Những chia sẻ từ y bác sĩ tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch

Từ tháng 7 đến nay, tỉnh Hà Nam đã có hơn một trăm y bác sĩ đang công tác trong ngành y tế xung phong, tình nguyện đến nơi tuyến đầu chống dịch là TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai để cùng chung tay với ngành y tế các tỉnh bạn đẩy lùi dịch bệnh.

Đoàn y bác sĩ số 2 tỉnh Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: NVCC

Đoàn y bác sĩ số 2 tỉnh Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: NVCC

Đoàn công tác số 1 của tỉnh Hà Nam được cử vào TP Hồ Chí Minh từ ngày 16/7, được phân công làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 9, huyện Hóc Môn. Đây là lực lượng đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch, khi từng tham gia công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Hà Nam.

Qua câu chuyện điện thoại với chúng tôi, bác sĩ Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, Trưởng đoàn công tác số 1 của tỉnh Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Đoàn nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 9, nơi tiếp nhận chăm sóc và điều trị cho hơn 2 nghìn bệnh nhân Covid-19, điều trị khỏi và cho xuất viện 1.700 bệnh nhân, còn đang điều trị cho hơn 600 bệnh nhân.

Dù phải làm việc trong điều kiện xa nhà, lại nhiều áp lực, nhất là trong dịp này gia đình nào cũng có con nhỏ chuẩn bị tới trường nên không thể tránh khỏi sự lo lắng, sốt ruột cho các con ở nhà. Nhưng các anh chị em luôn xác định công việc chuyên môn là quan trọng, chỉ tranh thủ những lúc nghỉ ngơi gọi điện về để “chỉ đạo từ xa” và động viên các con và gia đình cố gắng.

Hoa của trang trại tại Đà Lạt gửi tặng y, bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 9 Hóc Môn. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Trần Đức Lý cũng cho biết, tại nơi công tác, các anh thường xuyên nhận được rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp cũng như tình cảm từ bệnh nhân, người dân thành phố và từ quê hương Hà Nam. “Chúng tôi thấy thật ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao” - anh chia sẻ.

Bác sĩ trẻ trong đoàn Trần Ngọc Trâm tâm sự: “Thực ra, lúc đầu xung phong đi vào tâm dịch, mọi người cũng có chút tâm lý vì chưa hình dung hết công việc và tình hình thực tế nơi tâm dịch như thế nào. Nhưng vào tâm dịch chiến đấu rồi thì ai cũng đầy nhiệt huyết và sẵn sàng cống hiến, chiến đấu hết mình. Vì nhìn bệnh nhân mà nghĩ đến gia đình mình, nên ai cũng thấy thương và cố gắng hết sức để giúp đỡ họ”.

Anh cho biết, thời gian đầu thành viên đoàn cũng có nhiều áp lực, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nên số lượng bệnh nhân cũng đông hơn, một số bệnh nhân lại chưa hợp tác tốt. Tuy nhiên, sau đó người dân đã hiểu hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đã có sự hợp tác tốt hơn. Mỗi nhóm làm việc được phân công có cả bác sĩ điều dưỡng và kỹ thuật viên, khi vào việc mọi người đều hỗ trợ lẫn nhau từ công việc chuyên môn đến công việc hành chính như vào máy, nhập kết quả, làm hồ sơ bệnh án…

Trần Ngọc Trâm cũng cho biết, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh éo le, nhiều cụ già yếu có bệnh nền nên niềm vui lớn nhất đối với các y bác sĩ hằng ngày là có nhiều xét nghiệm có kết quả âm tính để thông báo đến bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện. Có trường hợp em bé sinh năm 2021, mới được mấy tháng tuổi nhưng đã mắc Covid-19 vì mẹ dương tính. Sau thời gian điều trị, bé đã âm tính và đủ điều kiện xuất viện, nhưng mẹ bé vẫn chưa khỏi bệnh. Bố và ông bà của bé cũng mắc Covid-19 và đang điều trị ở các bệnh viện khác nhau. Do đó, bé phải ở lại bệnh viện cùng mẹ và hàng ngày được các y bác sĩ chăm sóc.

Vượt hàng nghìn km đến tâm dịch TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ, qua điện thoại, bác sĩ Trần Văn Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Trưởng đoàn công tác số 2 của ngành y tế Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ ngày 7/8 đến nay, đoàn làm việc tại Khoa Cấp cứu số 3, Bệnh viện dã chiến số 6 (quận Thủ Đức), điều trị các F0 nặng. Với 115 giường bệnh thường xuyên kín bệnh nhân Covid-19 nặng, tại đây, 100% bệnh nhân đều phải thở oxy, trong đó có 15-20% phải dùng máy thở oxy dòng cao.

Chăm sóc bệnh nhân tại BV dã chiến số 9. Ảnh: NVCC

Tất cả bệnh nhân đều không có người nhà vào chăm sóc, tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh nhân không thể tự đi lại và vệ sinh cá nhân. Nên cùng với công việc điều trị chuyên môn, hằng ngày các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa đều phải thay người nhà chăm sóc bệnh nhân toàn diện, thêm cả việc thông tin liên lạc với người nhà bệnh nhân về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Có bệnh nhân nặng quá phải dùng ống xông duy trì đường ăn, người nhẹ hơn được các điều dưỡng bón cháo…

Do đặc thù làm việc trong môi trường truyền nhiễm nặng, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mình, các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại đây phải tuân thủ nghiêm các quy định của bệnh viện về mặc quần áo bảo hộ.

Khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ cấp độ 3, cấp độ 4 như những tấm bạt bao kín, lại làm việc cấp cứu căng thẳng từ 4 - 6 giờ liên tục trong môi trường không điều hòa, không uống nước, không đi vệ sinh và phải đeo khẩu trang y tế chuyên dụng thường xuyên. Khi hết ca làm việc, ra khỏi khu điều trị, cởi được bộ quần áo bảo hộ ra, quần áo bên trong ai cũng ướt sũng mồ hôi và thấm mệt, trên mặt là những vệt hằn vì đeo khẩu trang quá lâu.

Nhưng, khi chứng kiến nhiều ca bệnh nặng mỗi ngày và có nhiều người còn trẻ tuổi cũng bị mắc Covid-19 cần được cấp cứu, mỗi y bác sĩ tại khoa lại động viên nhau cùng cố gắng, vì sức khỏe, tính mạng và niềm tin của mỗi bệnh nhân và niềm tin hy vọng của cả xã hội đang đặt nơi mình.

Bác sĩ Trần Văn Anh tâm sự, mỗi khi có bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, có tiến triển tốt đủ điều kiện chuyển về khoa hồi sức tích cực là cả đoàn ai nấy đều vui mừng và có thêm động lực làm việc mà quên đi những oi bức khó chịu của quần áo bảo hộ và cả sự mệt mỏi vì áp lực công việc. Với trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, anh em trong đoàn cố gắng hết sức, điều trị theo phác đồ, theo dõi sát tiến triển bệnh của bệnh nhân từng giờ, từng phút, để giúp họ chiến thắng được bệnh, dịch.

HÀ NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/nhung-chia-se-tu-y-bac-si-tinh-nguyen-noi-tuyen-dau-chong-dich-663574/