Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 1: Mốc son chói lọi

Đảng sinh ra vào mùa Xuân và mang đến cho đất nước, dân tộc Việt Nam những mùa Xuân bất tận.

Ngày 5.1.1960, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.1960)

Ngày 5.1.1960, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.1960)

Đảng là biểu tượng của mùa Xuân, là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau bao năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường tất yếu: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Tháng 6.1925, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức "quá độ" đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau. Người ra báo Thanh niên, huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Bốn năm sau, tháng 3.1929, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Chi bộ chủ trương phải tích cực vận động thành lập một Đảng Cộng sản thay tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 17.6.1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cộng sản ở các tỉnh Bắc Kỳ họp tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng.

Các văn kiện này thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản, thừa nhận vai trò bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng và thừa nhận mục đích của chủ nghĩa cộng sản. Mục đích của Đảng là đánh đổ đế quốc và tư sản chủ nghĩa. diệt trừ chế độ phong kiến, giải phóng công nông, xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, bác ái.

Để nhanh chóng xây dựng cơ sở của mình ở Nam Kỳ, ngày 21.7.1929, Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Tam Sơn (Bắc Ninh) đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng cơ sở trong Nam.

Các chi bộ cộng sản lần lượt được thành lập ở Nam Kỳ, ở Trung Kỳ và ở Xiêm. Các đảng viên hoạt động ở Trung Quốc được tập hợp trong một chi bộ mang tên An Nam Cộng sản Đảng. Chi bộ này được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã liên lạc với Quốc tế Cộng sản. An Nam Cộng sản Đảng ra đời vào tháng 8-1929.

Tháng 9.1929, bản Tuyên đạt của Đông Dương Cộng sản liên đoàn tuyên bố: “chánh thức lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn”, lấy chủ nghĩa Cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh.

Trong vòng không đầy bốn tháng (từ giữa tháng 6 đến tháng 9.1929) đã có ba tổ chức đảng ở Việt Nam lần lượt ra đời. Sự ra đời nhanh chóng các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Song, sự tồn tại ba đảng độc lập có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước. Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, nhấn mạnh: Nhiệm vụ tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sáng lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản...

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng.

Từ ngày 6.1 đến đầu tháng 2.1930, Hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phản đế đồng minh và Hội cứu tế do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Song Đông Dương Cộng sản liên đoàn vẫn còn là một đảng riêng lẻ. Việc hợp nhất Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một yêu cầu khách quan. Trong bản Tuyên đạt thành lập đảng của mình, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng chủ trương phải hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng "thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hiện cách mạng cộng sản".

Vì thế, sau Hội nghị hợp nhất, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24-2-1930, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu cùng hai ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời là Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng Ngô Gia Tự, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã họp quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng ra đời là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta trong những năm 20 của thế kỷ XX.

90 mùa Xuân qua, dù con đường đi lên có lúc quanh co, phức tạp, dù Đảng ta có lúc phạm khuyết điểm, sai lầm, nhưng do có bản lĩnh vững vàng, thực sự khiêm tốn, cầu thị, Đảng ta nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, cho nên Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi.

Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh về một Việt Nam mới đầy sức trẻ, tự tin hội nhập với những đô thị hiện đại, nông thôn mới, những khu công nghiệp đang trở thành điểm sáng trên trường quốc tế. Đất nước ta, dân tộc ta tự hào có Đảng quang vinh, sắt son một lòng theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Theo TTXVN

Bài 2: Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nhung-chang-duong-ve-vang-cua-dang-bai-1-moc-son-choi-loi-124803