Những chiếc khẩu trang nghĩa tình
Như con ong chăm chỉ, những người phụ nữ (PN) ở các xã biên giới huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An ngày đêm cặm cụi trên chiếc máy may để cho ra những chiếc khẩu trang nghĩa tình, ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Nhà nhà may khẩu trang
Biên giới những ngày này trời nóng như đổ lửa. Bên mái hiên nhà của một số người dân ở xã Khánh Hưng, Hưng Điền A lúc nào cũng vang lên tiếng máy may lạch cạch.
Có khoảng 20 máy may, hàng ngày hoạt động hết công suất để sản xuất những chiếc khẩu trang vải. Vì hạn chế tập trung đông người nên nhà nào ở nhà đó tự may. Để có được chiếc khẩu trang thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn và người làm “cầu nối” xuyên suốt cho cả hành trình là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Hưng Điền A - Phạm Thị Ngọc Hải và Chủ tịch Hội LHPNVN xã Khánh Hưng - Hồ Thị Phượng Hằng.
“Tình đoàn kết, sự yêu thương, san sẻ cùng nhau trong mùa dịch thật ấm lòng. Dù lớn tuổi, tôi vẫn muốn góp chút sức mình vào công việc ý nghĩa này” - cô Danh Thị Dung, ngụ ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, tâm sự.
Cô Dung đã ngoài 60 tuổi. Để có thể phụ may khẩu trang, hàng ngày cô dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước, chăm sóc cho cha và chồng bị bệnh, rồi sau đó ngồi vào bàn máy may. Cô may tầm 21 giờ mới nghỉ.
Trước đây khi chưa vào vụ lúa, các chị ở xã biên giới có nhiều thời gian hơn để may khẩu trang. Nay ban ngày các chị ra đồng, tối về lại thức may khẩu trang. Trong số họ, có một số người là thợ may quần áo cho gia đình, có người là tay ngang. Với những ai chưa biết may, trong lúc cấp bách như hiện nay, người biết may hướng dẫn vài lần là có thể may được.
Chị Hải cho hay: “Ý tưởng may khẩu trang miễn phí trong mùa dịch xuất phát từ chị Võ Thị Cẩm Hồng, ngụ ấp Tà Nu, xã Hưng Điền A. Ban đầu, chị Hồng có liên hệ với PN 2 xã nhờ một số chị biết may để may khẩu trang chị sẽ trả tiền công. Nhưng sau đó, khi biết được việc làm ý nghĩa này, các dì, các chị tình nguyện may, không nhận thù lao. Trong nhóm may, đâu chỉ có PN mà còn có vài người nam. Họ thấy việc làm ý nghĩa nên cũng chung tay. Từng đường kim, mũi chỉ có thể còn chưa thật đẹp mắt nhưng chúng tôi trân quý họ ở tấm lòng, miệt mài vì công tác xã hội”.
Chị Hải vốn xuất thân là thợ may. Ban ngày đi làm nhiệm vụ, đêm về nhiều khi chị lại thức để may khẩu trang. Riêng chị Hằng tuy là tay ngang nhưng cũng tích cực hỗ trợ. “May không đẹp bằng các dì, các chị thì mình động viên rồi đi nhận vải đem về, sau đó đi giao khẩu trang cho những nơi cần...” - chị Hằng nói.
Cho đi là còn mãi
Nắng rát cả da mặt ở miền biên giới. Giữa trưa nắng, với hành trang là chiếc xe gắn máy thân thuộc, chị Hải, chị Hằng lại một mình vận chuyển những chiếc khẩu trang đến với nơi cần. Chạy xe trên tuyến biên giới, mồ hôi ướt cả lưng, mỗi lần có chuông điện thoại reo: “Cho thêm mấy chú bộ đội một ít khẩu trang nữa nhé! Chỗ này đang thiếu khẩu trang nè hoặc dì ủng hộ chút tiền để mua vải,...” là bao nhiêu mệt nhọc của các chị dường như tan biến.
