Những chàng trai xứ Trà ở Trường Sa

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt và sự 'thay da đổi thịt' về mọi mặt trên các đảo. Thành quả đó là sự hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những người con ưu tú của mảnh đất 'Thái Nguyên đệ nhất danh trà'.

Trung úy Trần Hải Anh (ngoài cùng bên phải) nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương) trong ca tuần tra, canh gác đêm ở đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trung úy Trần Hải Anh (ngoài cùng bên phải) nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương) trong ca tuần tra, canh gác đêm ở đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngay sau khi đặt chân lên đảo Trường Sa, tôi tìm gặp chiến sĩ Phan Văn Khởi, sinh năm 2003, nhà ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) ở bộ phận hậu cần. Hạnh phúc khi thấy đồng hương, Khởi trò chuyện với tôi lần đầu mà cảm giác như thân quen từ lâu. Chàng trai trẻ này có anh trai là Phan Văn Khải năm 2019-2020 cũng thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

Anh trai Khởi đã phấn đấu rèn luyện tốt, còn vinh dự được kết nạp Đảng tại đảo đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác khi vừa tròn 20 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo, anh đã chăm chỉ ôn luyện và thi đỗ, hiện giờ đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Sĩ quan lục quân. Nghe anh kể, dù bao khó khăn vất vả song vinh dự tự hào với mỗi người thanh niên đó là được thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa, Khởi được tiếp thêm động lực và khát vọng cống hiến nên đã đăng ký thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa.

- Điều em học được lớn nhất từ khi gia nhập quân ngũ và thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa là gì? - Tôi hỏi.

Khởi cười tươi, đôi mắt ánh lên niềm tự hào:

- Vào quân ngũ, ngoài ý thức tổ chức kỷ luật tốt, em cũng rèn được ý chí vững vàng, mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết đồng đội và nhất là tình yêu nước và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc được bồi đắp mỗi ngày.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ Phan Văn Khởi và Trung úy Trần Hải Anh bên cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ Phan Văn Khởi và Trung úy Trần Hải Anh bên cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa.

Nghe Khởi trò chuyện, cùng hòa mình vào cuộc sống của những chiến sĩ Trường Sa, chúng tôi càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả các cán bộ, chiến sĩ phải trải qua khi đối diện với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trong lúc thực hiện nhiệm vụ và sinh sống tại đây. Nhưng nhìn tinh thần lạc quan của họ, chúng tôi càng hiểu, chính sự gian khó trong rèn luyện càng làm cho những người lính đảo ở Trường Sa như Khởi thêm kiên cường và yêu hơn mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này.

Trò chuyện với chúng tôi dưới tán cây bàng vuông xanh mướt tại đảo Trường Sa, Trung úy Trần Hải Anh, sinh năm 1997, nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương), đang là nhân viên của Trung đội kỹ thuật, đảo Trường Sa luôn cười tươi tắn. Anh chia sẻ, từ tháng 7-2024, khi đang công tác ở một đơn vị quân đội tại Thái Nguyên, anh đã xung phong ra đảo Trường Sa nhận nhiệm vụ. Là người sôi nổi, vui vẻ, trong hoạt động tuần tra, canh gác hay các hoạt động văn nghệ thể thao anh đều tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, được đơn vị đánh giá cao.

Khác với Phan Văn Khởi, Trần Hải Anh khi nhận nhiệm vụ ở đảo, ngoài bố mẹ, người thân còn có bạn gái ở quê nhà ngày đêm trông ngóng. Tết vừa qua với anh khá đặc biệt khi lần đầu tiên không ở đất liền cùng bố mẹ và các em. Gửi lời nhắn nhủ gì về tới đất liền, Hải Anh cười bảo: Tôi muốn gửi lời tới gia đình, bạn gái hãy yên tâm, tôi ngoài này cùng các đồng đội sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trung úy Trần Văn Hoàng (người đánh đàn) - chàng trai người Thái Nguyên, hát cùng đồng đội và một nữ thành viên trong Đoàn công tác.

Trung úy Trần Văn Hoàng (người đánh đàn) - chàng trai người Thái Nguyên, hát cùng đồng đội và một nữ thành viên trong Đoàn công tác.

Còn ở đảo Đá Tây, tôi gặp đồng hương là Trung úy Trần Văn Hoàng, sinh năm 1995, quê ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai), đang say sưa ôm đàn ghi ta hát cùng đồng đội. Giữa muôn trùng khơi, sau mỗi ca tuần tra, anh lại cùng đồng đội cất vang những khúc ca về người lính đảo. Cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo, anh Hoàng có vẻ điển trai rắn rỏi với màu da sạm nắng gió. Cười hiền chào đón chúng tôi, anh Hoàng chia sẻ mỗi lần có chuyến tàu từ đất liền ra đảo, anh đều mong ngóng gặp đồng hương.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp kỹ thuật Tăng thiết giáp, anh Hoàng công tác ở nhiều đơn vị khác nhau và từ năm 2023 đến nay nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Hiện, anh Hoàng đã có vợ và con gái được 2 tuổi, đang ở cùng bố mẹ anh tại xã Lâu Thượng. Tâm sự về việc thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, anh nói: Bản thân tôi và có lẽ là với nhiều người lính hải quân khác, đảo là nhà, biển cả là quê hương và trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi hiểu, đây cũng là niềm vinh dự tự hào của người lính.

Chia tay ba chàng trai xứ Trà trở về đất liền, trong lòng tôi ngân lên câu hát: “Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua/". Thật hạnh phúc cho mỗi người trong Đoàn công tác chúng tôi khi được tiếp thêm tình yêu dân tộc, niềm tin và khát vọng hòa bình bởi nơi đảo tiền tiêu với sóng gió dữ dội, những người lính đảo, trong đó có những chàng trai xứ Trà vẫn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh.

Linh Lan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/bien-va-hai-dao/202502/nhung-chang-trai-xu-tra-o-truong-sa-f01036c/