Những chiếc 'cần câu' xóa đói, giảm nghèo của BĐBP

Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP còn tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể cơ sở giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở các địa phương góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân. Ảnh: Tiêu Dao

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở các địa phương góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân. Ảnh: Tiêu Dao

Khi “cần câu” trao tay

Phát huy vai trò nòng cốt, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Nhiều bản làng biên giới bây giờ đã ấm no hơn và với đồng bào biên giới, sự đổi thay ấy đều có bóng dáng của BĐBP đồng hành cùng với chính quyền địa phương. Bóng dáng của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng từ giúp dân phát triển các mô hình kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, cho đến hỗ trợ ngày công dựng nhà cửa, tuần tra mốc giới...

Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam được xem như những người con thực thụ của bản làng khi cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội... Nơi nào có mặt của họ, nơi đó, cuộc sống của người dân luôn được yên bình và đổi khác. Vì thế, không lạ khi nghe đồng bào biên giới đặt cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị danh xưng “Bộ đội của dân làng”.

Bên cạnh triển khai công tác tuần tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry còn triển khai nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là góp sức xây dựng chương trình nông thôn mới. Đồn Biên phòng Ga Ry đã vận động được gần 2,5 tỷ đồng xây dựng hơn 50 ngôi nhà Tình nghĩa cho các hộ đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, xây dựng 2 tuyến đường liên thôn, cùng nhiều cổng chào văn hóa và các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các hoạt động thiết thực như hỗ trợ hơn 15ha cây đẳng sâm, cùng hàng nghìn vịt xiêm giống và các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng lúa nước, cam bản địa... đã tạo sinh kế mới giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình được triển khai, nhanh chóng trở thành sản phẩm chất lượng, nhất là trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; phát triển cây dược liệu, góp thêm màu xanh dưới tán rừng.

Bên cạnh đó, bằng vai trò kết nối, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry tích cực vận động nguồn lực, trao tặng hơn 10.000 suất quà, với tổng trị giá 5,4 tỷ đồng hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn và trẻ em nghèo. Đồng thời, nhận đỡ đầu hàng chục học sinh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”; duy trì các hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào khó khăn, góp phần xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tại xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), những năm qua, Đồn Biên phòng A Xan cũng đã trao heo đen cho 7 hộ gia đình tham gia vào mô hình hỗ trợ sinh kế “Nuôi heo đen bản địa”. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi hộ gia đình trên địa bàn xã A Xan được nhận 3 con heo (2 cái, 1 đực) cùng thức ăn tổng hợp, thuốc khử khuẩn chuồng trại, vật liệu liên quan trong quá trình chăm sóc heo. Không chỉ thế, các cán bộ, chiến sĩ tại đây đã hướng dẫn người dân trồng lúa nước 2 vụ, vừa đảm bảo lương thực, vừa có thể bán để nâng cao điều kiện kinh tế.

“Từ khi biết làm ruộng lúa nước cho đến phát triển trồng dược liệu đẳng sâm dưới tán rừng, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và tích cực từ cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Tình cảm quân dân ở biên giới này không khác gì anh em ruột thịt” - Trưởng thôn Knohk, xã A Xan chia sẻ.

Không chỉ tại các buôn làng biên giới huyện Tây Giang, mà tại các địa bàn biên giới của tỉnh Quảng Nam, từ năm 2021 đến nay, BĐBP Quảng Nam đã hỗ trợ gần 2.000 ngày công, giúp các hộ nghèo sửa chữa và xây dựng hơn 100 ngôi nhà. Mô hình “Bát cháo tình thương”, “Con nuôi đồn Biên phòng” được công nhận là cách làm hay trong thực hiện công tác dân vận, gắn kết tình quân dân nơi tuyến biên cương xa xôi.

Trao mô hình sinh kế “Nuôi heo thương phẩm” cho các gia đình xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Tiêu Dao

Trao mô hình sinh kế “Nuôi heo thương phẩm” cho các gia đình xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Tiêu Dao

Cũng từ mô hình này, giấc mơ đến trường theo học con chữ của nhiều trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thắp lên. Hưởng ứng mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị Biên phòng cũng đã nhân rộng mô hình này trên 2 tuyến biên giới và biển, đảo, góp phần tăng cường mối đoàn kết, gắn bó quân dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc.

Những mô hình hay giúp người dân giảm nghèo

Tương tự, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngôi nhà san sát và màu xanh của những nương ngô, vườn dứa bạt ngàn là minh chứng cho mồ hôi, công sức và tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh BĐBP Thừa Thiên Huế đã dựng xây. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của BĐBP và sự nỗ lực của người dân, các mô hình sinh kế tại huyện A Lưới đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, từng bước giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

A Lưới là huyện miền núi biên giới có 4 đồn Biên phòng đóng quân (Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Đồn Biên phòng Nhâm và Đồn Biên phòng Hương Nguyên).

Ở Đồn Biên phòng Nhâm, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng lúa nước, nhất là trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Đơn cử như tại thôn Kleng A Bung, xã Quảng Nhâm, với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, đồng bào đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nhân rộng mô hình chăn nuôi, từng bước hình thành nhiều mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 33 hộ nghèo, hầu như nhà nào cũng có 1ha trồng keo, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Mậu (thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) thuộc diện đặc biệt khó khăn, từ khi được BĐBP hỗ trợ lợn giống, lại hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi, đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư thêm để mở rộng khu chăn nuôi và xác định đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cạnh đó, ông A Viết Bổ là một trong 2 gia đình được nhận mô hình sinh kế từ đàn heo giống. Gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, mô hình sinh kế được trao tặng là nguồn vốn quý giá để gia đình tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. “Tôi sẽ chăm sóc heo giống thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình” - ông A Viết Bổ chia sẻ.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-chiec-can-cau-xoa-doi-giam-ngheo-cua-bdbp-post463750.html