Ngày nào cũng vậy, chị Hải, chị Hằng đều đến nhà chị Hồng ở ấp Tà Nu để nhận vải được cắt sẵn, sau đó đi giao cho các chị trong xã. May xong, hai chị đi thu gom về giao lại để làm các công đoạn vệ sinh,... Rồi họ lại một lần nữa đến nhận khẩu trang thành phẩm tặng các đơn vị.
Chị Hải chia sẻ: Thấy thương lắm! Nhất là những ngày nắng, bộ đội biên phòng phải chốt chặn cả ngày lẫn đêm ở những đường mòn, lối mở. Có chốt không có bóng cây, nắng như thiêu đốt. Không có nước uống, các anh phải chở theo. Thỉnh thoảng, người dân ở gần đó lại đem nước ra. Họ túc trực cả ngày lẫn đêm rồi kết hợp công an, dân quân tuần tra,... nên những việc làm của chúng tôi, quả thật không có là bao so với công sức của các anh.
Trong những ngày có dịch, các địa phương không còn là thi đua mà là yêu nước theo lời dạy của Bác. Họ chẳng phân biệt ai ở xã nào, số khẩu trang có được không chỉ hỗ trợ các chốt biên phòng, người dân nghèo 2 xã Hưng Điền A, Khánh Hưng mà còn ở hầu hết các xã biên giới của huyện như Thái Bình Trung, Thái Trị, Tuyên Bình, đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Hưng và một vài nơi khác. Tính đến nay, đã có khoảng 9.000 chiếc khẩu trang vải được các chị ở đây hỗ trợ.
Trong số những người đó, nếu như không nhắc đến chị Võ Thị Cẩm Hồng là một thiếu sót lớn. Chị thông tin, gần 1 tháng qua, nhận thấy tình hình khẩu trang khan hiếm, chị nảy sinh ý định góp chút tiền, thông qua các mối quan hệ, nhận đặt vải về may khẩu trang. Đầu tiên, chị dự định may khoảng 700-800 chiếc khẩu trang để tặng các điểm chốt chặn và những anh biên phòng ở khu vực biên giới. Biết một mình không thể làm nổi nên chị liên hệ chủ tịch hội LHPNVN 2 xã. Rồi dần dần, số lượng khẩu trang không dừng lại ở con số dự tính lúc ban đầu mà tăng ngày càng cao.
Vải may ban đầu được chị đặt mua về, chồng chị hỗ trợ cắt rồi PN 2 xã đi phân phát cho các chị may. Sau khi thu gom trở về, chị Hồng ngâm muối, giặt, phơi khô rồi đóng gói gọn gàng để đưa đi tặng. Ngày nào cũng vậy, công việc cứ lặp đi lặp lại từ sáng sớm cho đến tận khuya nhưng chị không cảm thấy mệt mà còn thấy lòng vui lạ thường. Bởi chị hiểu rằng, hành trình của chị không hề đơn độc mà còn có sự ủng hộ, động viên của người thân và sự góp sức của nhiều PN ở miền biên giới. Chị nói: “Nếu không có nhiều người ủng hộ, đồng lòng, một mình tôi không thể làm được”. Cứ như vậy, mỗi ngày có người góp chút ít tiền để chị mua thêm vải, cho ra đời những chiếc khẩu trang nghĩa tình.
Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Vĩnh Hưng - Tạ Ngọc Huệ cho biết, Vĩnh Hưng là huyện biên giới nên thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng với Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh. Những người phụ nữ “tay yếu, chân mềm” lại là hậu phương làm những công việc giúp các anh vững vàng nơi trận tuyến. Trong số đó, có những dì, những chị tạm gác lại việc riêng để dành thời gian may khẩu trang, nhất là các chị ở xã biên giới. Trong đó, có những chị, những anh chưa từng may một lần cũng trở thành những người thợ may “bất đắc dĩ”. Tấm lòng của họ mới thật đáng quý!
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhung-chiec-khau-trang-nghia-tinh-a93373.html