Những chiếc xe buýt đầu tiên của Hà Nội
Hơn 70 năm tồn tại trong thế kỷ 20, kể từ khi ra đời cho đến khi bị gỡ bỏ, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng quan trọng nhất với khu vực nội đô. Thế nhưng đưa khách từ Hà Nội đến trung tâm ngoại ô và các tỉnh lân cận lại là xe buýt. Xe buýt xuất hiện đã thay thế cho tàu, thuyền, xe ngựa - những phương tiện lạc hậu chở khách trước đó.
Xe buýt có từ bao giờ?
Khoảng năm 1919 - 1920, Hà Nội xuất hiện 4 chiếc xe chở khách đầu tiên nhãn hiệu GM (General Motor) chạy tuyến Hà Nội - Sơn Tây và Hà Nội - Hưng Yên vì 2 nơi này không có bến tàu đường sông. Không rõ ai là chủ những chiếc xe này, chỉ biết lái xe là người Việt vốn từng đi lính thợ cho quân đội Pháp trong Thế chiến 1, có bằng lái xe do Pháp cấp. Nơi đón trả khách chính là bến Cột Đồng hồ (nay là phố Trần Nhật Duật). Bến sơ sài, trơ trọi cái nhà điều hành và lơ vơ vài người bán nước chè.
Trong những năm này do cầu Long Biên còn hẹp, chưa được mở rộng 2 bên nên những xe buýt đi Hưng Yên phải qua bên kia sông bằng phà. Đến năm 1924, việc mở rộng đường 2 bên cầu hoàn thành nên xe buýt không phải qua phà nữa.
Rồi số đầu xe tăng nhanh, bến Cột Đồng hồ trở nên chật trội vì thế Hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra khu vực chuyên buôn bán nứa (gần cầu Long Biên), từ đó bến xe mới có tên là bến Nứa. Ba hãng xăng dầu là Shell, Socony và Texaco đã mở điểm bán xăng ở đây. Hãng Texaco đã giành được quyền tài trợ xây nhà bán vé khang trang nên trên nóc được cột hình vuông 4 mặt có tên của hãng này.
Theo tạp chí Tự nhiên xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1926 phát hành tại Hà Nội thì năm 1925, trung bình một ngày có 4 xe tải, 166 xe ô tô con và 79 lượt xe buýt qua lại cầu Long Biên. Từ con số thống kê trên cho thấy, số đầu xe buýt ở Hà Nội trong thập niên 20 thế kỷ 20 chưa nhiều.
Nhưng đến cuối thập niên 20, xe buýt Hà Nội có bước tiến mới, hàng ngày từ bến Nứa có xe đi Hưng Yên, Sơn Tây, tuyến ngắn chạy đến Chèm. Khách chủ yếu là dân buôn bán, công chức, các ông tham, ông thông, ông ký và các chức dịch nông thôn ra Hà Nội sắm hàng hóa. Tuyến đi Sơn Tây có 4 hãng lớn gồm: Tư Đường, Chí Thành, Mỹ Lâm và Larriveé (chủ Pháp).
Tuyến đi Hưng Yên thì lớn nhất có hãng Con Thỏ. Chủ hãng Con Thỏ là Lê Hữu Luân, ông này xuất thân là thợ mộc rong thường ngồi ở bến Nứa chờ việc, thấy Luân nhanh nhẹn chủ nhà xe Bảo Ký bèn cho làm nhân viên đón khách ở bến. Nhờ tố cáo ngầm một phụ xe đối xử không tốt với khách nên Luân được cất nhắc lên làm phụ xe, sau đó lại được nhà xe cho đi học lái. Luân tiêu pha tằn tiện, tích cóp tiền mua được chiếc xe cũ tự chạy và dần dần bứt lên làm chủ hãng với 29 chiếc.
Thăng trầm theo thời cuộc
Cuối thập niên 20, ngoài bến Nứa thì gần Cửa Nam còn có bến xe buýt chạy các tuyến đường dài đi Nam Định, Thái Bình và các tuyến đường ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển, Ngọc Hồi. Dân số Hà Nội tăng nhanh, lại thêm xe tay quá nhiều nên bến xe này gây cản trở giao thông, vì thế Hội đồng thành phố quyết định chuyển bến này xuống Kim Liên.
Khu đất này vốn là chợ của làng Kim Liên nên bến mang luôn tên là bến Kim Liên. Ở phía Tây thành phố, chính quyền cũng đã cho san lấp hồ ao xây dựng bến xe Kim Mã. Bến này chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình và các tuyến ngắn đi Hà Đông, Ba La.
