Những chất liệu ngọt có thể thay thế đường
Việc tiêu thụ một lượng đường lớn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường hay ung thư. Để hạn chế sử dụng đường, bạn có thể thay thế chúng bằng một số nguyên liệu làm ngọt tự nhiên.
Mật dừa
Mật dừa tự nhiên được trích ra từ cuống dừa nước, chứa nhiều axit amin tốt cho đường ruột. Chúng chứa nhiều các vi chất thiết yếu như vitamin B1, sắt, kẽm và nhiều hợp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bạn có thể thay thế 1 thìa cà phê đường tinh luyện bằng 3/4 thìa cà phê đường dừa trong các công thức nấu ăn.
Đường dừa có vị ngọt tương tự như đường mía, tuy nhiên chúng không khiến đường huyết tăng cao đột ngột như khi dùng các chất tạo ngọt nhân tạo khác. Thuộc tính chống tiểu đường cao tương đương với thuốc tổng hợp (thuốc Acarbose) dùng cho người tiểu đường trước khi ăn.
Chỉ số đường huyết của đường dừa ở mức trung bình là 50-60/100 so với đường tinh luyện vì vậy rất thích hợp dùng làm chất tạo ngọt thay thế cho người bị tiểu đường tuýt 2; ngăn ngừa thừa cân, béo phì.
Mật ong
Mật ong có chứa một lượng vitamin và khoáng chất nhất định, đồng thời chứa rất nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Các axit phenolic và flavonoid trong mật ong chịu trách nhiệm cho hoạt động chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, viêm, bệnh tim mạch và ung thư.
Đường chà là
Với vị ngọt tự nhiên, không gắt như đường tinh luyện, đường chà là chứa nhiều vitamin B6, sắt, magie và giàu chất xơ. Đường chà là có thể sử dụng thay thế cho đường nâu.
Đường chà là có hàm lượng chất xơ cao hơn nhiều chất ngọt khác, điều này ngăn cản nó hòa tan tốt. Bạn có thể tận dụng đặc điểm này để thêm đường chà là vào các món ăn có độ giòn như bánh quy, bột yến mạch và granola. Ngoài ra, bạn có thể thêm quả chà là vào các loại sinh tố, salad hoặc làm kẹo.
Quả la hán
Quả la hán khi sấy khô cũng có vị ngọt nhưng chỉ số đường huyết (GI) thấp, chứa rất ít carbohydrate và có thể giúp ổn định đường huyết. Bạn có thể dùng 1gr quả la hán để thay thế cho 1gr đường tinh luyện.
Bạn có thể sử dụng quả la hán trong các món bánh/kẹo, món tráng miệng hoặc kết hợp với các nguyên liệu có hương vị đậm đà như bột cacao, quế, quả óc chó và chuối.
Hạt hổ
Hạt hổ (tiger nut) hay còn được gọi là hạnh nhân đất hay hạt chufa có chứa một lượng lớn chất xơ, ít calo và chất béo. Nhiều axit béo omega-6 và omega-9 tốt cho tim mạch cũng có trong hạt hổ.
Loại hạt này có vị ngọt, giống vani; vỏ của chúng chứa đến 10% đường, chất béo và protein, chất xơ trong vỏ của chúng. Ngoài việc chế biến thức ăn, nước uống để thay thế cho đường tinh luyện; hạt hổ còn giúp tạo cảm giác no lâu.
Đường cỏ ngọt
Đường cỏ ngọt có nhiều công dụng cho sức khỏe con người, chúng giúp thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt mà không tăng đường huyết, không sinh calo. Điều này rất có lợi cho người bệnh tiểu đường, hạn chế được việc ăn uống đồ có đường khác, từ đó góp phần giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Siro củ dền
Siro củ dền chứa khoảng 60% đường và nhiều khoáng chất như magie, sắt… Tuy không phổ biến lắm nhưng bạn có thể làm rất đơn giản bằng cách xay nhuyễn, đun chín và lọc lấy phần nước là có thể sử dụng thay thế đường tinh luyện thông thường.
Siro cây thích (cây phong)
Siro cây thích thường được làm từ nhựa cây. Ở khí hậu lạnh, những cây này chứa tinh bột ở thân và rễ cây trước mùa đông. Tinh bột sau đó được chuyển thành đường và thành nhựa vào mùa xuân.
Siro cây thích có chứa một số vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tuy chỉ là một lượng khá nhỏ. Một muỗng canh siro này cung cấp khoảng 1% nhu cầu canxi, kali và sắt, 25% magie, một khoáng chất giúp sản xuất collagen làm đẹp da và xương chắc khỏe.
Siro được làm từ nhựa cây lấy vào đầu mùa xuân có xu hướng nhạt màu hơn so với khi được lấy vào cuối xuân. Bạn nên chọn siro sẫm màu hơn vì có thể chứa chất khoáng và chất chống oxy hóa cao hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-chat-lieu-ngot-co-the-thay-the-duong-556615.html