Những chiếc váy của bé gái treo trên thánh giá nhận Giải Ảnh báo chí thế giới 2022
Một bức ảnh gây xúc động mạnh với những chiếc váy của bé gái treo trên các cây thánh giá gần Kamloops tại Canada, nơi năm 2021 đã phát hiện các phần thi thể của 215 em nhỏ, đã được trao Giải Ảnh của Năm trong khuôn khổ giải Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) năm 2022.
Nhiếp ảnh gia tư liệu Amber Bracken, tại thành phố Edmonton (Canada), đã chụp bức ảnh này. Từ góc phải khung hình, những chiếc váy màu đỏ cam của các bé gái được treo trên những cây thánh giá gần một đường cao tốc ở Kamloops, một thành phố nhỏ ở bang British Columbia, nơi từng là lối vào một khu ký túc xá được lập ra cách đây một thế kỷ nhằm đồng hóa người bản địa ở Canada. Bên trái khung hình là cảnh cầu vồng trên khu đất gần hố chôn tập thể được phát hiện hồi năm ngoái, phát hiện đầu tiên trong một loạt các bí mật tương tự khiến người dân Canada phải đối mặt với quá khứ đau buồn.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Bracken được đăng trên tờ the New York Times trong bối cảnh Giáo hoàng Francis lên tiếng xin lỗi các cộng đồng người bản địa vì sự lạm dụng đã xảy ra tại các khu ký túc xá do nhà thờ điều hành ở Canada thời xưa. Rất nhiều cuộc điều tra về các khu ký túc cũ đang được tiến hành trên khắp đất nước Canada sau vụ phát hiện các hố chôn tập thể bí mật này, với trên 4.000 em nhỏ bị cho là đã mất tích.
Phát biểu trước báo giới, nhiếp ảnh gia Bracken bày tỏ: "Thật tự hào khi được nhận giải thưởng này, nhưng tôi cảm thấy đây không chỉ là một bức ảnh của riêng mình. Đây là sự đại diện cho điều gì đó mà cộng đồng đã tạo ra để tưởng nhớ về những em nhỏ đã thiệt mạng".
Những bức ảnh được nhận giải trong năm nay tiếp tục tập trung vào chủ đề nhấn mạnh đến các cộng đồng người bản địa trên thế giới. Nhiếp ảnh gia tư liệu người Australia, Matthew Abbott đã được nhận giải nhất thể loại Câu chuyện của Năm (Story of the Year) với một loạt ảnh về cách người bản địa Nawarddeken ở vùng Arnhem Land đã sử dụng lửa như một công cụ quản lý đất đai nhằm chống biến đổi khí hậu như thế nào. Với thói quen được gọi là "đốt lạnh", người bản địa Australia đã ngăn được các đám cháy rừng - vốn tàn phá nhiều nơi khác ở Australia do khí nóng gia tăng - nhờ vậy đã giảm lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Phát biểu với báo giới, nhiếp ảnh gia Abbott cho biết: "Cách làm này đã được thực hiện hàng chục nghìn năm qua, nhưng giờ đây khi biến đổi khí hậu diễn ra quá nhanh, các thói quen này mới thực sự được kiểm nghiệm đầy đủ".
Trong các thể loại khác, nhiếp ảnh gia người Brazil Lalo de Almeida đã nhận giải Dự án Dài hạn (Long Term Project) cho những bức ảnh nói về tác động của nạn phá rừng Amazon đối với các cộng đồng người bản địa. Nữ nhiếp ảnh gia Isadora Romero đã nhận giải Định dạng mở (Open Format) cho đoạn video kể về lịch sử gia đình cô ở Columbia.
Chủ nhân các giải thưởng được nhận 6.000 euro (6.500 USD) và tác phẩm của họ được triển lãm từ ngày 15/4 tại Amsterdam (Hà Lan) trước khi trưng bày trên khắp thế giới.