Trước năm 1954, xe khách dù chạy tuyến ngắn hay tuyến dài người ta đều gọi chung là xe buýt. Xe chỉ có một cửa lên xuống ở phía sau. Ban đầu có 2 hàng ghế gỗ sát thành xe, giữa là lối đi, nhưng sau đó các hãng xe cải tiến thành ghế ngang để chở được nhiều khách hơn, trung bình mỗi xe chở khoảng 30 khách.
Trong thập niên 30, cả Bắc Kỳ có gần 5.000 xe buýt các loại trong đó có 405 xe buýt nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, số xe ở Hải Phòng bằng 1/3 Hà Nội. Thời kỳ này xe buýt cạnh tranh quyết liệt với xe lửa nên có câu vè: “Ve vẻ vè ve/Cái vè xe buýt/Đút khách đằng đít/Lái xe ngồi đầu/Đi qua ổ trâu/Bươu đầu bẹt đít/Đường bằng chạy tít/Một loáng về nhà/Còn hơn ra ga/Chờ anh tầu lửa”.
Phương tiện giao thông này ngày càng chiếm ưu thế, dân chúng di xe buýt nhiều hơn. Khi Thế chiến 2 nổ ra, nước Pháp bị Đức xâm chiếm khiến xăng dầu nhập vào Đông Dương rất hạn chế. Lợi dụng tình trạng đó, nhiều chủ xe đã nhồi nhét khách. Báo Trung Bắc tân văn có tranh châm biếm vẽ chiếc xe ép sát đất còn hàng hóa trên nóc cao lên sát mặt trời. Khi quân Nhật chặn các tuyến đường biển, xăng dầu nhập vào Việt Nam càng khó khăn nên nhiều hãng phải cải tiến chạy xe bằng than (dùng động cơ hơi nước). Chiến tranh cũng khiến phụ tùng khan hiếm nên xe hỏng không có phụ tùng thay đành đắp chiếu.
Dấu ấn thời bao cấp
Trước khi Hà Nội tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh năm 1959, Hà Nội có gần 800 xe lớn nhỏ gồm cả chở khách và chở hàng. Năm 1960, 95% số ô tô được công tư hợp doanh và Hà Nội sắp xếp thành 2 xí nghiệp với tên gọi Xí nghiệp xe khách Hà Nội chủ yếu chạy đi các tỉnh.
Các xe này đỗ ở 3 bến chính là bến Nứa, Kim Mã và Kim Liên. Năm 1957, cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội được Ban Thống nhất Trung ương cấp vốn mua 10 ô tô khách để thành lập Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất. Tháng 2-1958 tập đoàn mở tuyến Kim Liên - Hà Đông. Đến tháng 12-1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn xe buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất phục vụ giao thông công cộng của thành phố với 192 xe.
Cùng với tàu điện, xe buýt nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức, học sinh, sinh viên. Năm 1964 đã có 903 khách mua vé tháng. Cuối năm 1965, dù Mỹ đã bắt đầu ném bom miền Bắc nhưng Hà Nội có tới 300 xe buýt chạy 8 tuyến với giá vé đồng hạng. Do thành phố bù lỗ nên giá vé rất rẻ, vì thế nhiều người bỏ tàu điện đi xe buýt.
Thời bao cấp, xe buýt chủ yếu là có các nhãn hiệu: Hải Âu, Lavop (Liên Xô), Ba Đình (xe đóng trong nước sử dụng máy IFA của Cộng hòa dân chủ Đức), Q50, sau này có thêm xe Karosa (Tiệp Khắc). Đi xe buýt thời kỳ này gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Vào giờ cao điểm, khách chen nhau bẹp cả cặp lồng cơm, đổ cả canh, phòi cả trứng tráng ra ngoài. Lại có những người tếu táo kể chuyện tiếu lâm khiến cả xe cười ngả nghiêng.
Dù xe buýt nội đô 30 phút/chuyến, nhưng cứ đông khách là xe bỏ bến. Các buổi sáng, khoảng từ 9-10h, xe từ Nhổn ra Lò Đúc đầy thúng thịt chó vàng ươm với các đầu chó thui nằm nhe răng dọc theo chiều dài của xe. Người ta mang vào nội thành để bán ở các quán bia và các chợ.
Đầu những năm 1990, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh nên xe buýt dần vắng khách. Nhưng hiện nay xe buýt Hà Nội trở thành phương tiện của nhiều người vì giá vé rẻ, nhiều tuyến và đặc biệt không sợ nắng mưa, bụi bặm. Hà Nội đã có chính sách miễn phí vé xe buýt cho người trên 60 tuổi, chính sách này không chỉ hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân mà nó mang tính ưu việt và nhân văn đối với người cao tuổi.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-chiec-xe-buyt-dau-tien-cua-ha-noi-post440058.antd