bị chết vì bệnh tật, nghèo đói và ô nhiễm môi trường từ chất độc hóa học. Người con trai của bà Kanchia bú chung bầu sữa với anh bộ đội Việt Nam cũng đã bị ốm và qua đời. Năm 1975, đất nước Lào được giải phóng và Việt Nam cũng hoàn toàn độc lập, Quân đội Việt Nam trở về nước. Bà Kanchia cùng gia đình và dân bản xây dựng lại nhà và ổn định cuộc sống mới.

Tri ân đối với nhân dân các bộ tộc Lào đã giúp đỡ, chở che Quân tình nguyện Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào đã phát động quyên góp trong các cấp Hội hỗ trợ bà Kanchia 400 triệu đồng xây căn nhà Hữu nghị vào dịp kỷ niệm 42 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (1/12/1975 - 1/1/2/2017).

Nhường cơm sẻ áo, nhường sữa của con, thậm chí nhường cho nhau quyền được sống. Trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào có vô vàn những câu chuyện, hành động, nghĩa cử cao đẹp như thế. Liên minh chiến đấu với tinh thần gắn bó keo sơn trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang ấy đã góp phần giúp nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 tại Việt Nam và chiến thắng ngày 2/12/1975 tại Lào.

Bài cuối: Củng cố và phát triển nền tảng quan hệ đặc biệt

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/nhung-chang-duong-huu-nghi-va-vinh-quang-bai-4-nghia-tinh-de-lai-muon-doi-20191031063940889.htm